Nghị định 71: Có lấp được lỗ hổng quản trị?

Minh Anh - 10:55, 24/07/2017

TheLEADERNghị định 71 có nhiều thay đổi tích cực giúp giải quyết những khúc mắc trong quản trị doanh nghiệp.

Nghị định 71: Có lấp được lỗ hổng quản trị?
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 1/8/2017 với một số thay đổi và nâng cao hiệu lực pháp lý của quy định về quản trị doanh nghiệp. Nghị định được xây dựng tuân thủ theo Luật doanh nghiệp mới nhất (2014) và thay thế Thông tư số 121/2012/TT-BTC.

Quy chế nội bộ về quản trị công ty do Đại hội đồng cổ đông thông qua

Theo Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng quy định điều lệ công ty được Đại hội đồng cổ đông thông qua và không được trái với Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán, các quy định tại Nghị định này và văn bản pháp luật có liên quan.

Quy chế nội bộ về quản trị công ty được Hội đồng quản trị xây dựng, trình Đại hội đồng cổ đông thông qua. Quy chế nội bộ về quản trị công ty không được trái với quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Bộ Tài chính hướng dẫn mẫu Quy chế nội bộ về quản trị công ty để công ty đại chúng tham chiếu xây dựng Quy chế nội bộ về quản trị công ty.

Người phụ trách quản trị công ty

Hội đồng quản trị của công ty niêm yết phải bổ nhiệm ít nhất 01 người làm các nhiệm vụ của người phụ trách quản trị công ty. Người phụ trách quản trị công ty có thể kiêm nhiệm làm Thư ký công ty theo quy định tại khoản 5 Điều 152 Luật doanh nghiệp.

Người phụ trách quản trị công ty phải là người có hiểu biết về pháp luật, không được đồng thời làm việc cho công ty kiểm toán độc lập đang thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của công ty.

Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm Tổng giám đốc

Một trong những điểm nhấn của nghị định này là quy định tại điều 12. Theo đó hành viên Hội đồng quản trị phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 151 Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Thành viên Hội đồng quản trị có thể không phải là cổ đông của công ty.

Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng giám đốc) của cùng 01 công ty đại chúng. Thành viên Hội đồng quản trị của 01 công ty đại chúng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị tại quá 05 công ty khác.

Giao dịch với các bên liên quan

Khoản 1, Điều 26, Nghị định 71 quy định, công ty đại chúng không được cung cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho cổ đông là cá nhân và người có liên quan của cổ đông đó là cá nhân, trừ trường hợp công ty đại chúng là tổ chức tín dụng.

Đây là quy định không mới so với nội dung Thông tư 121/2012/TT-BTC. Thực tế thực thi Thông tư 121 một số doanh nghiệp đã gặp khó khăn, đặc biệt trong việc điều tiết nguồn lực tài chính giữa các công ty trong cùng một hệ thống. Năm 2016, Ủy ban Chứng khoán đã xử phạt một trường hợp phát sinh giao dịch cho vay giữa công ty con và công ty mẹ do đây là hoạt động không được phép, dù trên thực tế, giao dịch này mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn cho cả công ty mẹ và công ty con.

Tuy nhiên, cùng nội dung trên, nhưng Nghị định mới đã khắc phục được điểm khó của doanh nghiệp.

Khoản 2, 3, Điều 26 quy định những trường hợp ngoại lệ của Khoản 1, bao gồm: công ty đại chúng là tổ chức tín dụng, cổ đông là công ty con trong trường hợp công ty con là các công ty không có cổ phần, phần vốn góp nhà nước nắm giữ và đã thực hiện góp vốn, mua cổ phần của công ty đại chúng trước ngày 1/7/2015; công ty đại chúng và tổ chức là người có liên quan của cổ đông là các công ty trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế và giao dịch này phải được đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị chấp thuận theo quy định tại điều lệ công ty; các trường hợp pháp luật có quy định khác.

Để tránh các trường hợp lách luật trong các giao dịch với người có liên quan, Nghị định 71 cũng nêu rõ: trừ trường hợp được đại hội đồng cổ đông chấp thuận, công ty đại chúng không được cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh khoản vay cho các thành viên hội đồng quản trị, kiểm soát viên, giám đốc (tổng giám đốc), các người quản lý…; các giao dịch dẫn đến tổng giá trị giao dịch từ 35% trở lên tổng tài sản của công ty đại chúng trên báo cáo tài chính gần nhất với các đối tượng này, cổ đông sở hữu từ 10% vốn cổ phần phổ thông trở lên và người có liên quan của họ; các tổ chức cá nhân trong diện phải công khai thông tin theo quy định của Luật Doanh nghiệp.