Nhạc sĩ Nguyễn Đức Thịnh: Kinh doanh với ước mơ bay bổng

Hoàng Lan - 10:05, 23/08/2017

TheLEADERMang tâm tư của một người yêu âm nhạc nói riêng, văn hóa nói chung, Nguyễn Đức Thịnh khởi lập và điều hành Công ty Music One & Opera House bằng cách sẻ chia, kêu gọi nguồn lực. Như cách Thịnh thường giễu chính bản thân: kẻ đi “bán giấc mơ”.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Thịnh: Kinh doanh với ước mơ bay bổng
Nhạc sỹ Nguyễn Đức Thịnh, người lập ra nhà hát tư nhân đầu tiên ở Viêt Nam.

Giữa lúc các hoạt động âm nhạc gần như lừng chừng (ngoại trừ dòng nhạc phổ thông, đại chúng và các show truyền hình), trông chờ vào các quỹ đầu tư từ các “đại gia” thương hiệu, các quỹ phi Chính phủ hoặc Nhà nước thì tháng 7/2017, VOH Music One Opera House - một địa điểm mới chính thức trình làng trong khuôn viên Đài tiếng nói Nhân dân TP. HCM, với 350 ghế cùng hệ thống âm thanh, áng sáng hoàn thiện chỉn chu. 

Không những thế, không gian phía trước nhà hát còn được biến thành nơi trưng bày nhiều nhạc cụ dân tộc độc đáo được sưu tầm từ các quốc gia khác nhau. Người “cầm trịch” cho sân chơi này là nhạc sĩ Nguyễn Đức Thịnh – ông chủ của Công ty Sách nói Vườn Xanh.

Tốt nghiệp chuyên ngành lý-sáng-chỉ (lý luận, sáng tác và chỉ huy biểu diễn) Nhạc viện TP. HCM, làm kinh doanh, làm quảng cáo nhưng giấc mơ âm nhạc chưa bao giờ nguôi ngoai trong Đức Thịnh. Anh không giấu tham vọng biến Opera House thành một điểm đến sôi động, chuyên nghiệp cho người yêu nhạc và là một bảo tàng cho những ai yêu thích, muốn tìm hiểu về nhạc cụ, âm nhạc dân tộc. Điều đáng chú ý là cách thực hiện và điều hành của Thịnh khá mới.

“Dường như bây giờ, đa số người ta chỉ dừng lại ở âm nhạc của Đàm Vĩnh Hưng và Sơn Tùng M-TP - một hình tượng tiêu biểu của giới trẻ. Họ không dở nhưng chỉ đến chừng ấy thôi, không hơn được nữa. Tôi luôn khao khát chúng ta có những David Foster, Josh Groban,… có thêm những nghệ sĩ chuyên biệt và đa dạng hơn về Jazz, nhạc cổ điển… 

Tôi đã được xem rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam trong các dàn nhạc. Họ cực kỳ xuất sắc, chẳng kém gì nghệ sĩ quốc tế nhưng ít ai biết đến họ, truyền thông không quan tâm đến họ. Tôi cũng gặp lại những người thầy, những thần tượng một thời của mình mà tôi biết mình sẽ còn xa lắm mới với được đến tài năng của họ, vậy mà bây giờ, họ đi đàn show đám cưới, show hát với nhau. Những người đàn chuyên nghiệp nhất đi đệm cho người không chuyên còn ca sĩ chuyên thì hát với đĩa thu sẵn. 

Truyền thông thay vì hướng đến sự đa dạng lại chọn cách dễ dàng hơn là chuộng theo thị phần đám đông và bình dân. Vậy thiểu số còn lại, họ đọc gì, nghe gì, xem gì? Có kênh nào dành cho họ? Sân chơi nào dành cho họ?” – Đức Thịnh chia sẻ động lực khiến anh thành lập Music One & Opera House.

Nếu cần tiền đã không mở nhà hát

Để điều hành một doanh nghiệp, đâu chỉ cần một tâm tư…?

Nhạc sỹ Đức Thịnh: Công bằng mà nói, trong câu chuyện này hãy coi âm nhạc như một doanh nghiệp. Nghĩa là nó cần ba yếu tố như bất kỳ doanh nghiệp nào khác để phát triển: quỹ đầu tư để giữ được người tài và nuôi quân, Nhà nước tạo điều kiện và sự hợp lực của các doanh nghiệp. Nhờ sự hỗ trợ hết của Ban lãnh đạo Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố, tôi làm được hai việc đầu tiên. Phần thứ ba, chính là các nghệ sĩ và những tài năng âm nhạc.

