Những xu hướng marketing – sale nổi bật trong năm 2019

09:13, 19/12/2018

TheLEADERĐể có thể bán hàng tốt trong năm 2019, ngoài phát huy những phương cách marketing – sale cũ như “đu trend,” xây dựng nội dung hữu dụng thì các doanh nghiệp cần biết áp dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, thanh toán bằng quét mã vào hoạt động kinh doanh...

Các chuyên gia trong lĩnh vực marketing - sale dự báo, năm 2019 xu hướng nổi bật nhất của ngành này vẫn là các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới để có thể tiếp cận nhanh – gọn – chính xác hơn với khách hàng mục tiêu cũng như thỏa mãn nhu cầu "cần là có" của một xã hội Việt Nam ngày càng bận rộn.

Theo ông Đoàn Duy Khoa – Giám đốc Bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng của Nielsen Việt Nam, năm 2019, sẽ có 4 sự thay đổi lớn ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi và thái độ tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam.

Thứ nhất, quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh, theo dự đoán, vào năm 2025, sẽ có 60 triệu người Việt Nam sống ở các thành phố lớn – vừa hoặc thành phố vệ tinh. Khu vực nông thôn đang dần đến gần thành thị hơn, thu nhập bình quân đầu người đang tăng từ 40USD đến 80USD từ năm 2011 đến 2016 và sẽ tăng lên 140USD trong năm 2020, truyền thông sẽ đóng vai trò chìa khóa mở cửa cho khu vực nông thôn.

Thứ hai, tình trạng giao thông ngày càng đông đúc, theo một đợt khảo sát từ Nielsen, 56% người dân ở thành thị cho rằng: kẹt xe là vấn đề chính của họ trong tuần. 

Thứ ba, việc sử dụng internet và điện thoại di động – đặc biệt là điện thoại thông minh đang tiếp tục tăng. Trong năm 2018, trung bình 100 người Việt ở thành thị sử dụng 132 diện thoại di động, trong đó 84% dùng smartphone.

Thứ tư là tình trạng quá tải thông tin, khi có tới 52% người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy mệt mỏi với việc phải tiếp nhận rất nhiều thông tin qua các thiết bị công nghệ như smartphone, laptop, tablet… trong 1 ngày. 

Thứ năm, mua hàng trực tuyến sẽ trở thành thói quen của người người, hiện người tiêu dùng Việt mua hàng trực tuyến 1 tháng/lần, 37% trong đó sử dụng smartphone để đặt và mua hàng.

Nhu cầu mới của người tiêu dùng cộng với những công nghệ mới sẽ làm 2 dịch vụ - ngành nghề sau bùng nổ trong năm 2019: dịch vụ giao đồ ăn – giao hàng tận nhà, hiện có 46% người Việt đang dùng dịch vụ giao hàng tận nhà và đang có thêm 31% cân nhắc sẽ sử dụng; nâng cao trải nghiệm mua sắm với công nghệ bằng cách sử dụng công nghệ trong các cửa hàng nhằm thúc đẩy nhanh quá trình bán – thanh toán hàng hoá, sẽ có nhiều hơn các dịch vụ tự phục vụ và thanh toán.

Tất nhiên, khi xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng thay đổi các doanh nghiệp không thể dùng các cách cũ để marketing hay sale sản phẩm của mình trên online.

Thế nên, theo bà Vũ Kim Oanh – Nhà sáng lập và CEO của Omega Media Worldwide JSC, có 8 xu hướng sẽ thống trị mảng digital marketing trong năm 2018.

Các doanh nghiệp sẽ phải dùng trí tuệ nhân tạo (Al) để phân tích dữ liệu lớn (big data) mà mình có, nhằm rút ra những kết luận mà mình có thể sử dụng để makerting – sale sản phẩm vừa tiết kiệm vừa hiệu quả. Còn marketing tập trung vào các thiết bị di động bằng cách sáng tạo ra những format quảng cáo mới sáng tạo hơn, chuyên biệt cho từng địa phương, đầu tư cho app và phải sử dụng trên 30% ngân sách marketing.

Bên cạnh đó, nếu marketing bằng nội dung thì nội dung đó phải được tùy chỉnh theo thời gian thực, nhất là trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram hay Zalo. Nội dung marketing phải phong phú về ngữ nghĩa cũng như hình thức thể hiện, kênh phân phối.

Tiếp theo, doanh nghiệp cần phải lắng nghe những phản hồi trên mạng xã hội theo thời gian thực: vấn đề đó là gì, ai nói, nói ở đâu, nói bằng hình thức nào và tại sao người ta lại làm vậy? Thương mại điện tử, mua sắm qua mạng xã hội sẽ tiếp tục phát triển mạnh, người tiêu dùng thường tìm kiếm sản phẩm qua các công cụ tìm kiếm cũng như mạng xã hội.

Makerting thông qua ‘nền tảng’ KOLs vẫn tiếp tục được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Cuối cùng là các nền tảng để marketing ngày càng đa dạng và phong phú, xu hướng sử dụng chatbot để makerting tự động ngày càng tăng.

