Phát triển bền vững
Nhìn nhận đúng vai trò của đồng nát, ve chai và làng nghề tái chế
Hoạt động thu gom, tái chế tự phát của khu vực phi chính thức còn tồn tại nhiều bất cập. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của khu vực này trong bức tranh quản lý chất thải rắn cũng như thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tiếng rao “đồng nát sắt vụn bán đi” từ lâu đã trở nên quen thuộc với cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là tại khu vực thành thị. Ngày ngày, các chị, các cô đồng nát, ve chai, với chiếc xe đạp cũ kỹ, vẫn rong ruổi khắp các con phố để thu mua phế liệu hoặc nhặt phế liệu từ các thùng rác, bãi rác dân sinh.
Nhờ sự xuất hiện chẳng biết từ bao giờ của những người đồng nát, ve chai mà nhiều người dân đã học được thói quen phân loại riêng rác thải có giá trị tái chế như lon nhôm, vỏ chai nhựa để dành đem bán. Hoạt động phân loại này tuy chưa triệt để nhưng đem lại hiệu quả tốt hơn so với nhiều chương trình thí điểm của Nhà nước, khi rác phân loại bị đổ chung hết lại với nhau lúc thu gom, sau đó được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp.
Đồng nát, ve chai và làng nghề tái chế là hình thức sơ khai của mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Phế liệu được thu gom bởi đồng nát, ve chai được chuyển đến đại lý thu gom, sau đó rửa sạch, ép khối, chuyển về các làng nghề tái chế. Làng nghề tái chế sử dụng phế liệu để tạo ra nhiều loại sản phẩm, phục vụ đời sống kinh tế, xã hội.
Cứ thế vận hành suốt hàng chục năm, những người làm đồng nát, ve chai, đại lý thu gom và làng nghề tái chế đã liên kết với nhau tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, được gọi với cái tên lực lượng thu gom, tái chế rác thải phi chính thức. Hệ sinh thái này được nhiều chuyên gia gọi là “hình thức sơ khai của mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.
Bất cập hay trọng trách?
Không khó để bắt gặp những thông tin do báo đài, truyền thông phản ánh về những bất cập xảy ra tại các làng nghề tái chế. Đó là hình ảnh về những dòng nước đen kịt chưa qua xử lý, thải trực tiếp xuống sông hồ, những cột khói đen xả thẳng lên bầu trời hay những số liệu thống kê về chất lượng không khí, nguồn nước, sức khỏe của người dân tại các làng nghề tái chế.
Bên cạnh đó, lao động trong hệ sinh thái này, với tính chất phi chính thức, là nhóm lao động rất dễ chịu tổn thương. Dù làm việc trực tiếp với rác thải, tức là công việc có thể xem như độc hại nhưng những người đồng nát, ve chai không được trang trị những công cụ bảo hộ lao động cần thiết, không được đóng bảo hiểm y tế.
Tính dễ bị tổn thương của nhóm lao động này càng được khắc họa rõ nét hơn qua đại dịch Covid-19. Công việc đình trệ, thu nhập bị giảm sút nhưng hầu như không nhận được hỗ trợ. Một nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Đà Nẵng cho biết, những người đồng nát, ve chai cảm thấy như “bị bỏ rơi” trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Những bất cập này, dù hiển hiện ngay trước mắt nhưng rất khó để giải quyết. Một phần vì sinh kế của nhiều người dân đã gắn chặt, không thể tách rời được hệ sinh thái phi chính thức. Phần vì phải nhìn nhận thực tế là khu vực phi chính thức đang có vai trò đặc biệt quan trọng trong bức tranh chung về quản lý chất thải rắn.
Theo báo cáo mới đây của Eunomia Research&Consulting, dù không có số liệu cụ thể nhưng có thể thấy phần lớn hoạt động tái chế tại Việt Nam được thực hiện bởi khu vực phi chính thức.
