Ông Nguyễn Văn Đực: Đừng bắt bẻ doanh nghiệp chi li kiểu 'Ngô đúng - Bắp sai'

Nguyễn Văn Đực - 08:00, 31/08/2017

TheLEADERTôi đề nghị đổi tên tên giấy phép là "chứng chỉ", đồng thời nên sắp xếp lại các điều kiện cần thiết để có chứng chỉ và đơn giản hoá các xét duyệt can thiệp thô bạo vào sản phẩm doanh nghiệp như sửa chữ "Bắp thành Ngô"

Ông Nguyễn Văn Đực: Đừng bắt bẻ doanh nghiệp chi li kiểu 'Ngô đúng - Bắp sai'
Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành

LTS: "Giấy phép con" lâu nay luôn là gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp. Tiến trình loại bỏ giấy phép con đã được Chính phủ triển khai nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong đợi. Cứ loại bỏ được loại này thì loại khác lại hình thành. Cộng đồng đã đúc kết và chỉ rõ các nguyên nhân chính của tình trạng này là tư duy quản lý "quản không được thì cấm" và lợi ích ẩn chứa phía sau giấy phép con tác động làm thiên lệch chính sách...

Trong năm 2016, Chính phủ đã ký ban hành hàng loạt các chính sách mà qua đó hơn 3000 giấy phép con được loại bỏ. Ngày 22/8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Chính phủ đề xuất bỏ tiếp 1.930 yêu cầu, điều kiện kinh doanh. Đây là một sự kiện rất ý nghĩa mang tính khích lệ lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ về tạo lập môi trường kinh doanh của Việt Nam thuận lợi.

Nhân sự kiện này, Ban biên tập TheLEADER thực hiện Chuyên đề: Giấy phép con có còn là “đầu Phạm Nhan”?, với sự tham gia đóng góp ý kiến, phân tích, bình luận của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế uy tín, với mục tiêu góp phần làm rõ hiện trạng, nguyên nhân và đưa ra được các giải pháp hữu ích để loại bỏ được cơ bản tình trạng giấy phép con đang rất nhức nhối trong hoạt động kinh doanh trong nước hiện nay.

Bài 5: Đề nghị đổi tên giấy phép con thành "chứng chỉ"

(Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành)

Giấy phép con nên ví với các BOT mọc lên như nấm sau mưa bao năm qua, được khai thác và kinh doanh tối đa bất chấp lợi ích và tốn kém cho doanh nghiệp, còn làm kẹt xe nghẽn mạch lưu thông, gây tốn kém tăng giá thành và chậm nhịp phát triển kinh tế xã hội.

Bộ nào cũng có nhiều cục, vụ quản lý mà xã hội cứ "loạn nhịp", nghành nào cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm trì trệ phát triển, tăng giá thành tăng tiêu cực tạo lợi ích nhóm. 

Các bộ soạn luật tập trung tăng quyền lực, quyền lợi cho bộ và nghành mình, giành hết quyền lực quyền lợi với địa phương. Như Bộ Giao thông vận tải quyết định trạm BOT và giá vé, Bộ Y tế quản lý dược đến từng chữ kiểu "Ngô đúng - Bắp sai" nhưng lại để sản xuất lưu hành thuốc giả cho "chiến hữu", Bộ Xây dựng giữ chặt quản lý công trình cấp 1...

Trong khi chờ cát giảm các giấy phép con theo tôi nên "hạ thấp" tên gọi giấy phép như ban phát xin - cho mới được phép làm, ngược lại là không được phép làm. 

Tôi đề nghị đổi tên tên giấy phép là "chứng chỉ", đồng thời nên sắp xếp lại các điều kiện cần thiết để có chứng chỉ và đơn giản hoá các xét duyệt can thiệp thô bạo vào sản phẩm doanh nghiệp như sửa chữ "Bắp thành Ngô "

Ví dụ như trong lĩnh vực xây dựng: Để duyệt 1/500 dự án nhà ở phải qua các giấy tờ qua lại từ quận, Sở Quy hoạch kiến trúc, có khi đến cả UBND thành phố. Đề nghị phân cấp theo quy định: Dưới 2ha thì quận quyết định, trên 2ha thì sở quyết định, chỉ cần 1 buổi họp có ý kiến các bên thay vì cần các văn bản qua lại mất đến cả năm trời.

Giấy phép xây dựng phải có: Quy hoạch 1/500, giấy chấp nhận đầu tư, duyệt thiết kế trên cơ sở thiết kế kỹ thuật (cấp 1 phải ra Bộ Xây dựng ), giấy phòng cháy chữa cháy, giấy nối kết hạ tầng giao thông, giấy thoả thuận môi trường, sổ đỏ đã đóng tiền sử dụng đất, giấy không lưu chiều cao công trình...

Theo tôi nên chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, móng cọc hầm khi có 1/500 và giai đoạn phần thân bên trên khi bổ sung thêm giấy phép con còn lại. Điều này sẽ đẩy nhanh việc khởi công khoảng 6 tháng, vừa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội mà cũng không trái luật. 

Việc thẩm định cũng nhẹ nhàng hơn, không can thiệp thô bạo vào tác quyền của doanh nghiệp. Đừng bắt bẻ chi li kiểu "Ngô đúng - Bắp sai", công trình "60m không cần mà 61m phải có khe co giãn" , công trình "phải làm móng cọc không dùng móng bè"...

Kiểm tra từng con số, tính toán từng hệ số áp dụng kỹ thuật nhưng khi có sai phạm hay sự cố thì người thẩm tra phải chịu trách nhiệm đừng để vô can như Cục Quản lý dược đối với vụ thuốc giả của Công ty VN Pharma..