Lựa chọn khó khăn của Vinasun khi đứng giữa 2 dòng xe taxi

Hứa Phương - 11:03, 25/04/2024

TheLEADERChi phí vận hành xe điện rẻ hơn xe xăng nhưng Vinasun không muốn bị phụ thuộc trạm sạc và quãng đường di chuyển.

Lựa chọn khó khăn của Vinasun khi đứng giữa 2 dòng xe taxi
Vinasun sẽ đầu tư từ 700 đến 1.000 xe hybrid trong năm 2024. Ảnh Hứa Phương

Tròn một năm kể từ thời điểm tuyên bố “taxi điện chỉ là một phương tiện chứ không phải mô hình kinh doanh mới”, Vinasun đã chính thức lựa chọn dòng xe lai (hybrid) kết hợp sử dụng động cơ chạy xăng và mô tơ chạy điện để dần thay thế dòng xe thuần xăng.

Theo đó, năm nay, Vinasun dự kiến đầu tư 700 xe hybrid và nếu điều kiện thuận lợi sẽ tăng lên 1.000 xe. Kế hoạch này gấp đôi số lượng xe hybrid mà hãng taxi khá nổi tiếng ở TP. HCM công bố trước đó là 550 xe.

Lý do Vinasun lựa chọn dòng xe hybrid chứ không phải xe điện được ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách đầu tư tiết lộ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) tổ chức mới đây.

Theo ông Minh, năm ngoái, ban lãnh đạo không khỏi trăn trở khi nhiều cổ đông đặt câu hỏi Vinasun có đưa xe điện vào kinh doanh hay không. Tuy nhiên, việc đưa dòng xe nào vào kinh doanh, Vinasun cũng cần phải đánh giá tính khả thi ở mọi phương diện.

Nếu chọn dòng xe điện thì hiện nay, trên thị trường chỉ có VinFast đầu tư hệ thống trạm sạc tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, Xanh SM cũng là hãng taxi điện sử dụng hoàn toàn xe VinFast, tức là dòng xe điện này chỉ có một nguồn cung cấp, một nguồn bảo trì, một nguồn vận hành và nếu Vinasun lựa chọn tương tự sẽ bị phụ thuộc.

Trong khi đó, dòng xe hybrid đã được Toyota đã nghiên cứu và đưa vào vận hành được 15 năm và năm ngoáiToyota bán được 3,4 triệu chiếc xe hybrid trên toàn cầu, tăng 50% so với năm trước đó.

Điều này có nghĩa là người tiêu dùng không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới nhận thấy sự phù hợp của dòng xe hybrid trong một giai đoạn nhất định trước khi chuyển qua hoàn toàn xe điện.

Từ kết quả chạy thử nghiệm mấy chục xe hybrid, Vinasun nhận thấy chi phí vận hành dòng xe này giảm một nửa so với xe thuần xăng. 

Dòng xe điện có chi phí giá vận hành từ 700 – 800 đồng/km và xe hybrid đắt hơn khoảng 400 đồng/km.

Nhưng đổi lại, ông Minh cho biết, xe hybrid có tính linh hoạt, cơ động hơn xe điện, điều này đặc biệt quan trọng trong kinh doanh taxi. Chính vì yếu tố linh hoạt, cơ động nên tài xế không bị phụ thuộc vào quãng đường di chuyển, trạm sạc điện. Với độ phủ nhanh của xe điện như hiện nay việc chờ đợi để sạc điện làm mất đi chi phí cơ hội của tài xế.

Hơn nữa, việc lựa chọn dòng xe hybrid còn để phù hợp với quy chế của Vinasun. Cụ thể, Vinasun có một quy chế là hàng ngày tất cả tài xế đều phải tập đến một địa điểm để đội trưởng, ban kiểm soát kiểm tra chất lượng xe trước khi bắt đầu ca làm việc.

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM chưa có trạm sạc điện nào cùng lúc đáp ứng được từ 40 đến 50 xe đến cùng lúc để kiểm tra chất lượng xe trước khi ra kinh doanh.

Với ưu thế không mất thời gian chờ sạc điện, xe hybrid có cơ hội để kiếm chi phí bù đắp phần chênh lệch chi phí vận hành đắt hơn so với xe điện.

Ông Minh cho biết, Vinasun đã chuẩn bị xong nguồn vốn khoảng 600 tỷ đồng để đầu tư mới khoảng 700 xe hybrid, có thể nâng lên 1.000 xe khi có cam kết cấp vốn 300 tỷ đồng của hai ngân hàng.

Những chiếc xe hybrid bắt đầu được Vinasun đưa vào vận hành vào tháng tới. Dù đầu tư dòng xe mới với số vốn tương đối lớn nhưng theo ông Minh, Vinasun sẽ không thay đổi giá taxi.

Vinasun dự kiến tổng số xe hoạt động kinh doanh trong năm 2024 của Vinasun là 2.890 xe, trong đó có 700 trở lên là xe hybrid. Năm nay, Vinasun đặt mục tiêu đạt 1.106 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng.

Nguyên nhân kết quả kinh doanh năm 2024 của Vinasun thấp hơn 2023, được lãnh đạo công ty này giải thích do lường trước hai yếu tố là sức cầu yếu và sự cạnh tranh quyết liệt của những hãng taxi khác.