Lục Ngạn không chỉ có vải thiều

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours - 09:56, 25/06/2021

TheLEADERLục Ngạn có nhiều tiềm năng để du lịch cất cánh, quan trọng là chọn đúng nhà tư vấn thực hiện, có mô hình hiệu quả, đồng hành với người dân và dám bảo hành dự án.

Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) được xem là vương quốc vải thiều vì có diện tích trồng vải lớn nhất Việt Nam với hơn 15.500ha (toàn tỉnh có hơn 28.100ha). Năm 2020, doanh thu từ vải thiều Bắc Giang đạt hơn 5.100 tỷ đồng. Nếu tính luôn các hoạt động phụ trợ, tổng doanh thu hơn 6.800 tỷ đồng; tăng 7,3% so với năm 2019, bất chấp dịch bệnh.

Sản lượng vải thiều Việt Nam năm 2020 là 380.000 tấn (Bắc Giang chiếm 47%), xếp thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, trong đó gần 200.000 tấn xuất khẩu đi các nước. Trung Quốc nhập 50% vải thiều xuất khẩu của Việt Nam. Huyện Thanh Hà (Hải Dương) cũng là vùng trọng điểm vải thiều Việt Nam, nổi tiếng không kém Lục Ngạn.

Lục Ngạn không chỉ có vải thiều
Lục Ngạn mùa vải thiều - Ảnh Nguyễn Hữu Thông

Vải thiều (gọi như vậy để phân biệt với vải vóc) còn gọi là lệ chi. Thảm án oan khuất Lệ Chi viên (vườn vải) ở Côn Sơn, Hải Dương với bi kịch của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380 - 1442) như vết nhơ của lịch sử. Vải thiều Việt Nam còn gắn với giai thoại tục cống vải và cuộc khởi nghĩa oai hùng của Mai Thúc Loan (670 - 723) chống quân xâm lược nhà Đường, xưng vương là Mai Hắc Đế.

Lâu nay, tôi chỉ đưa khách đi ngang Bắc Giang chứ chưa một lần dừng lại. Cuối tháng 11/2020, nhờ dịch bệnh và chương trình liên kết giữa du lịch TP.HCM với các tỉnh, tôi có dịp về Bắc Giang mấy ngày, đúng vào dịp “Những ngày hội trái cây Lục Ngạn 2020”. Phải nói là quá bất ngờ, quá thú vị.

Lục Ngạn không chỉ có vải thiều 1
Một gian hàng ở ngày hội trái cây Lục Ngạn 2020 - Ảnh DLBG

Bất ngờ thứ nhất là ngày hội của huyện nhưng có hàng chục tỉnh bạn tham gia. Bất ngờ thứ hai, tôi đến hội chợ vào chiều tối ngày cuối. Những ngày hội chỉ diễn ra 3 ngày vì trái cây không có chất bảo quản, để 3 ngày ngoài trời nắng gió là bớt tươi ngon. Ngày cuối, giờ cuối mà khách vẫn nườm nượp, khác hẳn cảnh chợ chiều của nhiều hội chợ khác.

Bất ngờ thứ ba là hội chợ trái cây đúng nghĩa vì toàn trái cây. Các mặt hàng và dịch vụ khác chỉ ăn theo chứ không lấn sân hoặc áp đảo. Đảo một vòng quanh hội chợ, tôi càng ngạc nhiên. Gian hàng nào cũng trang trí bằng đủ thứ trái cây thật đẹp và bắt mắt. Mùa vải thu hoạch vào tháng 6 nhưng hội chợ tổ chức cuối tháng 11 để chứng minh Lục Ngạn không chỉ có vải thiều mà còn nhiều loại trái cây khác.

