Miếng bánh bán lẻ 160 tỷ USD: Nguy cơ doanh nghiệp Việt thua ngay trên sân nhà

Đặng Hoa - 13:54, 28/12/2017

TheLEADERCuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần trong miếng bánh bán lẻ quy mô tới 160 tỷ USD đang ngày càng quyết liệt. Nếu không có chiến lược và tầm nhìn dài hạn, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ có thể mất đi lợi thế ngay trên sân nhà.

Miếng bánh bán lẻ 160 tỷ USD: Nguy cơ doanh nghiệp Việt thua ngay trên sân nhà
Cuộc đua trên thị trường bán lẻ ngày càng quyết liệt. Ảnh minh họa

Nếu như tổng mức bán lẻ năm 2010 chỉ mới đạt 88 tỷ USD thì năm 2016 đã đạt 158 tỷ USD. Đây là mức tăng được bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định vượt xa con số dự báo của nhiều hãng nghiên cứu thị trường nước ngoài. 

Theo đó, ngành bán lẻ tại Việt Nam thường có mức tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng kỳ và mức tăng trưởng của một số ngành kinh tế khác. Tỷ lệ đóng góp của bán buôn và bán lẻ vào GDP với hơn 14%, kéo theo sự phát triển của hầu hết các ngành sản xuất trong nền kinh tế; đồng thời dịch vụ bán lẻ cũng là một trong top 6 các ngành nghề thu hút vốn đầu tư lớn nhất.

Tuy nhiên, bà Loan cho rằng mặc dù có rất nhiều sự tiến bộ trong 10 năm qua, sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) và sau khi Hiệp hội các nhà Bán lẻ Việt Nam được thành lập, ngành dịch vụ bán lẻ của Việt Nam đang phát triển chậm hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực. 

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, tính đến tháng 9 năm nay, cả nước hiện mới có khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi, vài trăm siêu thị và trung tâm thương mại, còn quá ít nếu so sánh với tỷ lệ hơn 90 triệu dân. 

Chưa kể, các doanh nghiệp bán lẻ Việt có năng lực như Saigon Coop, VinGroup chưa nhiều và người dân Việt vẫn chưa quen với việc mua sắm tại các trung tâm thương mại với các thương hiệu lớn. 

Bên cạnh đó, báo cáo của Savills cho thấy mật độ bán lẻ tại Hà Nội và TP. HCM hiện vẫn còn khá thấp, mới chỉ khiêm tốn ở mức từ khoảng 0,26 và 0,12 m2 bán lẻ/người, thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur.

Sau 10 năm, dịch vụ bán lẻ hiện đại hình thành và pháttriển mạnh mẽ, có bước tiến vững chắc và được coi là động lực phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam. 

Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% thị phần, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%, Malaysia là 60% và Singapore lên đến 90%.

Thừa nhận những hạn chế của doanh nghiệp bán lẻ trong nước, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, bán lẻ trong nước chưa thể bứt phá phát triển như các tập đoàn nước ngoài do còn thiếu và yếu trong các vấn đề như tính chuyên nghiệp, thiếu chiến lược phát triển dài hạn. 

Các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động trong tình trạng bến bãi phân tán, kém hiệu quả, mạng lưới phân phối chưa chuyên nghiệp. 

Từ năm 2009 khi Việt Nam hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ trong nước cho các nhà cung cấp nước ngoài, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với các nhà cung cấp ngoại trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. 

Thị trường nội địa giờ đây không còn chỉ là của các doanh nghiệp trong nước; nếu không thay đổi và phát triển, bán lẻ Việt Nam có thể sẽ mất đi lợi thế ngay trên sân nhà, đặc biệt là trong thời hội nhập. 

Làm gì để hội nhập thành công

Một vấn đề cấp bách được đặt ra là làm thế nào để ngành bán lẻ Việt Nam tận dụng được những lợi thế sẵn có để hòa mình vào xu thế hội nhập, phát triển mạnh mẽ, nâng tầm và bắt kịp với sự phát triển của các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Bà Loan cho biết trước đây chúng ta chỉ biết nhìn vào các nước phát triển mạnh trong khu vực như Singapore để ngưỡng mộ trong khi không nhận ra rằng các quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Myanmar và Phillipines đang tiến như vũ bão xét về thị trường bán lẻ. 

"Ngành bán lẻ của Việt Nam chỉ đang cố gắng để đi nhanh nhanh một chút chứ thậm chí chưa khởi động để chạy", bà Loan ví von.

Đề xuất phương án giải quyết bài toán này, bà Loan cho rằng không có một giải pháp nào phù hợp cho tất cả các doanh nghiệp và mọi loại hình bán lẻ; thay vào đó, từng doanh nghiệp phải có chiến lược, con đường đi của riêng mình.

Xét về tổng thể, ngành dịch vụ bán lẻ cần nhận thức được và tận dụng cơ hội hội nhập để phát triển và cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần phải định vị ngành bán lẻ Việt Nam để sẵn sàng cạnh tranh, đòi hỏi một sự nỗ lực tổng thể để hướng tới tương lại.

Để hội nhập, cần có sự nỗ lực từ cả doanh nghiệp và Nhà nước. Các doanh nghiệp phải chủ động, tự tìm đường đi cho mình để phát triển theo hướng chủ động và chuyên nghiệp hơn trước sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Đồng thời nhà nước cũng cần có những sự hỗ trợ theo tinh thần không vi phạm các quy định của WTO cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam có xuất phát điểm thấp, manh mún, bộc lộ nhiều điểm cố hữu về tài chính, nguồn nhân lực và quản trị; do đó bà Loan cho rằng cần phải thay đổi ngành bán lẻ, tìm ra chiến lược phát triển cho ngành dịch vụ bán lẻ hướng tới tiếp tục tăng trưởng và đảm bảo tính cạnh tranh.

Trong đó, cần áp dụng công nghệ nhiều hơn nữa vào dịch vụ bán lẻ để đáp ứng được yêu cầu mua sắm nhanh, dễ dàng và theo xu hướng, cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm cho khách hàng sẽ là yếu tố then chốt trong việc bán lẻ trong tương lai đồng thời gắn kết ngành dịch vụ bán lẻ với các lĩnh vực khác như du lịch và công nghiệp sáng tạo.