Nhà thầu xây dựng nhức nhối vì nợ đọng dai dẳng

An Chi - 13:57, 07/09/2022

TheLEADERÔng Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, cần luật hoá trách nghiệm pháp lý của các chủ đầu tư cả các chủ đầu tư trong ngân sách và ngoài ngân sách về trách nhiệm thanh toán cho nhà thầu.

"Thế yếu" của các nhà thầu xây dựng

Các quy định về thanh quyết toán hợp đồng xây dựng đã có từ lâu, vậy tại sao đến thời điểm hiện tại, vấn đề về nợ đọng mới được các nhà thầu nêu lên một cách đầy nhức nhối như vậy, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Vấn đề nợ đọng xây dựng vốn đã tồn tại từ lâu. Theo thời gian, nó ngày một nghiêm trọng và đến thời điểm hiện tại giống như "giọt nước tràn ly". Các doanh nghiệp nhà thầu buộc phải "kêu cứu" đến Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước để sớm có giải pháp tháo gỡ kịp thời trước khi quá muộn.

Hiện tình trạng nợ đọng xây dựng là rất lớn. Kết quả khảo sát khoảng 2.000 nhà thầu xây dựng trên cả nước do Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) thực hiện thời gian qua cho thấy, 100% nhà thầu có nợ đọng xây dựng.

Khi thực hiện các hợp đồng xây dựng, phần lớn nhà thầu chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị hợp đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện, các nhà thầu phải sử dụng vốn vay ngân hàng để mua vật tư, huy động xe máy, nhân công… Chính vì vậy, khi các chủ đầu tư chậm thanh toán, doanh nghiệp nhà thầu không chỉ không có nguồn tiền về, chậm thanh toán trả nợ cho ngân hàng mà còn chịu lãi suất đè nặng.

Hầu hết các doanh nghiệp, các tổng công ty, tập đoàn xây dựng hiện nay đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ. Với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm, nhiều doanh nghiệp trong một quý có thể đạt doanh thu đến 3.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thực chỉ xấp xỉ 10 tỷ đồng do bị nợ đọng và phải trả lãi ngân hàng.

Có thể nói các doanh nghiệp nhà thầu hiện đang gặp khó khăn rất lớn và nan giải, vấn đề này sẽ không thể giải quyết dứt điểm nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước.

Hiện sức khoẻ của các doanh nghiệp nhà thầu đang rất yếu. Nếu tình trạng này không được giải quyết thì 5-7 năm nữa, Việt Nam sẽ không còn nhà thầu xây dựng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không còn tồn tại.

Trong khi đó, quy mô của hầu hết các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đều rất nhỏ. Có đến khoảng 90% doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ phổ biến từ 500-1.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Như ông có nhắc đến sự nan giải của vấn đề nợ đọng, nhiều nợ đọng kéo dài đến cả chục năm chưa được giải quyết, vậy theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Nợ đọng xây dựng diễn ra ở cả các công trình vốn đầu tư công và công trình có vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Với nợ đọng tại các công trình có vốn ngoài ngân sách, nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư năng lực kém, không có đủ tài chính để triển khai dự án. Cộng với thời gian gần đây, nguồn vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt, thị trường chậm thanh khoản, các chủ đầu tư không bán được hàng, không có nguồn tiền trả cho các nhà thầu.

Thứ hai là do các chủ đầu tư có nguồn tiền nhưng cố tình chây ỳ, không thanh quyết toán cho các nhà thầu. Đặc biệt ở 25% trong tổng số vốn cần thanh toán cuối cùng của dự án. Điều này xảy ra do thiếu các điều kiện ràng buộc thanh toán giữa nhà thầu, chủ đầu tư và thiếu các quy định của cơ quan quản lý về việc phạt vi phạm đối với chủ đầu tư chậm thanh toán.

Thứ ba, nhìn dưới góc độ khách quan, tình trạng nợ đọng xây dựng một phần xuất phát từ thủ tục, điều kiện thanh quyết toán trong hợp đồng xây dựng. Thủ tục thanh quyết toán các công trình xây dựng hiện nay rất rườm rà, phiền phức, nhiều kẽ hở gây kéo dài thời gian thực hiện.

Còn với các công trình có vốn đầu tư công, các khoản nợ chủ yếu từ các công trình đã kết thúc 2-3 năm trước nhưng chưa quyết toán và thanh toán được do có phát sinh hoặc do hồ sơ thanh toán chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên vẫn còn tồn đọng.

Khi khối lượng phát sinh vượt quá giá trị dự toán gói thầu ban đầu (dù không phải lỗi do nhà thầu) thì vấn đề điều chỉnh dự toán của gói thầu phải là cấp có thẩm quyền phê duyệt chứ chủ đầu tư không giải quyết được nên dẫn đến nợ đọng.