Lục Ngạn không chỉ có vải thiều 2
Xôi ngũ sắc, món ngon Lục Ngạn - Ảnh DLBG

Càng ngạc nhiên với cách tiếp thị hào phóng của các gian hàng. Gian hàng nào cũng có bàn, ghế, nước trà, dao, đĩa để khách tha hồ thưởng thức trái cây đặc sản Lục Ngạn và các tỉnh bạn. Từ cam, bưởi, ổi, xoài, dứa, lựu đến thanh long, mãng cầu (na)… Đặc biệt, không chỉ có thanh long đỏ, dứa mật, mà có cả thanh long vàng quý hiếm, ngọt thơm rất lạ. Lâu nay, cứ tường chỉ dân Nam bộ mới biết tiếp thị trái cây.

Hay tin tôi đang đi khảo sát Hạ Long với Sở Du lịch TP.HCM, X.H - anh bạn trẻ ở Lục Ngạn, nghe tiếng tôi qua vài bạn bè và các bài viết, nên điện thoại tha thiết mời “thầy” về nhà ngủ giữa vườn trái cây và nhờ tư vấn du lịch cộng đồng. H dùng xe gắn máy đón tôi ở hội chợ và chở đi thực tế. Lục Ngạn có vô số vườn cây trái đẹp ngỡ ngàng. Cuối năm là mùa thu hoạch cam, trái nào cũng vàng ươm và ngọt lịm. Bưởi, cây nào cũng trĩu cành khiêu khích.

Lục Ngạn không chỉ có vải thiều 3
Hồ Khuôn Thần - Ảnh DLBG

Lục Ngạn ngày nay mùa nào trái đó, gần như quanh năm. Điều đáng mừng là cây trái Lục Ngạn đa phần được trồng và chăm sóc theo chuẩn Vietgap, Globalgap. Lại không sợ ngập mặn như miền Tây, hạn hán như miền Trung.

Mấy ngày ở Lục Ngạn, đi tới đâu cũng “á là là” về tài nguyên du lịch. Nơi nào cũng có thể làm du lịch một cách căn cơ, bền vững. Huyện có 2 di tích quốc gia, 31 di tích tỉnh và nhiều danh thắng độc đáo, nhiều làng nghề lừng danh.

Lục Ngạn không chỉ có vải thiều 4
Một góc hồ Cấm Sơn - Ảnh DLBG

Lục Ngạn có 2 hồ đẹp ngỡ ngàng, bạt ngàn xanh, đọ sắc giữa nước, trời, rừng và cây ăn trái. Hồ nào nước cũng biếc xanh, liu riu sóng nhẹ, soi bóng mây và cây. Đẹp và lãng mạn nhất là du thuyền trên hồ vào mùa thu, trời trong, gió se lạnh, tán tỉnh các loài hoa rừng dậy thì khoe sắc.

Hồ Cấm Sơn, rộng 2.400ha với hàng chục đảo lớn nhỏ, bao quanh rừng rộng 21.800ha. Hồ Khuôn Thần, rộng 140ha, có 12 đảo, bao quanh rừng 1.000ha. Mùa hè sim và mua nở tím trời đợi khách.

Bắc Giang là vùng phên dậu của kinh thành Hà Nội mà Lục Ngạn là chốt tiền tiêu. Bà Triệu Thị Trinh (226 - 248) được thờ ở đền Xuân An và Ngọc Nương. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) và các danh tướng nhà Trần được thờ ở các đình Trại Ba, Cống Luộc, Nội Bàng, đình và đền Hựu.

Lục Ngạn không chỉ có vải thiều 5
Một góc đền Từ Hả

Về Lục Ngạn, tôi mới biết thêm về Vũ Thành (Thân Cảnh Phúc 1030 - 1077), danh tướng người Tày trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Ông được thờ ở đền Hả (Từ Hả), di tích quốc gia và các di tích tỉnh như đền Bồng Lai, Cầu Từ; các đình Hạ Long, Giấy Hạ, Tứ Xuyên, Nghĩa Khuông, Bồng Lai, Kim, Chể, Ái. Đền Cầu Từ có cây thị cổ, hơn ngàn năm tuổi, xung quanh phát lộ nhiều dấu tích tương tự Hoàng thành Thăng Long.

