Nỗi lo của ngành dệt may, da giày trong tâm dịch Corona

Kim Yến - 10:20, 11/02/2020

TheLEADERDịch Corona bùng phát trên phạm vi toàn cầu đang khiến ngành da giày, dệt may gặp vô vàn khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa tiêu thụ chậm hoặc không tiêu thụ được.

Trùng trùng những khó khăn 

Ông Đỗ Long, Chủ tịch Công ty giày dép Bitas’ cho biết, dịch virus Corona cố tình hoặc vô tình cách ly luôn cả các con đường kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Mới chỉ gần 3 tuần từ ngày công bố dịch ở Trung Quốc cho đến nay, nhưng ngoài những lo âu và nỗ lực chống dịch của các ngành, các cấp, thì bản thân từng doanh nghiệp lại có những mối lo âu khác, cộng thêm vào lo âu tránh bị lây nhiễm.

Đó là lo âu thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa tiêu thụ chậm hoặc không tiêu thụ được ở các tỉnh thành đang khoanh vùng chống dịch. Trùng trùng những khó khăn bắt đầu hiện ra trước mắt.

Chuỗi cung ứng bị ngắt, ngành dệt may da giày phải làm gì trong tâm dịch Corona?
Chủ tịch Bita's Đỗ Long

Thứ nhất, hiện rất nhiều nhà máy sản xuất nguyên liệu của Trung Quốc đều đóng cửa, chưa biết khi nào sản xuất lại, mà kể cả có sản xuất rồi cũng chưa biết đường đi của nguyên liệu ra sao để về Việt Nam, vì các chủ trương về xuất nhập khẩu trong thời điểm này chưa rõ ràng, xem như cách ly cả nguyên liệu.

Thứ hai, nguồn nguyên liệu sẽ cạn kiệt, thiếu hụt, vì đa phần đều từ Trung Quốc, nơi có giá thành phù hợp cho các ngành cơ bản của Việt Nam như dệt may, da giày. 

Nếu cho rằng đó là cơ hội thoát lệ thuộc vào Trung Quốc, mở đường cho các nơi cung ứng nguyên liệu mới như Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Bangladesh... thì thực tế không đơn giản vì giá thành và thời gian đàm phán để bù đắp nguyên liệu, sức cạnh tranh sẽ không còn.

Thứ ba, nguồn nguyên liệu tồn vẫn đảm bảo sản xuất trong 1-3 tháng, kể cả khi tiêu thụ nội địa với lượng hàng tồn kho nhưng tính khả thi cũng giảm, do mới hết Tết Âm lịch, mua sắm của thị trường và đặt hàng mới của các đại lý cũng chưa rõ ràng, cộng với dịch bùng phát nên thị trường càng ảm đạm thêm. Đồng thời phải giải quyết việc duy trì sản xuất, duy trì lao động có việc, có thu nhập, trong khi nguồn thu đang kém hơn thì thông thường nhiều nhà máy phải cắt giảm lao động, sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa bớt các phân xưởng, các cửa hàng…

"Đâu là cứu cánh trong thời điểm dịch, con đường nào để thoát cách ly. Tôi cũng đang tập trung lắng nghe trong quý một này, làm sao để có hướng ra cho ngành giày dép, còn nếu không thì ngành này sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí một số nhà máy phải đóng cửa luôn. Có lẽ phải qua một tuần nữa mới đánh giá được chính xác thiệt hại của dịch Corona, và các doanh nghiệp mới có được hướng ra thích hợp khi có đầy đủ cơ sở lý luận thực tiễn hơn”, ông Long nhấn mạnh. 

Có cùng lo lắng về nguồn nguyên liệu đầu vào bị ngắt, ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch Công ty may mặc Sơn Việt cho biết, là một doanh nghiệp dệt may nội y vừa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, thực tế khó khăn nhất hiện nay với công ty là nguồn nguyên vật liệu đầu vào bị ảnh hưởng tiến độ, nhiều đơn hàng đặt nguyên vật liệu dù không đặt từ Trung Quốc cũng bị nhà cung cấp báo chậm tiến độ và tăng giá do ảnh hưởng chung của chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch sản xuất thành phẩm.

