Nguy cơ thiếu điện do 47 dự án năng lượng lớn chậm tiến độ

Nhã Nam - 08:45, 18/07/2019

TheLEADERTổng công suất nguồn điện của Việt Nam gần như không còn dự phòng, trong khi đó nhiều dự án theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ năm 2021.

Nguy cơ thiếu điện do 47 dự án năng lượng lớn chậm tiến độ
Lượng điện thiếu hụt ước tính 6,6 tỷ kWh vào năm 2021. Nguồn: EVN

Theo báo cáo của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), trong số 62 dự án có công suất lớn trên 200MW nằm trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh thì chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ.

Dự kiến năm 2020, nhu cầu điện trên cả nước cơ bản được đáp ứng nhưng vẫn tiềm ẩn một số rủi ro, có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện...

Theo tính toán, lượng điện thiếu hụt ước tính 6,6 tỷ kWh vào năm 2021, sau đó tăng lên gần 11,8 tỷ kWh vào 2022. Mức thiếu hụt lên khoảng 15 tỷ kWh vào năm 2023, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ và 3,5 tỷ kWh vào 2 năm tiếp theo sau khi bổ sung nguồn điện từ các cụm Nhiệt điện khí lô B, Cá Voi Xanh.

Hiện nay, các dự án nguồn điện được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư gồm các dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) là chủ đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT; các dự án phát điện độc lập (IPP).

Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng trọng điểm ngày 17/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn tới việc chậm tiến độ tại các dự án.

Thứ nhất là vấn đề vốn và nhà thầu thi công: Đặc điểm các dự án năng lượng là đều có quy mô lớn (như các dự án nhiệt điện hầu hết đều có tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD), thời gian thi công dài và phức tạp, do đó chủ đầu tư tìm nhà thầu có năng lực không dễ. Bên cạnh đó, việc bỏ cơ chế bảo lãnh Chính phủ với các dự án điện đã khiến các dự án này gặp khó trong huy động vốn. 

“Trước kia khi có bảo lãnh của Chính phủ chỉ một năm là thu xếp được vốn, giờ không có nữa thì chắc chắn sẽ lâu hơn”, ông Vượng chia sẻ.

Thứ hai, do các quy định pháp luật hiện hành còn chồng chéo, mâu thuẫn giữa nhiều điều khoản như: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công…

Thứ ba, đối với các dự án BOT, những dự án đang giao cho khối tư nhân làm thì phải đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp, nhưng để đàm phán giá điện với EVN mất thời gian rất lâu nên các dự án này cũng vì thế mà bị chậm tiến độ.

Ngoài ra, ông Vượng cũng chỉ ra một số nguyên nhân khách quan như thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài do địa phương không đôn đốc, giá điện không đảm bảo được việc thu hút đầu tư…

Cơn sốt điện mặt trời dẫn đến quá tải lưới điện

Trước thực trạng trên, ông Vượng cho rằng cần đẩy nhanh thực hiện dự án năng lượng tái tạo bởi thời gian thực hiện những dự án này nhanh hơn nhiệt điện.

Tuy nhiên, ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, tổng công suất điện mặt trời theo đề xuất của các nhà đầu tư đã lên đến khoảng 25.000 MW, các dự án điện gió với tổng công suất khoảng 16.500 MW.

Tính đến hết tháng 6, đã có tổng số 89 nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành với tổng công suất gần 4.500 MW.

Nguồn công suất tại chỗ của các dự án này tuy rất lớn nhưng với cơ sở hạ tầng hiện có, các đường dây điện đang xảy ra hiện tượng quá tải, ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định.

47 dự án năng lượng lớn chậm tiến độ, nguy cơ thiếu điện từ năm 2021
89 nhà máy điện mặt trời đã đưa vào vận hành.

Theo EVN, nếu chỉ mất 6 tháng để triển khai một dự án điện mặt trời, thì cần tới 3 - 5 năm để thực hiện một dự án lưới điện truyền tải 220 kV, 500 kV.

Trong khi đó, các dự án lưới điện nhằm giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời lại gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và thời gian cắt điện để thi công. 

Bên cạnh đó, công tác lựa chọn nhà thầu ở thời điểm này cũng là một thách thức của các dự án lưới điện, do hàng loạt dự án nguồn năng lượng tái tạo đang triển khai đã thu hút gần như toàn bộ nhân lực của các nhà thầu xây lắp.

Giải pháp cho tình trạng thiếu điện thời gian tới

Để giải quyết một phần tình trạng thiếu điện, Bộ Công Thương tính toán sẽ tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Vượng nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp ứng phó trước mắt, còn lâu dài cần đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng lớn trong nước.

Ngoài ra, hiện các doanh nghiệp trọng điểm chiếm 40% mức tiêu hao năng lượng của cả nước. Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, ông Trịnh Quốc Vũ cho rằng, nếu tập trung tuyên truyền và các doanh nghiệp này sử dụng năng lượng hiệu quả thì sẽ tiết kiệm được lượng điện năng đáng kể.

Ông Vũ cho biết thêm, năm 2019, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững sẽ phối hợp với EVN tổ chức cho một số doanh nghiệp ký cam kết tiết kiệm 10% tiêu thụ điện trong năm 2019.

Đồng thời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu, Tổng sơ đồ điện VIII (Quy hoạch điện VIII) phải được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, trong đó đảm bảo và cập nhật kịp thời diễn biến phát triển, quy định pháp lý về hoạt động thu hút đầu tư và phát triển ngành điện trong thời gian tới.