Mã Thanh Loan, CEO Auxesia Holdings: "Chỉ M&A khi công ty có giá nhất"

Hương Xuân - 06:17, 06/11/2017

TheLEADERĐể một thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) thành công, trước hết phải xác định được thời điểm vàng, chiến lược M&A phải rõ ràng và nhất quán.

Mã Thanh Loan, CEO Auxesia Holdings: "Chỉ M&A khi công ty có giá nhất"
Giá không phải là tất cả trong M&A. Ảnh minh họa

LTS: Mua bán - sáp nhập (M&A) là hoạt động kinh tế quan trọng và tăng trưởng mạnh từ lâu nay trên thế giới. Ở Việt Nam, hoạt động này bắt đầu chưa lâu song ngày càng sôi động và hứa hẹn một sự bùng nổ trong thời gian tới. Điều kiện nào, phương pháp nào, bối cảnh nào có lợi cho doanh nghiêp khi thực hiện M&A? Làm sao không bị thâu tóm mà vẫn duy trì thương hiệu, phát triển kinh doanh? Những ý kiến ghi nhận từ các chuyên gia kinh tế, doanh nhân tại cuộc toạ đàm về M&A do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM tổ chức cuối tuần qua sẽ góp phần làm sáng tỏ vấn đè này

Bài 1: Phải xác định được thời điểm vàng để M&A khi mình có giá nhất

(Bà Mã Thanh Loan, Tổng giám đốc Auxesia Holdings)

Bà Mã Thanh Loan

Chia sẻ tại toạ đàm “M&A- Cơ hội doanh nghiệp Việt thời hội nhập” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM tổ chức ngày 4/11/17, bà Mã Thanh Loan, Tổng giám đốc Auxesia Holdings cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) ở Việt Nam đã diễn ra khá sôi động với tổng giá trị giao dịch trên 35 tỷ USD giai đoạn 2011-2016. 

Những lợi ích mà M&A mang lại cho doanh nghiệp Việt như gia tăng tiềm lực tài chính, nâng cao trình độ quản lý và năng lực cạnh tranh, hình thành các chuỗi giá trị mới… giúp doanh nghiệp phát triển lớn mạnh tại thị trường Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế.

Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam M&A còn thấp so với thế giới

M&A được các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng như một công cụ phát triển nhanh chóng và hiệu quả thay vì phát triển theo kiểu truyền thống. Theo thống kê, năm 2016, tổng giao dịch M&A của thế giới là 3.500 tỷ USD. 

Tuy nhiên nhìn lại quá trình phát triển của M&A ở Việt Nam, có thể thấy chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, tỷ lệ M&A nội địa còn thấp, doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài còn rất hạn chế. Khung pháp lý cho M&A khá phân tán, trong đó Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp chi phối nhiều nhất

Ở Việt Nam năm 2007 đã có sự phát triển M&A đột biến, với 108 giao dịch trị giá 1,7 tỷ USD. Năm 2008 - 2010 M&A giảm sút do khủng hoảng kinh tế thế giới khiến cho đầu tư nước ngoài giảm đi. Phải đến năm 2011 mới có những giao dịch lớn trị giá 1,3 tỷ USD với 255 giao dịch, do lạm phát rất cao, doanh nghiệp thấm đòn, phải bán tài sản để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Từ 2011-2016 rõ ràng đã có những giao dịch khủng. Năm 2016 lên đến 10 tỷ USD, trong đó ngành bất động sản đạt 3,9 tỷ USD, ngành thực phẩm và đồ uống đạt 1,7 tỷ USD, kế đến là ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng. Những giao dịch M&A nhỏ hơn 1 triệu USD chiếm 31% năm 2016, từ 1 đến 5 triệu USD chiếm 25%. Giá trị giao dịch M&A còn thấp, những giao dịch trên 100 triệu USD còn ít. Tỷ lệ đầu tư nội địa chiếm 46% tổng giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chiếm 53%, chứng tỏ chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam.