Đầu ra xuất khẩu cũng bị giảm mạnh, một số đơn hàng bị hủy. Đầu ra thị trường trong nước cũng gặp khó khăn do tâm lý ngại ra ngoài mua sắm của người dân. Hầu hết ngành nghề đều bị ảnh hưởng ít nhiều, nặng nhất là ngành du lịch, dịch vụ và bán lẻ, đặc biệt là nông sản do thị trường chính của nông sản Việt Nam là Trung Quốc.

Theo ông Xuân Anh, nếu kịch bản nhẹ nhất là ngăn chặn được, dịch không tiếp tục lan rộng, và chấm dứt sớm trong vòng vài tháng tới thì các doanh nghiệp có thể cố gắng trụ được. Còn nếu kịch bản nặng, dịch lan rộng và kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ thậm chí sẽ bị phá sản, nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu sẽ đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Tạp kỹ Trí HD ASIA cũng tỏ ra lo lắng về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu trở nên khan hiếm và tăng giá.

“Tôi cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn từ dịch Corona vì chịu ảnh hưởng lớn từ kinh tế Trung Quốc. Các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn khách, nguyên phụ liệu, phụ tùng từ Trung Quốc sẽ gặp khó khăn nhiều hơn như du lịch, bất động sản, nông nghiệp và nhiều mặt hàng như điện thoại, thiết bị điện, điện tử, cao su, may mặc… Việt Nam cũng nhập khẩu rất nhiều mặt hàng máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu cho công nghiệp như may mặc, da giày, hóa chất, nhựa từ Trung Quốc. Dịch Corona đã và đang khiến chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu này trở nên khan hiếm và tăng giá. Nhiều công trình, nhà máy nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi tiến độ thi công có thể chậm lại trong thời gian tới”, bà Hằng phân tích.

Những việc cần làm ngay

Trước tình hình bất trắc khôn lường này, ông Đỗ Long đưa ra những hành động cần làm ngay cho doanh nghiệp mình và kiến nghị đến Chính phủ từ bài học Singapore: “Hiện tôi đang ở Đài Loan, xử lý các mối quan hệ cung cấp nguyên vật liệu kể cả chuyển đổi một số thị trường cho ngành giày dép, vì lần này dịch vô cùng khốc liệt chưa lường hết được. Khác xa với dịch SARS năm 2003, trước đây mon men có thuốc hoặc phác đồ điều trị, còn hiện tại dịch Corona chưa có, chỉ trị cầu may. Thực sự chưa biết dịch Corona sẽ có thuốc kháng trong thời gian sớm hay không? Nhưng chắc chắn không thể chủ quan phòng ngừa, nhất là với rất nhiều công nhân viên đang quay lại nhà máy sản xuất".

Ông Long cho biết, Bitas’ đã lập tức có những biện pháp gấp rút để phòng chống dịch bệnh cho cán bộ nhân viên của mình, phải chặn từ cổng nhà máy để đo thân nhiệt cho từng người, phát khẩu trang, nước rửa tay khô. Chuẩn bị một lượng khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt cho tất cả các phân xưởng. Tuyên truyền liên tục trong cả lúc triển khai kế hoạch sản xuất, ăn uống tập thể.

Có nhiều biện pháp trong cùng một lúc chống dịch Corona tại Singapore. Tập trung cập nhật thông tin liên tục về con virus và xử lý rốt ráo số người đến từ Trung Quốc, không tiếp tục gia hạn visa, họp cấp Chính phủ mỗi ngày trực tiếp và trực tuyến;

Bắt đầu kế hoạch hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng dịch, trước mắt là ngành du lịch và vận chuyển bằng nhiều cách như miễn, giảm thuế, hạ lãi suất vay, kéo dài kỳ hạn vay không tăng lãi và phí. Sau đó là các ngành khác như xuất nhập khẩu, đầu tư... 

"Những việc làm trên cũng giống như liều thuốc tiên, cần thiết trong lúc này”, Chủ tịch Bita's nói.