Những xu hướng marketing – sale nổi bật trong năm 2019
Ông Nguyễn Mạnh Tấn – Trưởng phòng marketing của Haravan

Cụ thể, theo ông Nguyễn Mạnh Tấn – Trưởng phòng marketing của Haravan, hiện có 16 cách triển khai cụ thể những xu hướng marketing - sale trên trên nền tảng online.

Đầu tiên là miễn phí, bất cứ người tiêu dùng nào cũng thích dùng đồ miễn phí, có thể là miễn phí có giới hạn, miễn phí mãi mãi và miễn phí thử nghiệm, ví dụ như chơi game miễn phí vài màn đầu tiên. Thứ hai, những nội dung trên blog phải tạo ra giá trị thiết thực cho khách hàng mục tiêu, có thể là về mặt thông tin, giải trí, giáo dục…

Thứ ba, sử dụng chatbot của Facebook - Zalo để bán hàng cho khách hàng cũ, không phải tốn thêm tiền quảng cáo. Thứ tư, thông qua bình luận trên Facebook để “kêu gọi” các hành động đơn giản, ví dụ: ‘chấm’ nhận ngày link album sale hoặc chọn 1 trong 2 hộp may mắn nhận quà. Thứ năm, lập các hộp thông tin – checkbox, phần thưởng khuyến khích sẽ là tặng quà, tài liệu hoặc mã khuyến mãi.

Thứ sáu, kêu gọi khách hàng quét mã để thu data, có thể là mã QR Code hoặc Messenger Code, ngay cả Kềm Nghĩa đã sử dụng phương thức quét mã này tại các cửa hàng làm móng của họ, thu data khách hàng, sau đó không qua Facebook/Zalo nhắc nhở họ đến cửa hàng làm móng vào lần tiếp theo. 

Thứ bảy, chương trình khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới, ví Momo là một trong những nhãn hàng dùng thủ thuật này thành công nhất, khi cứ một khách hàng cũ giới thiệu một khách hàng mới, ngay lập tức sẽ được Momo tặng 100.000 đồng.

Thứ tám, email makerting bây giờ có thể không còn là công cụ quảng bá và bán hàng tốt như lúc xưa, nhưng nó vẫn là một công cụ cần thiết để nuôi dưỡng và duy trì mối quan hệ cá nhân hóa với khách hàng. Thứ chín, đứng chung với người khổng lồ - thương hiệu lớn, Haravan từng áp dụng phương thức này trong những ngày đầu mới thành lập, khi đưa thương hiệu Intel vào một buổi hội họp của Haravan, để logo của 2 bên đứng ngang bằng nhau.

Thứ mười, tấn công vào khách hàng của đối tác để cả hai cùng thắng, Haravan từng hợp tác với Ahamove và Momo tạo ra một chiến dịch makerting khá thành công, hay câu chuyện Grab tặng quà cho khách hàng bằng vali của công ty Mia. Thứ mười một, thường xuyên đặt dấu ấn của bạn trên sản phẩm, Haravan đã đặt tên và logo của mình bên dưới trang web của những đối tác lớn như Vinmart, Bitis…

Thứ mười hai, tổ chức cuộc thi, ví dụ như Tiki đã tổ chức cuộc thi thiết kế bookmark, chỉ tốn ngân phí trên dưới 30 triệu đồng đã có thể thu hút một lượng lớn bạn trẻ tham gia cuộc chơi, hay chương trình chạy gây quỹ của nền tảng UPRACE năm 2018 đã thu hút 32.000 người tham dự.

Thứ mười ba, sản xuất các video có độ lan tỏa cao, tuy nhiên sự thành công của phương thức này ngoài sáng tạo còn phải may mắn, mỗi ngày các công ty đã sản xuất rất nhiều video quảng cáo, nhưng không phải tất cả đều nổi tiếng, chỉ một vài cái trong đó như Bitis với Sơn Tùng trong MV Lạc Trôi, bài hát rộn ràng của Điện Máy Xanh…

Thứ mười bốn, “đu trend”, nếu không thể là người tạo ra xu hướng như các nhãn hàng và công ty lớn, bạn có thể “ăn theo” xu hướng. Thứ mười lăm, nếu bạn không đẹp hãy độc: một cửa hàng bán hải sản, thông qua việc thuê các người đẹp livestream bán hàng bỗng chốc nổi tiếng trên mạng; sự nổi tiếng của Lệ Rơi chứng minh yếu tố “độc” cũng hút khách chẳng thua gì yếu tố đẹp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Tuấn cũng cho rằng, không cá nhân/doanh nghiệp nào có thể sử dụng hết 16 phương pháp makerting – sale ở trên, mà chỉ cần sử dụng 3 trong số đó cho một sản phẩm/chiến dịch của mình là đủ để quảng bá sản phẩm, lấy thông tin của khách hàng hay bán hàng qua mạng.