Tại một số thành phố lớn, khu vực phi chính thức cũng đóng vai trò thu gom phần lớn lượng rác thải rắn sinh hoạt. Không chỉ hoạt động riêng lẻ, những người đồng nát, ve chai còn hợp tác với cả lực lượng vệ sinh đô thị để thu gom rác thải. Trao đổi với TheLEADER, nhiều lao công tại nội thành Hà Nội cho biết phải nhờ có những người đồng nát, ve chai giúp đỡ, họ mới có thể hoàn thành lượng công việc “gấp 2, gấp 3 lần ngày xưa”, do rác thải phát sinh ngày càng nhiều, lực lượng vệ sinh môi trường lại ngày càng mỏng.
Nếu không có đồng nát, ve chai và làng nghề tái chế thì rác đã ngập đến cổ chứ chẳng phải đến chân như bây giờ
Ông Hoàng Đức Vượng
Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh
“Nếu không có họ thì rác đã ngập đến cổ chứ chẳng phải đến chân như bây giờ”, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Công ty VietCycle, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, nhận xét về khu vực phi chính thức tại nhiều hội thảo, tọa đàm về quản lý chất thải rắn và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Vượng, vai trò của khu vực phi chính thức thực ra rất dễ hiểu. Suốt hàng chục năm qua, lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều nhưng Việt Nam vẫn chưa thực hiện được chính sách phân loại rác thải tại nguồn, cũng không đưa ra được những chính sách mang tính hỗ trợ ngành tái chế.
Điều này dẫn đến việc những loại phế liệu có giá trị tái chế nhưng lại ở trong tình trạng rất khó có thể tái chế: bị lẫn rác thải thực phẩm, thành phần cấu tạo có nhiều loại vật liệu khó tách rời… Do đó, hoạt động tái chế chỉ hiệu quả ở quy mô nhỏ, khó mở rộng quy mô để hướng đến mô hình chuyên nghiệp. Cũng không có cơ chế khuyến khích tài chính để các đơn vị tái chế ứng dụng công nghệ hiện đại.
“Chúng tôi làm tái chế bao nhiêu năm nhưng chẳng thể mở rộng quy mô. Cứ mở rộng là thất bại”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc VietCycle nói với TheLEADER.
Chúng tôi làm tái chế bao nhiêu năm nhưng chẳng thể mở rộng quy mô. Cứ mở rộng là thất bại!
Ông Nguyễn Văn Tuấn
Giám đốc VietCycle
Không có đơn vị chính thức lớn để dẫn dắt thị trường, rõ ràng hoạt động tái chế sẽ chỉ có thể manh mún, tự phát và phi chính thức. Gánh trên vai trọng trách nặng nề xuất phát từ chính những bất cập trong chính sách, những người đồng nát, ve chai, đại lý phế liệu và làng nghề tái chế vẫn âm thầm góp sức giải quyết bài toán rác thải rắn. Những bất cập của khu vực này, ảnh hưởng trước tiên lên chính sức khỏe của họ, sau đó mới đến môi trường và xã hội.
Nhìn về tương lai
Những năm gần đây, mô hình kinh tế tuần hoàn ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, “hình thức sơ khai của kinh tế tuần hoàn” là những người đồng nát, ve chai, làng nghề tái chế bắt đầu nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía xã hội. Nhiều giải pháp hỗ trợ nhóm này đang được triển khai tích cực.
Giải pháp phổ biến là ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa hoạt động của người đồng nát, ve chai. Giải pháp này được một số startup như VECA; mGreen… triển khai thực hiện tại các thành phố lớn, dựa trên ý tưởng kết nối người mua và người bán phế liệu thông qua ứng dụng điện thoại thông minh, tương tự như các mô hình gọi xe, đặt đồ ăn trực tuyến.
Ông Bùi Thế Bảo, nhà đồng sáng lập VECA, cho biết, kỳ vọng của đội ngũ VECA là tạo ra được hệ sinh thái thu gom, phân loại rác hiệu quả, giúp cho hoạt động của người đồng nát, ve chai trở nên chuyên nghiệp hóa “giống như những gì xảy ra đối với người hành nghề xe ôm khi có sự xuất hiện của Uber, Grab”.
