Lối ra cho doanh nghiệp giữa mê cung báo cáo phát triển bền vững

Phương Anh - 11:12, 26/10/2023

TheLEADERChuẩn mực hướng dẫn công bố thông tin phát triển bền vững trên toàn cầu có thể là lời giải cho các doanh nghiệp Việt đang tìm kiếm tiêu chuẩn báo cáo phù hợp để tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Vượt trên việc đưa ra cam kết, thực hiện hành động thúc đẩy phát triển bền vững, các doanh nghiệp hiện nay còn phải đối diện với yêu cầu tuân thủ theo luật định, áp lực ngày càng lớn từ nhà đầu tư và các bên hữu quan khác trong việc công bố thông tin chất lượng hơn, toàn diện hơn.

Những doanh nghiệp triển khai hành động phát triển bền vững và có thể chứng minh được thông qua báo cáo sẽ có khả năng tiếp cận nguồn vốn tốt hơn một cách thuận lợi hơn.

Thế nhưng, việc báo cáo không hề dễ dàng với doanh nghiệp khi hiện có nhiều khuôn khổ, tiêu chuẩn, chuẩn mực báo cáo dành cho nhiều đối tượng.

Lựa chọn các chuẩn mực xây dựng báo cáo về phát triển bền vững được áp dụng trên toàn cầu, dễ dàng đối chiếu giữa các quốc gia khác nhau, như công bố mới đây của Hội đồng Chuẩn mực quốc tế về tính bền vững (ISSB) có thể là “lối ra” cho doanh nghiệp giữa “mê cung”. 

Đánh giá này được bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc thường trực, Lãnh đạo phụ trách Dịch vụ Phát triển bền vững và biến đổi khí hậu của Deloitte Việt Nam, đưa ra trong bài phân tích mới nhất.

Mê cung các khuôn khổ và chuẩn mực báo cáo

Bà Ngọc cho biết, các quốc gia đã và đang xây dựng nhiều quy định để các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp lớn và niêm yết, có hướng dẫn và định hướng trong việc công bố thông tin liên quan. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng xây dựng các bộ tiêu chuẩn riêng.

Điều này phát sinh vấn đề có quá nhiều khuôn khổ, tiêu chuẩn, chuẩn mực báo cáo cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau với các mục đích khác nhau.

Theo đó, các doanh nghiệp và những bên liên quan có thể sẽ dễ bị rơi vào “mê cung” của những quy định, hướng dẫn công bố thông tin.

Công bố thông tin phát triển bền vững: Đâu là tiêu chuẩn phù hợp cho doanh nghiệp Việt?
Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc thường trực, Lãnh đạo phụ trách Dịch vụ Phát triển bền vững và biến đổi khí hậu của Deloitte Việt Nam

Trên thực tế, một số tập đoàn quy mô lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, vùng lãnh thổ đang áp dụng nhiều hơn một bộ khung báo cáo hoặc tiêu chuẩn.

Theo khảo sát của IFAC, AICPA & CIMA về công bố và đảm bảo thông tin phát triển bền vững phát hành đầu năm 2023, số lượng các công ty sử dụng hoặc tham khảo nhiều hơn một bộ tiêu chuẩn/khung báo cáo phát triển bền vững tăng mạnh, từ 68% vào năm 2020 lên tới 85% vào năm 2021.

Việc sử dụng đồng thời nhiều khuôn khổ báo cáo và bộ tiêu chuẩn báo cáo có thể làm suy giảm tính hữu ích của thông tin phát triển bền vững được công bố, từ đó dẫn đến nguy cơ nguồn lực và các khoản đầu tư bị phân tán, không bám sát mục tiêu phát triển bền vững.

Xuất phát từ thực tế, nhu cầu cần xây dựng bộ tiêu chuẩn toàn cầu trở nên cấp thiết, nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa các quy định, khuôn khổ và các bộ tiêu chuẩn báo cáo, tạo ra ngôn ngữ chung giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Ngôn ngữ chung cho thông tin phát triển bền vững

Giải quyết bài toán này, gần đây nhất, Hội đồng Chuẩn mực quốc tế về tính bền vững (ISSB) đã công bố IFRS S1 – Công bố thông tin chung về phát triển bền vững và IFRS S2 – Công bố thông tin về khí hậu.

