'Phương thức marketing truyền thống đã chết'

Thu Phương - 08:00, 31/01/2018

TheLEADERPhương pháp làm thương hiệu tốt nhất là làm thế nào sản phẩm của doanh nghiệp có mặt trong các cuộc đối thoại của những nguời bạn và họ nói với nhau về sản phẩm đó, khi người tiêu dùng không còn nói về thương hiệu đó có nghĩa là nó đã chết.

'Phương thức marketing truyền thống đã chết'
Chuyên gia thương hiệu Bùi Quý Phong.

Công nghệ làm thay đổi phương thức maketing truyền thống

Trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại với sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp, thương hiệu là yếu tố rất quan trọng nhất mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn sở hữu. 

Thương hiệu giúp doanh nghiệp có được niềm tin yêu của khách hàng và chỗ đứng vững chắc trên thị trường, vì mục tiêu sinh lợi nhuận dài hạn và phát triển bền vững. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đi đúng hướng và xây dựng thương hiệu thành công. 

Theo chuyên gia thương hiệu Bùi Quý Phong, Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược thương hiệu châu Á, để xây dựng thương hiệu đòi hỏi người đứng đầu doanh nghiệp phải có một tư duy đúng đắn và các chiến lược quản trị đồng bộ.

Dẫn số liệu thống kê, ông Phong cho biết, hiện trên thế giới đang có khoảng gần 5 tỷ thiết bị điện thoại thông minh trên toàn cầu. Tất cả các thiết bị này đều được kết nối với nhau. Với sự tham gia của mạng internet kết nối là đã làm nhiều thứ thay đổi.

Phương thức làm maketing truyền thống đã chết, hình thức tiếp cận thị trường đã không còn có thể áp dụng như cũ, thay vào đó là cách làm truyền thông hoàn toàn mới để có thể phù hợp với xã hội hiện đại.

Ngay cả trên thế giới, hiện nay không nhiều các doanh nghiệp có vị trí giám đốc sale và maketing. Thường chỉ có các doanh nghiệp thực sự lớn mới có các vị trí này. Thay vào đó là vị trí của các giám đốc phát triển, ông Phong cho biết thêm.

Theo ông Phong, việc làm thương hiệu bằng cách chi tiền cho truyền thông hiện đã không còn phù hợp, trở thành hành vi “chi tiền không đúng chỗ”. 

Bởi người tiêu dùng hiện nay đã thay đổi, quyết định tiêu dùng của khách hàng đã khác rất nhiều so với với trước đây.

Người tiêu dùng hiện có nhiều kênh để tham chiếu, đánh giá về sản phẩm từ nguồn gốc đến chất lượng, thậm chí là cả tư cách đạo đức của doanh nghiệp có đáng để tiêu dùng hay không. Do đó, hành vi ra quyết định tiêu dùng của khách hàng cũng hoàn toàn khác.

Theo ông Phong, mỗi người tiêu dùng đều có một phiên bản số bằng công nghệ và điện thoại thông minh, thông qua mạng xã hội, internet. Bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp hay thông tin về sản phẩm đều được lan toả với tốc độ chóng mặt.

Đây là một thách thức rất lớn đòi hỏi maketing hiện đại không chỉ là maketing thông thường mà còn phải biết kết hợp với công nghệ. Không chỉ dựa vào truyền thông để tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu mà còn phải dựa vào công nghệ hiện đại để phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm về vấn đề này, tại Hội thảo "Thách thức quản trị trong thời đại công nghệ 4.0" do Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam tổ chứcông Trịnh Minh Giang, nguyên cổ đông sáng lập Alpha Books cũng cho rằng, công nghệ đã tạo ra phương thức maketing hiện đại. 