Một giải pháp khác là hỗ trợ trực tiếp cho người thu gom đồng nát, ve chai, có thể kể đến chương trình Hồi sinh rác thải nhựa do VietCycle, Unilever và Nhựa Duy Tân phối hợp thực hiện. Chương trình tổ chức tuyên truyền về an toàn lao động cho những người thu gom rác phi chính thức, hoặc tặng họ những món quà nhỏ như nước rửa tay, áo phản quang.
Chương trình nhận được phản hồi tích cực từ những người đồng nát, ve chai. Chỉ với những hành động nhỏ nhưng các chị, các cô quanh năm âm thầm “dọn rác cho đời” cảm thấy thật ấm lòng vì được quan tâm và nhìn nhận đúng với giá trị.
Đại diện chương trình, ông Vượng cho biết, nếu có thêm nguồn lực hỗ trợ, chương trình kỳ vọng sẽ làm được những điều lớn hơn cho lực lượng thu gom rác thải phi chính thức, có thể là đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho họ.
Nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cả chính quyền các địa phương cũng đang có nhiều giải pháp hướng tới khu vực phi chính thức. Tuy nhiên, những chương trình, giải pháp này chưa thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề, nằm ở chính sự phức tạp của rác thải và sự thiếu đồng bộ của hệ thống quản lý chất thải rắn.
Công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), một nội dung mới được đưa ra tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, kỳ vọng sẽ trở thành lời giải cần thiết.
EPR đặt ra yêu cầu các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu bắt buộc phải thực hiện thu gom, tái chế sản phẩm theo đúng quy cách và tỷ lệ được đưa ra từ trước, hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường.
Hàm ý chính sách của EPR là tạo ra động lực để doanh nghiệp thay đổi thiết kế bao bì theo hướng thuận tiện hơn cho thu gom, tái chế, đồng thời sử dụng cơ chế thị trường để hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế.
“EPR là “viên gạch đầu tiên xây dựng ngành công nghiệp tái chế hiện đại và đạt chuẩn”, ông Vượng nói với TheLEADER.
Hoạt động hiện tại của khu vực phi chính thức, thực chất đang đi ngược với mong muốn của công cụ chính sách EPR là đảm bảo hoạt động tái chế đạt chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa khu vực phi chính thức và EPR hoàn toàn có thể được giải quyết một cách hài hòa lợi ích.
Theo đó, hệ sinh thái phi chính thức, bao gồm cả những làng nghề tái chế, sẽ được định hướng để chỉ tham gia vào mắt xích thu gom phế liệu, cũng là thế mạnh của khu vực này. Phế liệu, dưới tác động của công cụ chính sách EPR, sẽ có chất lượng cao và được bán với giá cao hơn so với hiện tại, do đó đảm bảo được sinh kế và thu nhập cho người dân trong hệ sinh thái.
Đối với những đơn vị tái chế tự phát có mong muốn tiếp tục hoạt động tái chế, bắt buộc phải ứng dụng công nghệ, nâng cao quy trình theo hướng hiện đại hơn để đạt được tiêu chuẩn. Khi đó, họ cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ Quỹ Bảo vệ môi trường theo cơ chế của EPR.
Hiện tại, công cụ EPR đã được quy định chi tiết tại Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường 2020. Thông tư hướng dẫn việc sử dụng tiền thu được từ công cụ EPR cũng đang được Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường xây dựng để trình Bộ trưởng phê duyệt.
Nghề đồng nát sẽ ra sao khi có công cụ thu gom, tái chế bắt buộc?
Bộ quy tắc đạo đức mới quyết định tương lai môi giới bất động sản
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản vừa được công bố đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng ngành môi giới chuyên nghiệp, bền vững.
Nhiều đổi mới ở Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII
Giải thưởng Sách Quốc gia, sự kiện văn hóa thường niên khởi xướng từ năm 2017, đã lan tỏa tri thức và giá trị văn hóa đến với độc giả.
Điểm mới của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.
Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.
Sandoz khởi động chương trình cộng đồng phòng, chống đề kháng kháng sinh
Sáng ngày 22/11/2024, công ty Sandoz đã chính thức phát động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam.
Chúng ta đã đi bao xa trên con đường phát triển bền vững
Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn về triển vọng và thực tiễn của sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Giải mã sức hút của shophouse Nghi Sơn Central Park
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.