Lợi thế của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Nhật Hạ - 16:39, 08/05/2024

TheLEADERViệt Nam đứng thứ hai trên thế giới về trữ lượng đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, chỉ sau Trung Quốc. Đây là một trong những lợi thế lớn của Việt Nam trong xu hướng mới của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Trong bối cảnh xung đột địa chính trị ở nhiều khu vực, rủi ro về sự phân mảng địa kinh tế có chiều hướng gia tăng, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang được cơ cấu lại theo hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, X +1, tức là toàn bộ các khâu trong ngành công nghiệp bán dẫn chứ không chỉ sản xuất.

Từ nay đến năm 2030, ngành này cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu gồm thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip.

Nhu cầu này phát sinh khi tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường chip bán dẫn vào khoảng 14%/ năm liên tục trong 20 năm vừa qua, dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Nguồn nhân lực về công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu đang thiếu hụt. Đơn cử như Mỹ cũng có nhu cầu thêm nguồn sản xuất nhân lực thiết kế chip từ các quốc gia khác.

Trong đó, Việt Nam đang trở thành một trong số ít quốc gia mà Mỹ nhắm đến. Hiện có 15 công ty Mỹ muốn đầu tư 8 tỷ USD vào ngành bán dẫn của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thông tin trong chuyến làm việc tại Việt Nam đầu năm nay.

Trong chuyến công tác Việt Nam hồi cuối năm 2023, Chủ tịch Nvidia - ông Jensen Huang cũng tuyên bố, tập đoàn này sẽ tạo điều kiện cho các kỹ sư, học viên của Việt Nam có thể tham gia thực tập, làm việc tại Nvidia.

Không chỉ Mỹ, Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu.

Lợi thế

Trong bối cảnh mới của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để trở thành lựa chọn hàng đầu.

Đầu tiên là lợi thế địa chính trị về công nghệ bán dẫn. Nếu lấy Việt Nam làm tâm và quay một vòng tròn 4-5 giờ bay sẽ bao phủ tới 70% ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.

Việt Nam đang ở trung tâm toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định trong nhiều hội thảo gần đây.

Việt Nam lại là nước ổn định chính trị, nằm trong nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh; đặt ưu tiên phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, được xem là ngành công nghiệp vừa nền tảng vừa trọng yếu quốc gia trong vòng 30-50 năm tới.

Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng ban hành trong tháng 5 năm 2024 về Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030.

Thứ hai, người Việt có gen về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), rất hợp với ngành bán dẫn. Ông Hùng cho rằng lợi thế về gen cũng không kém gì lợi thế về địa chính trị. Đây là một lợi thế độc đáo không thể copy.

Lợi thế của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội thảo quốc tế về Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu do Trường Đại học Phenikaa tổ chức cuối tuần trước. Ảnh: Trang tin Bộ Thông tin và truyền thông.

Thứ ba, Việt Nam đang đứng thứ hai trên thế giới về trữ lượng đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, bằng nửa Trung Quốc.

Đất hiếm, hóa chất là đầu vào không thể thiếu của ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng và ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử nói chung. Nhu cầu về các thiết bị điện tử càng lớn thì vai trò của nguyên tố đất hiếm càng quan trọng hơn.

Tuy nhiên, lợi thế này trước đó chưa được khai thác do Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ phân tách đất hiếm.

Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã được nâng cấp lên ‘Đối tác chiến lược toàn diện’ vào năm ngoái với tuyên bố chung đẩy mạnh hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số.

Đây sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ trong khai thác và chế biến, cũng như chuyển giao công nghệ đất hiếm đúng với tiềm năng của mình, nhiều chuyên gia nhận định.

Trước đó, khai thác, phân tách và làm giàu đất hiếm chủ yếu ở Trung Quốc. Rủi ro trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc khiến cho các nhà sản xuất điện tử lo ngại về sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào là nguyên tố đất hiếm.

Có thời điểm, nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc chiếm trên 95% nguồn cung ứng đất hiếm toàn cầu nhưng trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ này đang có xu hướng giảm xuống, theo khảo sát của nbcơ quan khảo sát địa chất Mỹ.

Hiện nguồn cung đất hiếm toàn cầu đã giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng vẫn ở mức độ khá cao 59%.

Thêm nữa, theo Bộ trưởng Hùng, Việt Nam đã 20 năm tham gia công nghiệp bán dẫn, đã tạo được nền tảng ban đầu về đào tạo nhân lực, thiết kế, đóng gói, kiểm thử với khoảng trên 6.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực này.

Tận dụng lợi thế và xu thế mới trên toàn cầu

Ngành bán dẫn của Việt Nam sẽ hướng tới phát triển một cách hoàn chỉnh với lộ trình gần 30 năm chia làm ba giai đoạn gồm từ nay đến năm 2030; giai đoạn 2030 - 2040 và giai đoạn 2040 – 2050.

Trong lộ trình 30 năm này, công nghiệp bán dẫn Việt Nam không chỉ làm một số công đoạn mà sẽ tự chủ đầy đủ các công đoạn bán dẫn và Việt Nam là thị trường chủ lực.

Một trong những bước đi của Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn Việt Nam là xây dựng Việt Nam thành Hub nhân lực (tháp nhân lực) toàn cầu về công nghiệp bán dẫn gồm cả gia công, xuất khẩu lao động.

Từ Hub nhân lực này sẽ tiến tới xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Đây sẽ như thỏi nam châm để thu hút đầu tư nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử tại Việt Nam.

Việt Nam nằm trong top đầu về khả năng đáp ứng nhanh nhu cầu lao động qua đào tạo lại và đào tạo chuyển tiếp.

Các nước khác muốn đào tạo một kỹ sư điện tử làm về công nghiệp bán dẫn phải đào tạo trong khoảng 2 năm nhưng ở Việt Nam chỉ cần 3-6 tháng hoặc 12 tháng, Bộ trưởng Hùng cho biết.

Việt Nam cũng trong top đầu về năng lực STEM. Nhân lực là lõi để dựng lên ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Việc chuẩn bị nhân lực dựa trên dự báo, tầm nhìn dài hạn nhưng vẫn phải dựa trên nhu cầu thị trường, theo Bộ trưởng Hùng.

Việc ký kết các cam kết về nhu cầu nhân lực giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước, tức là tạo đầu ra, sẽ đảm bảo cho đào tạo thành công.

Ở tầm quốc gia, Chính phủ cũng sẽ ký kết các hợp tác quốc gia về cung cấp nhân lực bán dẫn với một số quốc gia thiếu hụt nhân lực bán dẫn.

Đảm bảo đầu ra cần chú ý đến thu nhập, đến những loại việc công nghiệp bán dẫn có chất lượng cao, lương của công nghiệp bán dẫn phải cao hơn lương của công nghệ thông tin.