Nền kinh tế hiện nay là nền kinh tế mạng lưới với những đặc tính riêng mà các mô hình kinh tế khác không có được. Công nghệ kết nối tất cả mọi thứ, giúp tối ưu mọi chương trình kinh doanh, khiến thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng một cách nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Thậm chí, nhiều công ty hiện nay còn ứng dụng công nghệ số vào mô hình kinh doanh doanh của chính mình, dùng chính công nghệ để kinh doanh, sử dụng các nền tảng công nghệ để kết nối, tối ưu hoa nguồn lực bên ngoài, tạo lợi nhuận. Email, facebook, foody, grap là những ví dụ điển hình. 

Giá trị cốt lõi vẫn là chất lượng sản phẩm

Trả lời câu hỏi, với nền tảng công nghệ kết nối như hiện nay, làm thế nào để xây dựng thương hiệu thành công, chuyên gia Bùi Quý Phong cho rằng, một doanh nghiệp làm truyền thông tốt phải tạo được một vòng khép kín của thương hiệu. Đích đến cuối cùng của vòng tròn ấy là niềm tin của người tiêu dùng. Thương hiệu càng lớn thì niềm tin của khách hàng dành cho nó càng lớn.

Trong khi đó, phương pháp xây dựng niềm tin trước đây và bây giờ cũng rất khác nhau. Nếu như trước đây, người dân còn tin vào quảng cáo để mua sản phẩm thì hiện nay việc quảng cáo đã không còn nhiều giá trị và mang lại hiệu quả bởi 92% người tiêu dùng tin vào bạn bè, người thân xung quanh để mua sản phẩm.

"Việc đổ quá nhiều tiền cho quảng cáo đã trở thành đốt tiền trong cuộc chiến không cân sức với phương pháp truyền thông hiện đại", vị chuyên gia thương hiệu này cho hay.

Do đó, phương pháp làm thương hiệu tốt nhất là làm thế nào sản phẩm của doanh nghiệp có mặt trong các cuộc đối thoại của những nguời bạn và họ nói với nhau về sản phẩm đó. Còn khi người tiêu dùng không còn nói về thương hiệu đó có nghĩa là thương hiệu đó đã chết.

Ông Phong cho rằng, trong xã hội hiện nay, hơn bao giờ hết, trải nghiệm của người tiêu dùng về sản phẩm là quan trọng nhất. Thương hiệu sống trong lòng người tiêu dùng chứ không phải là việc thương hiệu đó có còn trên những quảng cáo của ti vi hay báo chí hay không.

Chính vì vậy, những người làm maketing giỏi thường có nhiều kinh nghiệm xã hội, kinh nghiệm sống, vốn văn hoá tốt. Họ làm truyền thông bằng trực giác về quan hệ xã hội, chứ không phải từ những kiến thức học nhiều trên trường lớp.

Sau cùng, để làm được tất cả những điều trên, theo chuyên gia thương hiệu Bùi Quý Phong, giá trị cốt lõi vẫn là chất lượng sản phẩm. Nếu doanh nghiệp tạo dịch vụ tồi, có truyền thông tốt mấy cũng không hiệu quả, không tạo niềm tin nơi người tiêu dùng.

Có ba cấp văn hoá đối với thương hiệu. Cấp 1 dựa vào truyền thông cho sản phẩm, đây là mức thấp nhất đối với thương hiệu. Cấp 2 là tạo ra trải nghiệm về sản phẩm cho khách hàng. Cấp 3 là doanh nghiệp tạo được văn hoá của doanh nghiệp, văn hoá của sản phẩm.

Yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một thương hiệu thành công là lấy khách hàng làm trọng tâm, chất lượng sản phẩm, văn hoá, đạo đức của doanh nghiệp. Sau đó mới là việc áp dựng công nghệ giúp khách hàng nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp. 

"Chúng ta đang sống trong thế giới kết nối, mỗi cá nhân là một đơn vị số có khả năng truyền và lan toả thông tin. Nếu doanh nghiệp quên điều đó sẽ không thể xây dựng thương hiệu thành công", ông Phong nhấn mạnh.