Nếu tinh thần còn trẻ và thích khám phá thiên nhiên thì trekking rừng nguyên sinh và tắm thác Khe Rỗ Hoặc lên “Cổng trời” Lục Ngạn, tiếp giáp Lạng Sơn, tham quan ải Sa Lý (chiến ải chống quân xâm lược Nguyên - Mông) rồi xuôi ải Nội Bàng (di tích nhà Mạc), Bàn Than, bến Ghềnh (đền Quan) nơi Yết Kiêu dong thuyền về Phả Lại…

Lục Ngạn không chỉ có vải thiều 6
Trên đỉnh Am Ni - Ảnh Đăng Lâm

Đã nhất là leo núi Am Vãi, lên viếng chùa cùng tên. Núi cao chừng 400m, đường dốc, uốn lượn quanh co, khúc khuỷu theo sườn núi với các sự tích hang Tiền, hang Gạo, bàn cờ Tiên, dấu chân Phật…. Chùa cổ, có thế “bối sơn, diện thủy, hướng dương” với giếng Ngọc, nước trong, mát lạnh quanh năm và chuông đồng nặng gần một tấn.

Lục Ngạn không chỉ có vải thiều 7
Dấu chân Phật trên đỉnh Am Ni - Ảnh Hà Yến

Núi Am Vãi không cao nhưng quanh năm sương mờ lãng đãng. Cảnh quan cứ hư ảo vô thường. Chùa dựa lưng vào núi, đối mặt thung lũng ngút ngàn xanh, ngập nắng, tràn gió; nép mình bên dòng Lục Nam thơ mộng. Gặp ngày trời quang, nhìn về hướng Đông, thấy rõ mênh mông rừng và núi thiêng Yên Tử với huyền tích thiền phái Trúc Lâm.

Lục Ngạn không chỉ có vải thiều 8
Từ đỉnh núi Am Ni nhìn xuống thị trấn Chũ - Ảnh DLBG

Lục Ngạn có những làng nghề ẩm thực độc đáo, tha hồ trải nghiệm như mì Chũ Thủ Dương, bánh đa Kế, xôi trứng kiến và xôi màu Phi Điền, mật ong hoa vải Nghĩa Hồ, rượu men lá Kiên Thành, bánh vắt vai, bánh hút… Món ngon thì có gà đồi, heo nhà, cá suối, cá hồ, rau vườn và rau rừng, thỏa sức chế biến.

Địa hình Lục Ngạn đồi, núi đan xen; nhiệt độ bình quân 23,5 độ C, cách trung tâm Bắc Giang 40km, Hà Nội và Nội Bài 116km. Tài nguyên du lịch đa dạng, cả nhân văn lẫn tự nhiên. Du lịch Lục Ngạn nối kết các huyện Sơn Động (Tây Yên Tử), huyện Lục Nam, thành phố Bắc Giang, huyện Yên Thế khép kín thành những tour tuyến độc, lạ.

Lục Ngạn không chỉ có vải thiều 9
Phơi mì Chũ - Ảnh Nguyễn Mai

Chỉ tiếc là dịch vụ chưa tương xứng. Xe buýt và du thuyền đều cũ, chưa có điểm ăn uống chuẩn cho du khách, nói chi việc lưu trú. Người dân muốn làm du lịch cộng đồng nhưng chưa có mô hình phù hợp. Quản lý ngành lúng túng.

Trong khi chờ đại bàng lót ổ bằng những khách sạn, resort 4 - 5 sao; hãy tạo điều kiện cho chim sẻ tại chỗ làm tổ. Đó là các hộ dân với những homestay, gardenstay, villagestay đúng chuẩn quốc gia, bằng vật liệu tự nhiên, sáng tạo, giữa vườn cây trái, bên hồ, ven sông; gắn du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới.

Quan trọng là chọn đúng nhà tư vấn thực tiễn, có mô hình hiệu quả, đồng hành với người dân và dám bảo hành dự án. Được vậy, du lịch Lục Ngạn sẽ sớm khẳng định mình và cất cánh.