Thái Lan, Nhật Bản thực hiên nhiều M& A tại Việt Nam. Thái Lan chỉ có 6 giao dịch, đạt 2,2 tỷ USD năm 2016, nhưng chiếm 46, 6% tổng giá trị giao dịch, chứng tỏ nhà đầu tư Thái Lan đã bỏ tiền rất lớn vào từng giao dịch, họ quan tâm nhất mảng bán lẻ, xây dựng vật liệu, thực phẩm và đồ uống. Nhật Bản có 22 giao dịch, chiếm 12% tổng giá trị giao dịch,thể hiện xu hướng mới các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật đang tiến hàng M&A ra nước ngoài, hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam…”

Tập đoàn Central Group đã bỏ ra 200 triệu USD mua 49% cổ phần Công ty Nguyễn Kim có 21 siêu thị điện máy trong cả nước

Giá không phải là tất cả

Về phương pháp định giá giá trị thương hiệu, bà Loan cho rằng doanh nghiệp Việt thường đưa giá khá cao, nhưng nhà đầu tư có phương pháp khoa học để xác định giá trị thương hiệu. Với các quỹ đầu tư, họ chiết khấu dòng tiền tương lai về giá trị hiện tại để định giá thương hiệu. Phương pháp thứ hai là phương pháp thị trường, so sánh giá giao dịch với những công ty đã niêm yết trên lợi nhuận, tuy nhiên sẽ có điều chỉnh về tính thanh khoản. Thứ ba là phương pháp định giá tài sản ròng.

Trong M&A, giá không phải là tất cả, mà chỉ là một phần trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, hợp tác đầu tư. Khi nhà đầu tư cam kết lợi nhuận, nếu không đạt có điều chỉnh giá hay không, giá đó còn liên quan đến quyền kiểm soát của nhà đầu tư. Phải xem xét giá trị cộng hưởng khi hợp tác với nhà đầu tư, để đưa ra mức giá hợp lý

Để một thương vụ M&A thành công, trước hết phải xác định được thời điểm vàng, chiến lược M&A phải rõ ràng và nhất quán. Tỷ lệ thành công giao dịch M&A ở Việt Nam chỉ khoảng 50%, M&A thường là giao dịch thầm lặng. 

Khi Univever vào Việt Nam, họ có xu hướng mua lại các thương hiệu trong nước, lúc đó Mỹ Hảo chiếm 50% thị phần nước rửa chén, tuy nhiên họ lại từ chối hợp tác với Unilever. Unilever đã tự phát triển hệ thống bán lẻ, phân phối rộng khắp cả nước. Thị phần của Mỹ Hảo mỗi năm giảm xuống một ít, đến nay chỉ còn 20%. 

Rõ ràng Mỹ Hảo không xây dựng chiến lược M&A, và bỏ lỡ thời cơ vàng để M&A. Khi thị phần của chúng ta ngày càng giảm thì khó có nhà đầu tư nào quan tâm. Lúc đó giá trị bán không như kỳ vọng.

Thứ hai hệ thống tài chính của doanh nghiệp chưa minh bạch, nhiều doanh nghiệp có hai hệ thống sổ sách để tiết kiệm về thuế. Tuy nhiên nhà đầu tư vào họ không quan tâm nhiều đến lợi nhuận bằng tính minh bạch của sổ sách, tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong quản lý doanh nghiệp.

Thứ ba phải quan tâm đến sự tham gia của cả tổ chức. Các chủ doanh nghiệp rất quan tâm đến tiến hành M&A, nhưng khi đưa xuống nhân viên để kiểm tra một số thông tin thì chậm trễ, vì nhân viên coi đó chỉ là việc làm thêm thôi. Nếu không thống nhất quan điểm, đã thông tư tưởng từ trên xuống dưới, M&A sẽ khó thành công.

(*) Đón đọc bài tiếp cùng chuyên đề: "Bán xong hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ, tôi rất thanh thản"