Nhà đầu tư rót thêm gần 3.000 tỷ vào Bamboo Airways

Trần Anh - 16:25, 05/05/2020

TheLEADERTrước khi cổ đông rót thêm vốn, Bamboo Airways có vốn điều lệ 4.050 tỷ đồng do Tập đoàn FLC sở hữu 51%.

Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) mới đây đã tăng vốn điều lệ từ 4.050 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng. Đợt tăng vốn hoàn tất vào ngày 17/4 vừa qua, giữa thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng.

Trước đợt tăng vốn này, Tập đoàn mẹ FLC nắm giữ 51% cổ phần của Bamboo Airways, phần lớn số cổ phần còn lại thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Được thành lập từ năm 2017 với số vốn 300 tỷ đồng do FLC sở hữu 100%, trong 3 năm qua Bamboo Airways đã tăng vốn nhiều lần với việc góp thêm vốn của ông Quyết, dẫn đến tỷ lệ sở hữu của FLC giảm xuống 51%.

Với số vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng, Bamboo Airways vượt qua mức vốn điều lệ của Vietjet Air là hơn 5.400 tỷ đồng cuối năm 2019. Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines hiện có quy mô vốn hơn 14.000 tỷ đồng.

Bamboo Airways tăng vốn trong bối cảnh các hãng hàng không trong nước chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19. Do các yêu cầu hạn chế bay, phần lớn tàu bay của các hãng phải ngừng hoạt động trong nửa đầu tháng 4. Các đường bay chỉ được mở lại có kiểm soát trong thời gian gần đây nhằm kiểm soát dịch.

Báo cáo tài chính của Vietnam Airlines cho biết, hãng này ghi nhận lỗ gần 2.600 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. Tương tự Vietjet Air báo lỗ gần 1.000 tỷ đồng. Trong khi tập đoàn mẹ của Bamboo Airways báo lỗ kỷ lục gần 1.900 tỷ đồng.

Trước tình hình tài chính khó khăn, các hãng hàng không tìm mọi cách để đáp ứng thanh khoản. Vietnam Airlines đã vay ngắn hạn thêm hơn 4.000 tỷ đồng để duy trì hoạt động trong quý I. Đồng thời, thông qua đơn vị chủ quản là CMSC, Vietnam Airlines đã đề nghị ngân sách hỗ trợ 12.000 tỷ đồng để vượt qua đại dịch.

Trong khi đó, Vietjet Air công bố đạt được đàm phán thành công với các đối tác cho vay về việc giãn các khoản phải trả từ 3-12 tháng. Đến cuối năm 2019, quy mô nợ của Vietjet Air là hơn 11.000 tỷ đồng và hãng phải trả lãi hơn 350 tỷ đồng trong năm ngoái.

Để gỡ khó cho các hãng hàng không, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có kiến nghị một số phương án hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp hàng không.

Cụ thể, Bộ Giao thông kiến nghị miễn giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách (thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không) cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/1 đến ngày 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.

Đặc biệt là kiến nghị miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn, có thể giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Mặt khác, để các hãng hàng không có dòng tiền để duy trì hoạt động kinh doanh, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Chính phủ các bộ ngành khác xem xét kiến nghị của các hãng hàng không về việc hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán.

Các hãng hàng không trong nước cũng cần hỗ trợ giảm giá các loại chi phí dịch vụ mặt đất như chi phí cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa, chi phí đậu, đỗ máy bay...