Việc ra đời của các chuẩn mực này đặt dấu mốc quan trọng cho việc xây dựng khung báo cáo chung về thông tin phát triển bền vững chất lượng được áp dụng trên toàn cầu, có thể đối chiếu và so sánh giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Điều này tạo ra ngôn ngữ chung để các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên thị trường vốn có thể trao đổi.

Bà Ngọc cho biết thêm, IFRS S1 và IFRS S2 là thuyết minh đi kèm với báo cáo tài chính của doanh nghiệp, giúp xác định rủi ro và cơ hội liên quan đến phát triển bền vững và khí hậu có ảnh hưởng đến tình hình tài chính trong ngắn, trung và dài hạn.

Các yếu tố được tính là rủi ro và cơ hội sẽ được trình bày theo khung các trụ cột là quản trị, chiến lược, quản trị rủi ro, các chỉ số và mục tiêu liên quan.

Với mục đích tập trung vào thị trường vốn, chuẩn mực IFRS S1, IFRS S2 chỉ yêu cầu thông tin trọng yếu, hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình đưa ra quyết định.

Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?

Hiện tại, Việt Nam đã có các quy định và hướng dẫn thực hiện báo cáo phát triển bền vững cho doanh nghiệp như Thông tư 96/2022/TT-BTC, Thông tư số 116/2022/TT-BTC hay Sổ tay báo cáo bền vững cho các công ty Việt Nam, Hướng dẫn công bố về môi trường và xã hội, quy tắc thực hành tốt nhất về quản trị của Việt Nam.

Việc cân nhắc và xây dựng lộ trình áp dụng chuẩn mực IFRS S1 & S2 sẽ mang lại cho doanh nghiệp Việt nhiều lợi ích.
Phó tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam

Tuy nhiên, khi tính tới câu chuyện tiếp tục phát triển tại những sân chơi lớn, thu hút nguồn vốn chất lượng, nhất là nguồn vốn xanh, trái phiếu xanh hay các khoản vay xanh, các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, cần lựa chọn khung báo cáo phát triển bền vững toàn cầu phù hợp.

Khung báo cáo đó sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu tuân thủ về việc công bố thông tin cho các cơ quan quản lý thị trường và nhà đầu tư.

Vị lãnh đạo của Deloitte Việt Nam nhận định, việc cân nhắc và xây dựng lộ trình áp dụng chuẩn mực IFRS S1 & S2 sẽ mang lại cho doanh nghiệp Việt nhiều lợi ích.

Lợi ích thứ nhất là tiết kiệm thời gian và nguồn lực. Hiện các chuẩn mực về công bố thông tin phát triển bền vững của ISSB đã và đang tích hợp những khuôn khổ báo cáo phổ biến nhất trên thế giới.

Việc hợp nhất các chuẩn mực sẽ là một xu hướng tất yếu trong tương lai được các bên ủng hộ.

Do đó, tìm hiểu và áp dụng IFRS S1 và IFRS S2 có thể giúp các doanh nghiệp Việt tiết kiệm thời gian nghiên cứu, lựa chọn chuẩn mực, khung báo cáo phù hợp, nhằm tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn chất lượng trên thị trường vốn quốc tế.

Thứ hai, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Trong khi đó, những rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu ngày càng tạo ra tác động tài chính có thể đo lường được cho các công ty.

Việc trình bày cơ hội và thách thức theo IFRS S2 (tập trung vào khí hậu) sẽ giúp các bên tham gia thị trường vốn công bố thông tin liên quan đến khí hậu một cách nhất quán, có thể so sánh và đáng tin cậy.

Nói cách khác, IFRS S1 & S2 có thể chính là lời giải cho các doanh nghiệp khi tìm kiếm chuẩn mực công bố thông tin phát triển bền vững trên toàn cầu trong tương lai. Việc tìm hiểu và sớm đưa vào áp dụng còn có thể giúp doanh nghiệp đi trước những xu thế, để có lợi thế cạnh tranh trong tương lai, bà Ngọc nhấn mạnh.