Đề xuất phương án tái cơ cấu để tìm hướng đi chủ động hơn và nhấn mạnh vai trò đóng góp của truyền thông, bà Hoàng Thị Thanh Hằng cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hong Kong đang đầu tư ở Việt Nam. Việt Nam cũng đang có lực lượng lao động rất lớn từ Trung Quốc làm việc tại các nhà máy và các công trình xây dựng do Trung Quốc trúng thầu. Tuy nhiên, trước những khó khăn này, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhìn lại các điểm mạnh, điểm yếu của mình để cơ cấu lại và tìm ra hướng đi mới chủ động hơn.

Dịch Corona cũng khiến cho nhiều hoạt động của công ty bà Hằng bị ảnh hưởng. Cụ thể, hầu hết sự kiện, hội thảo, các khoá học dự kiến tổ chức vào đầu năm… đều phải dời thời gian tổ chức do tâm lý e ngại tập trung chỗ đông người của đối tác, khách hàng, học viên; do lịch làm việc của nhiều đối tác và chuyên gia từ nước ngoài bị thay đổi do không nhập cảnh được vào Việt Nam. Những hợp đồng ký với đối tác nước ngoài cũng bị dời lại hoặc phải chia sẻ khó khăn trong thời gian họ không thể sang làm việc tại Việt Nam. 

"Dịch Corona, dù đã tạo ra rất nhiều ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của công ty tôi, nhưng nó đồng thời cũng giống như một cuộc tập dượt lớn để mọi người có cơ hội biết thêm nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng ứng biến với những trường hợp tương tự. Các kênh truyền thông của công ty bao gồm trang web và 5 page cũng có cơ hội tuyên truyền cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, hiểu biết thêm về các kiến thức bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Tôi không mong tình trạng này kéo dài và chúng ta có thể hy vọng vào các tín hiệu tốt đẹp mà Việt Nam và thế giới đã và đang nỗ lực để đẩy lùi dịch. Chúng tôi đã chuẩn bị một kịch bản là tất cả nhân viên đều sẵn sàng làm việc online và các cách thức để công việc được duy trì hiệu quả”, bà Hằng cho biết. 

Nhấn mạnh đến cơ hội thoát Trung trong ngành dệt may, ông Hà Xuân Anh cho rằng, dịch Corona chính là một thử thách để doanh nghiệp cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu và khách hàng, để chúng ta không phụ thuộc vào một thị trường hay một quốc gia nào.

"Theo kêu gọi của Chính phủ và của Tập đoàn dệt may, hiện nay chúng tôi cũng đang tập trung năng lực để sản xuất khẩu trang vải từ nguồn nguyên vật liệu trong nước để đáp ứng nguồn cung khẩu trang đang bị thiếu hụt. Chúng tôi đã và đang cung ứng ra thị trường loại khẩu trang vải cotton 2 lớp được xử lý hấp nhiệt kháng khuẩn và đang liên kết với Vinmart để cung cấp cho người dân với mức giá hỗ trợ thấp nhất cũng như triển khai các chương trình bán giá hỗ trợ tại các cửa hàng nội y Relax. Chúng tôi cũng đang sử dụng nguyên liệu dự trữ để tiếp tục duy trì sản xuất, song song đó cũng cơ cấu lại nguồn cung ứng đầu vào nguyên vật liệu và đầu ra, để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại khi thị trường biến động", ông Xuân Anh cho biết. 

Theo Chủ tịch May Sơn Việt, hiện nay quan trọng nhất là các doanh nghiệp và người dân phải bình tĩnh, đoàn kết liên kết với nhau, tuân thủ đúng các hướng dẫn phòng dịch, không hoang mang, tiếp tục duy trì ổn định nhịp sống, nhịp sản xuất kinh doanh, phải bình tĩnh “sống chung với lũ”. Rất may là tới thời điểm hiện tại, với nỗ lực của Chính phủ và người dân chúng ta vẫn đang kìm hãm được dịch chưa để lan rộng.

Nhà nước nên sử dụng ngân sách để cùng doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp trong thời gian “chờ việc”, giãn thuế, giãn bảo hiểm, giảm lãi suất ... là một số biện pháp, nhưng quan trọng là bằng mọi giá phải dập tắt dịch càng sớm càng tốt.