'Lò xo' kinh tế khó bật mạnh trở lại nếu thiếu sự hỗ trợ từ Chính phủ

Phương Linh - 09:10, 29/10/2021

TheLEADERCộng đồng doanh nghiệp như một chuỗi nhiều lò xo, không phải cái nào cũng có sức bật trở lại nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ.

'Lò xo' kinh tế khó bật mạnh trở lại nếu thiếu sự hỗ trợ từ Chính phủ
Đại dịch đã khiến một bộ phận không nhỏ trong nền kinh tế bị "gãy đổ"

Sức hồi phục của doanh nghiệp yếu sau dịch

Nguyên nhân khiến TS. Trần Du Lịch có những nhận định không mấy lạc quan về sức khoẻ của các doanh nghiệp là do những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Theo ông, đại dịch đã khiến một bộ phận không nhỏ trong nền kinh tế bị "gãy đổ".

Mặc dù chỉ có 23/63 tỉnh thành phố áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong làn sóng dịch bệnh lần thứ tư vừa qua, nhưng các tỉnh thành phố này lại đóng góp tới hơn 60% GDP của cả nước.

Đặc biệt, tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam, nền kinh tế gặp khó khăn lớn nhất. GDP của TP. HCM đã giảm tới 25% trong quý III/2021.

Sự đứt gãy trong nền kinh tế không chỉ là việc các doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động do giãn cách xã hội mà các chuỗi cung ứng cũng bị ngưng trệ. Đây cũng là điều ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hồi phục của các doanh nghiệp sau dịch, ông Lịch nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động hết sức nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội. Trong đó, các Chính phủ đã bắt buộc phải lấy "đá đè chân mình", "đè" vào nền kinh tế khi áp dụng giãn các xã hội trên diện rộng.

Dịch bệnh như một cơn bão "hung dữ" gây đứt gãy không chỉ chuỗi cung ứng, nguồn cung lao động mà còn khiến tổng cung và tổng cầu giảm rất mạnh. Dịch bệnh đã đánh thẳng vào những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đầu tiên là Bắc Ninh, Bắc Giang, sau đó nghiêm trọng hơn là TP. HCM, Bình Dương và Hà Nội.

Nếu như trong đầu năm 2021, Việt Nam rất lạc quan với sự phát triển của nền kinh tế thì sang đến quý III lại là điểm trũng của dịch bệnh. Những đánh giá sai lầm về dịch bệnh và biện pháp chống dịch còn lúng túng đã khiến sự phục hồi của nền kinh tế hiện nay vẫn còn là câu hỏi, vẫn còn "lừng khừng" khi chuỗi cung ứng đứt gãy nghiêm trọng.

Nguyên nhân được ông Thành chỉ ra trước hết là do cách chống dịch có ảnh hưởng rất lớn đến sự hồi phục của các doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.

Thứ hai, Việt Nam là nền kinh tế rất mở, do đó, quá trình phục hồi của kinh tế trong nước phụ thuộc vào các chiến lược chống dịch của các quốc gia là đối tác lớn ở nước ngoài.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp trong nước đang nằm trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu như điện tử, đồ gỗ, dệt may, da giày, nông sản, thuỷ sản. Khi chuỗi cung ứng cũ bị đứt gãy, doanh nghiệp cần thời gian để có thể kết nối và hồi phục trở lại.

Hiện nay, nền kinh tế đã từng bước mở cửa trở lại, song trước nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp và nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén chặt, sau dịch sẽ bật dậy mạnh mẽ, theo ông Lịch điều này không hẳn đúng với bối cảnh hiện nay.

Cộng đồng doanh nghiệp như một chuỗi nhiều lò xo, trong đó, có những chiếc có đủ tiềm lực để hồi phục, nhưng cũng có những chiếc lò xo không thể tự bật trở lại. "Chúng ta không thể trông chờ sự tự hồi phục của doanh nghiệp và phải có sự hỗ trợ của Chính phủ giúp họ phục hồi", ông Lịch nhận định.

Cần giải pháp đủ quyết liệt

Bàn về các giải pháp giúp doanh nghiệp và nền kinh tế bật dậy sau dịch, theo ông Lịch, trước hết thể chế hành chính cần được mở cửa, tạo môi trường tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động. Các biện pháp ngăn sông cấm chợ cần được hạn chế tối đa nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có các biện pháp hỗ trợ giảm, miễn thuế, hỗ trợ an sinh, giãn nợ khoanh nợ, kéo dài thời gian trả nợ cho doanh nghiệp để giúp họ lớn lên. Thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp rất cần có những sự hỗ trợ này để vượt qua khó khăn.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Lịch cho rằng, Chính phủ cần có các chương trình hỗ trợ trung và dài hạn giúp doanh nghiệp đi lên, phục hồi trong điều kiện mới, thay vì trở lại như cũ.

Đây cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp tái cơ cấu, đưa số hoá vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi bền vững, vững vàng hơn chứ không phải là sự trở về như cũ. Các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị trở lại trên quy mô khác, lớn mạnh hơn sau dịch.

Còn theo ông Thành, trong khi Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đưa ra các gói cứu trợ nền kinh tế lớn chưa từng có, có những nước có thể lên đến 20 - 25%GDP và được triển khai phủ trên diện rộng thì tại Việt Nam, quy mô các gói hỗ trợ chưa đủ lớn, chỉ khoảng 1,83% GDP. 

Việc triển khai và giải ngân các chính sách hỗ trợ này nhìn chung vẫn chậm. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ hiện rất thấp, chỉ đạt 20%. Bên cạnh đó, thay vì giống như các nước khác dựa nhiều vào tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp thì Việt Nam lại "đặt trên vai" chính sách tiền tệ quá nhiều.

Nhìn về tương lai phía trước, ông Thành cho rằng, bên cạnh sự tàn phá đối với kinh tế xã hội đại dịch cũng là thời điểm để các doanh nghiệp và nền kinh tế tư duy lại, thiết kế lại và xây dựng lại trong thế giới thay đổi.

Trong đó, Chính phủ cần thiết kế và thực hiện chương trình đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài (từ 2022 - 2023) và triển khai đủ quyết liệt để cứu doanh nghiệp.

Các chính sách này sẽ không chỉ hỗ trợ công đồng doanh nghiệp vượt khó mà còn giúp họ tăng tốc, cải cách cơ cầu và thể chế để bắt kịp với sự phát triển trên thế giới, đồng thời tập trung vào quản trị rủi ro và sự phát triển bất định nhằm đảm bảo khả năng chống chịu của nền kinh tế trong bất kỳ cuộc hùng hoảng nào, ông Thành nhấn mạnh.