Bạn thấy đó, bất cứ ai đi du lịch quan tâm đến văn hóa đều sẽ tìm đường đến bảo tàng và các nhà hát. Nhìn TP. HCM mà xem, chúng ta có được bao nhiêu bảo tàng, bao nhiêu nhà hát và bao nhiêu show ở đó? Ai cũng muốn giàu nhanh, cũng muốn đi tắt đón đầu mà quên mất một điều cực kỳ quan trọng rằng, công nghệ mới đi kèm với con người chất lượng để sử dụng công nghệ đó, rồi cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được nhu cầu phát triển. 

Người ta dày xéo thị trường này để kiếm tiền, để chia nhau một miếng bánh mà quên mất ý nghĩa của kinh doanh là phục vụ và xây dựng. Khi bạn hưởng lợi từ công việc kinh doanh, hãy học cách tôn trọng khách hàng; hưởng lợi từ môi trường thì phải biết chia sẻ nó. Có như vậy mới phát triển bền vững được.

Như anh chia sẻ thì anh chọn việc dẫn dắt người dùng hơn là đáp ứng khán giả?

Nhạc sỹ Đức Thịnh: Đấy là một cái bẫy mà nếu sập tôi đã sa lâu rồi vì tôi làm trong lĩnh vực quảng cáo hơn mười mấy năm. Có nhiều người mơ giống tôi nhưng họ hoặc rơi bẫy hoặc tình yêu không đủ lớn nên bỏ cuộc. Tôi vẫn thường chia sẻ với các bạn trẻ, nếu làm việc vì tiền thì dễ bị kéo đi lắm. Sự lôi kéo và áp lực của xã hội lớn lắm. Còn dám dẫn đầu thì nó khiến mình lẻ loi, thậm chí bị tẩy chay, kiểu: “Đó, nói hay lắm, có ngon thì làm đi, coi được không!” Nhưng, cứ làm đi, rồi thất bại còn hơn không làm gì.

Thật ra, với tôi đó không là thất bại mà là thử thách bởi tôi luôn tin, thế hệ của tôi có thể không thành công nhưng sẽ trở thành bàn đạp cho thế hệ kế tiếp. Ngay lúc khai trương, tôi có chia sẻ nhà hát này nên là của cộng đồng, tôi chỉ điều hành thôi. Nó đáp ứng đầy đủ về mặt kỹ thuật để cho thuê biểu diễn, giao lưu văn hóa, đại hội cổ đông,… để có thu nhập ra vô nhằm duy trì và nuôi quân. 

Nuôi quân ở đây là thành lập một đoàn ca nhạc. Nhà hát là của họ chứ họ không phải của nhà hát, điều này đồng nghĩa, họ có thể đi diễn ở những nơi khác nhưng Nhà hát VOH – Music One chính là cái nôi. Bản thân người làm nghệ thuật phải có tâm, có tài và có tầm thì mới dẫn dắt khán giả được. Nếu không, sẽ lại quay về cái vòng lẫn quẫn, theo đuôi thì lấy tiền nhanh còn dẫn đầu thì bị cô đơn.

Tính khả thi của việc thu hồi vốn và lợi nhuận như thế nào? Hay cuối cùng anh chỉ là kẻ đi “bán giấc mơ”?

Nhạc sỹ Đức Thịnh: Bạn bè trong nghề tôi vẫn hay đùa rằng, ghét đứa nào hãy rủ đứa đó mở phòng trà. Không biết có thay phòng trà bằng nhà hát không nhưng rõ ràng nó là phạm trù gắt hơn nhiều. Tôi biết mình thật sự quá liều nhưng tôi tin bạn bè sẽ không bỏ rơi mình. Tôi không độc quyền mà để mở, để những ai có khả năng tài chính hoặc đầu tư chất xám đều có thể tham gia. 

Tôi xây một mô hình xã hội hóa, ai có bản lĩnh, có giấc mơ thì đến với mình. Nước nổi lo chi bèo không nổi. Đó không chỉ là giấc mơ của người kinh doanh mà còn của từng nhân viên nhà hát. Giữa một người ném cho tôi vài tỷ nhưng điều kiện, đòi hỏi này kia và một người bắt từng con ốc treo từng cây đàn, tôi sẽ chọn người xắn tay áo đồng hành cùng mình. Tôi nghĩ, tiền thì luôn kiếm được nhưng con người thì khó.

Tôi sống sót đến giờ phút này, công ty chỉ còn lại một mình mình. Nếu nó chết, đã chết từ lâu lắm rồi và nếu từ bỏ giấc mơ của mình, tôi đã bỏ từ lâu. Đôi lúc, tôi vẫn bị cảm giác lẻ loi và cô độc. Dường như, những người điều hành doanh nghiệp đều có sự cô đơn nhất định bởi họ hình dung, mường tượng bức tranh mà người khác không nhìn thấy được. 

