Năm 2022 đã tạo nền móng cho kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Phạm Sơn - 09:09, 26/12/2022

TheLEADERNăm 2022, Việt Nam đứng thứ 10 trên toàn thế giới về tái chế kim loại, giấy, nhựa và thủy tinh, ngành công nghiệp tái chế tăng trưởng đạt mức hơn 11% so với năm 2021.

Năm 2022 đã tạo nền móng cho kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà tại hội nghị. Ảnh: Lao động

Cùng với đó, số vụ vi phạm pháp luật về môi trường giảm mạnh tới hơn 65% so với năm 2021, tỷ lệ người dân tỏ ra quan ngại về các vấn đề môi trường giảm xuống chỉ còn 1,55% trong năm 2022.

372 trong số 435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được hoàn thiện xử lý triệt để. 91% khu công nghiệp đang hoạt động đã được xây dựng công trình xử lý nước thải đạt chuẩn.

Những thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nêu ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023 của ngành tài nguyên và môi trường. Với những thành tựu đáng được ghi nhận, đặc biệt là bước tiến của ngành công nghiệp tái chế, có thể nhìn nhận, năm 2022 đã đặt nền móng cho phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, cũng trong năm 2022, ngành tài nguyên và môi trường đã tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều quyết sách đặc biệt quan trọng như Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, tạo cơ sở pháp lý cho những hoạt động hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng về không vào năm 2050.

Chính phủ và Thủ tướng cũng ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó có các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là công cụ hữu hiệu giúp xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với nhiều bộ, ngành để thúc đẩy sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các tổ chức, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động hướng tới chuyển dịch xanh, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam ngày càng được “xanh hóa”, với nhiều sản phẩm đạt được tiêu chuẩn về môi trường và phát thải, từ đó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trở thành động lực tăng trưởng mới.

Đối với năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, rà soát kế hoạch hành động, hoàn thành công tác lập kế hoạch, phê duyệt quy hoạch để đảm bảo quỹ đất và tài nguyên đầu vào, giải quyết vướng mắc, giải phóng nguồn lực phát triển. Nguồn thu từ tài nguyên và môi trường đóng góp 18% - 20% thu ngân sách nội địa.

Hai là, chủ động thực hiện các giải pháp phục hồi hệ sinh thái, cải thiện môi trường; thu hút nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng môi trường. Hoàn thành mục tiêu 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đúng cách; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác phát điện, tái chế thay cho chôn lấp.

Ba là, triển khai cam kết bảo tồn hệ sinh thái trên đất liền và trên biển theo Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học; triển khai cam kết đưa phát thải ròng về không với hỗ trợ từ quốc tế; chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải từ sử dụng rừng và đất. Bên cạnh đó, triển khai các mô hình thích ứng, giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu.

Bốn là, đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung đa mục tiêu; cổng thông tin địa lý quốc gia và dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường.

Năm là, đơn giản hóa 15 - 20% thủ tục hành chính trong ngành tài nguyên và môi trường, trực tuyến hóa các dịch vụ công thiết yếu, chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với thủ tục môi trường, đất đai tăng 2 - 3%.

Cuối cùng, đẩy mạnh điều tra đánh giá tiềm năng tài nguyên và môi trường, đặt mục tiêu 39% diện tích vùng biển và 75% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỉ lệ 1:50.000.