Trong khi đó, để chờ giải quyết được thì rất lâu. Vì năm nay vốn đầu tư công chỉ được bố trí như vậy, phải đợi sang năm, năm nữa, năm sau nếu nguồn vốn bố trí không đủ thì cũng không thể thanh toán nợ. Điều này dẫn đến nhiều công trình nợ tới hàng chục năm.

Chưa kể, từ khi có Luật Đầu tư công, các địa phương, đơn vị Nhà nước phải xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn thay vì hàng năm như trước. Theo nguyên tắc, dự án không thể lấy vốn trung hạn để bố trí trả các khoản nợ trước đây. Nếu muốn hồi tố, doanh nghiệp phải chờ đợi thủ tục rất lâu và phức tạp.

Cơ chế thanh toán không rõ ràng, thủ tục rườm rà, nhiều kẽ hở, tuy nhiên thực tế cho thấy, các công trình nhà thầu xây dựng Việt Nam làm với các doanh nghiệp nước ngoài đều thanh toán rất nhanh gọn, vậy bản chất sự khác biệt ở đây là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Đối với các công ty FDI vào Việt Nam, tất cả các doanh nghiệp nhà thầu trong nước hiện nay đều muốn làm với họ.

Các doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu các doanh nghiệp nhà thầu phải đáp ứng tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, tiến độ nhưng đổi lại, trách nghiệm của họ khi thanh toán rất sằng phẳng, nghiêm chỉnh.

Hơn nữa, khi làm dự án với doanh nghiệp nước ngoài, nhà thầu được tính đơn giá theo thực tế thị trường. Họ đánh giá được chất lượng, sức lao động của nhà thầu và trả đồng lương đúng mức.

Trái lại, với các chủ đầu tư trong nước, vừa chậm thanh toán, không minh bạch, rõ ràng, nhiều lúc đơn giá lại không đúng với thực tế thị trường, thấp hơn 15 - 20%. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nhà thầu hiện này đều muốn làm với vông ty nước ngoài.

Tuy nhiên, không phải doanh nào cũng làm được với chủ đầu tư nước ngoài bởi họ chọn nhà thầu với tiêu chí rất cao. Các nhà thầu phải đủ năng lực tài chính, khả năng, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của họ. Đây cũng là quá trình để các nhà thầu Việt Nam tự đổi mới mình, vươn lên để cạnh tranh và phát triển.

Cần chuẩn hoá chủ đầu tư

Để khắc phục tình trạng nợ đọng, tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu xây dựng, ông có kiến nghị gì đến các cơ quan quản lý nhà nước?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Thứ nhất, tôi cho rằng cần luật hoá trách nghiệm pháp lý của các chủ đầu tư cả các chủ đầu tư trong ngân sách và ngoài ngân sách về trách nhiệm thanh toán cho nhà thầu. 

Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Xây dựng cần nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà thầu với chủ đầu tư. 

Về cơ chế thanh quyết toán, cần có chế tài bình đẳng giữa các chủ thể hợp đồng, đặc biệt cần quy định rõ cơ chế xử lý các khối lượng phát sinh trong hợp đồng (nhất là với đầu tư công về quyền hạn phê duyệt của chủ đầu tư để được thanh toán); đối với các khoản chậm trả do lỗi của chủ đầu tư cần có chế tài phạt theo lãi suất ngân hàng thương mại áp dụng.

Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế để đánh giá, xếp hạng các chủ đầu tư để cộng đồng các doanh nghiệp nói chung và nhà thầu xây dựng nói riêng được biết và tránh lựa chọn các chủ đầu tư yếu kém về năng lực. Các chủ đầu tư chây ỳ thanh toán nợ đọng cần được công bố công khai và có biện pháp xử phạt phù hợp. 

Trước mắt, Thủ tướng cần giao Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết các nợ dồn để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.

Trước đây, chúng ta mới chỉ biết đến việc chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, nhưng hiện nay nhà thầu lại đặt ngược lại yêu cầu chuẩn hoá chủ đầu tư, điều này có hợp lý không, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Tôi cho rằng đây là công bằng xã hội. Toàn xã hội hiện nay đã có xếp hạng năng lực nhà thầu. Nhà thầu hạng 1 mới được thi công công trình cấp 1, nhà thầu hạng 2 chỉ được thi công công trình hạng 2. Đó là sự quản lý nhà nước bằng hệ thống cấp phép, năng lực hành nghề.

Từ trước đến nay, tư tưởng cho rằng đã là chủ đầu tư là giàu có, là đại gia, nhiều tiền nên có quyền lựa chọn nhà thầu đã ăn sâu vào suy nghĩ của cả xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho rằng, không ít chủ đầu tư yếu kém về năng lực, gây rủi ro và khó khăn rất lớn cho các nhà thầu. 

Chính vì vậy, xã hội cần đi đến sự công bằng, bình đẳng giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có bảng xếp hạng năng lực các chủ đầu tư về khả năng tài chính, uy tín, năng lực triển khai dự án. Đây chính là nền tảng cho các mối quan hệ bền vững, cùng phát triển giữa các doanh nghiệp. 

Xin cảm ơn ông!