“Gặp khó khăn đừng quay đầu. Chỉ cần quay 3 lần, bạn đã trở về vạch xuất phát”

Nhạc sỹ Nguyễn Đức Thịnh

Nhân viên làm một thời gian mới thấy sếp mình ‘ngầu’ quá. Thế nhưng có mấy nhân viên trụ lại được để chứng kiến điều đó? Mình thắng thì sẽ có những cái quàng tay, tung hô “Biết nó mà, ở xóm mình, ngày xưa nghèo khổ lắm!”. Dự án chết, thất thoát sẽ có kiểu “Thấy chưa! Nói rồi không nghe”. 

Không chỉ bạn bè mà người thân thậm chí cũng có thể quay lưng với bạn. Cho nên, với người làm kinh doanh, thành công không quá mừng mà thất bại cũng không nản chí. Nó đòi hỏi cả quá trình luyện tập và khát vọng có dám dẫn đầu hay không. Những doanh nhân đều xứng đáng được tôn vinh bởi cái giá họ trả là quá đắt. Người ta chỉ thấy họ mặc áo vest, đi xe sang, còn những giọt nước mắt trong bóng tối, những đêm trằn trọc không ngủ, nợ nần thúc ép, lời ra tiếng vào, có ai thấy được?

Điều gì đã giúp anh vượt qua và giữ niềm tin cho bản thân?

Nhạc sỹ Đức Thịnh: Đơn giản là tôi không còn đường nào để đi. Thứ hai là tôi uổng những gì mình đã tích góp suốt một thời gian dài. Hai mươi mấy năm trong nghề, tiền bạc có thể không có nhiều nhưng kiến thức, mối quan hệ xã hội, chuyên môn ở đó, không lý do gì để mình đi làm nghề khác. Tôi luôn tâm niệm, mỗi lần khó khăn, đừng quay đầu. Chỉ cần quay 3 lần là mình trở về điểm xuất phát.

Chọn cách chia sẻ và trải nghiệm 

Trong thông tin gởi đến truyền thông tại thời điểm Music One & Opera House ra mắt, anh có đề cập đến tiêu chí khác biệt và độc đáo. Cụ thể, ở đây là gì?

Nhạc sỹ Đức Thịnh: Tôi không dám nói nhạc của mình làm là hay nhất vì thẩm mỹ phụ thuộc vào thời gian, xu thế, trình độ thưởng thức cái đẹp. Tuy nhiên, tôi cam đoan những gì mình làm là tôn trọng khán giả. 

Thứ nhất chúng tôi chơi live hoàn toàn, có tập dợt đàn hoàng. Một mình tôi không làm được mà cần đến sự giúp đỡ của nhiều chỉ huy, nhạc sĩ giỏi. Họ có tài, dĩ nhiên, họ đi diễn khắp nơi, bạn bè là một chuyện, câu chuyện còn lại là mình có gì để thu hút họ. Tôi tin vào việc quản trị nhà hát như một doanh nghiệp. Mình mời họ về, có chiến lược, có điều phối, marketing, dự trù về tài chính, ban bệ để lo cho các anh em, liên hệ các show biểu diễn nước ngoài,… Tất cả những điều đó không phải một sớm một chiều. Trước mắt, chúng tôi làm từng chương trình một.

Thứ hai, chúng tôi có dàn hợp xướng, lối hòa âm không quá cổ điển nhưng cũng không chiều theo nhạc nhẹ. Không ít người than rằng, dân mình không có trình độ nghe thính phòng, nhưng, cũng cần đặt câu hỏi ngược lại, mình làm chương trình đủ máu chưa hay là mình coi thường thính giả, chỉ quan tâm đến học thuật và quan điểm chủ quan của mình, còn cảm xúc của người nghe như thế nào, chương trình ra làm sao để mang nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng. Tôi tin vào sự làm việc nghiêm túc, khoa học phản biện và dám dẫn đầu. Phần thưởng sẽ đến chính là từ khán giả.

So với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch giao hưởng TP. HCM (HBSO) của Nhà nước, chương trình của Opera House có gì khác biệt về nội dung và cách thể hiện? Anh có gặp khó khăn trong việc tập hợp nghệ sĩ biểu diễn?

Nhạc sỹ Đức Thịnh: Tôi nghĩ càng có nhiều người như bên HBSO thì càng phong phú và tốt cho phục vụ cộng đồng cũng như xây dựng thị trường này. Chúng tôi tập trung vào làm nhạc nhẹ, ngoài dàn nhạc điện tử, chúng tôi có sự hỗ trợ của dàn nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc cụ dân tộc, hợp xướng… tất cả luôn được biểu diễn Live. 

Hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị cho đêm nhạc Nga mừng 100 năm Cách mạng tháng Mười với sự góp mặt của nhiều tên tuổi. Tôi tin vào khả năng tổ chức cũng như uy tín của mình nên không quá lo lắng việc huy động các nghệ sĩ. Quan trọng hơn, ngoài thù lao ở mức tương đối, nghệ sĩ có được sự tôn trọng và cháy hết mình với âm nhạc.

Hiện tại, VOH Music One Opera House đã tổ chức bao nhiêu show? Trừ chi phí đầu tư vật chất hình thành nhà hát, mỗi show diễn như vậy có đảm bảo lợi nhuận?

Nhạc sỹ Đức Thịnh: Chúng tôi đã tổ chức hơn 20 shows nghệ thuật, bên cạnh đó là các show đồng hành cùng doanh nghiệp, nhãn hàng vì chúng tôi đang trong giai đoạn quảng bá và kêu gọi các nguồn lực. Kinh phí dừng lại ở việc thu bù đủ chi.

Là khán giả, nếu tôi muốn xem show của Music One Opera House thì có thể tìm thông tin ở đâu? Giá vé trung bình là bao nhiêu?

Nhạc sỹ Đức Thịnh: Vì Opera House là nhà hát, bên cạnh một số chương trình biểu diễn của mình, chúng tôi còn phối hợp tổ chức với các đối tác khác nên giá vé của mỗi show tùy thuộc vào chương trình, đơn vị tổ chức. Trang web bán vé và quảng bá đang trong quá trình xây dựng và chạy thử nghiệm. Để hoàn thiện và đi vào hoạt động, có lẽ bắt đầu vào năm sau.

Muốn người khác biết đến mình thì cần truyền thông. Tuy nhiên tôi thấy khâu truyền thông của Music One hiện tại khá yếu…

Nhạc sỹ Đức Thịnh: Để một doanh nghiệp có thể phát triển, cần hai yếu tố cơ bản là tiền và quản trị. Tôi hiểu, game đã bày, có nhiều người muốn chơi, kế hoạch truyền thông cần phải có nhưng thời điểm hiện tại tôi chọn cách marketing trải nghiệm, chúng tôi cố gắng nâng niu từng show một để mỗi show là có được 350 khán giả trải nghiệm và cứ thế nhân lên. Khi họ hài lòng, mạng xã hội từ chính họ sẽ hiệu ứng sẽ nhân rộng nhanh hơn và mọi người sẽ tin hơn là chúng tôi nói về mình.

Trong 5 năm tới, Music One và Opera House sẽ trở thành…?

Chúng tôi không mời ngôi sao mà tạo ra ngôi sao. Từ nhà hát này sẽ xuất hiện một số chương trình và một số nhóm nhạc ngôi sao, thành lập đoàn ca nhạc có lương căn bản, có tiền show, không độc quyền, ưu tiên chương trình cho nhà hát. 

"Người ta thường thấy doanh nhân mặc áo vest, đi xe sang, còn những giọt nước mắt trong bóng tối, những đêm trằn trọc không ngủ, nợ nần thúc ép, lời ra tiếng vào, có ai thấy được?"

Nhạc sỹ Nguyễn Đức Thịnh

Điều ảnh hưởng nhất với tôi là Trung tâm Number One Hit, nơi đó toàn ‘xuất xưởng’ những ngôi sao nổi tiếng như Santana, Whitney Houseton, Kenny G, Weslife,… mà không người nào giống người nào, họ không chỉ hát cho nước Mỹ mà hát cho toàn thế giới. Tôi luôn tự hỏi làm sao để được như vậy? Câu trả lời là quá nhiều nhạc sĩ xuất sắc đến với họ, còn họ chỉ tạo ra môi trường. 

Tôi có thể không được chơi nhạc nữa nhưng chí ít tôi tạo ra môi trường để các bạn có tài năng, đam mê cùng làm. Với nhà hát, tôi tin vào khoa học của sự quản lý và các nguồn lực xã hội. Nguồn lực đó còn rất nhiều, chẳng qua bây giờ không ai trong ngành này làm dự án. 

Nhạc sĩ không hiểu về kinh tế, người làm kinh tế thì không hiểu hoặc không quan tâm về thị trường đặc trưng này dẫn đến các quỹ đầu tư trong danh sách không có. Nếu ai hỏi về hiệu suất kinh doanh, tôi đủ tự tin để trả lời liền, điểm hòa vốn rất nhanh, dòng tiền rất tốt nếu đầu tư nghiêm túc.

Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ với TheLEADER!