Quy định phòng cháy chữa cháy 'đốt cháy' doanh nghiệp nước ngoài

Phương Anh - 10:33, 07/05/2023

TheLEADERTheo đại diện nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, nhiều quy định về phòng cháy chữa cháy đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng, và ngày càng lan rộng với doanh nghiệp.

Hàng ngàn tỷ đồng bị ảnh hưởng

Thời gian qua, chính phủ đã yêu cầu thắt chặt các quy định, quản lý liên quan đến phòng cháy, chữa cháy; và ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý phòng cháy, chữa cháy, sau khi nhiều vụ hỏa hoạn, cháy nổ diễn ra dẫn tới những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Theo đó, doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp điều chỉnh đối với hoạt động xây dựng công trình, và cấp phép phòng cháy chữa cháy – vốn được tiến hành theo các quy định và thông lệ cũ. Việc xây dựng mới nhà máy, hoặc mở rộng nhà máy cũng phải áp dụng quy định nghiêm ngặt hơn.

Tuy nhiên, sự thay đổi này đẩy nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào khó khăn.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) trong văn bản đề nghị gửi tới Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, sau khi có những quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành phòng cháy, chữa cháy (Nghị định số 136/2020), đã có nhiều kiến nghị từ các doanh nghiệp hội viên có nhà máy, và nhà kho được xây dựng mới, hoặc mở rộng tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp cho biết, không thể đưa nhà máy, nhà kho đi vào hoạt động, vì không thể xin được Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy của cơ quan cảnh sát.

Cụ thể, theo quy định của Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia và Nghị định 136 trên, để đánh giá tính năng chịu lửa của các kết cấu thép như cột và dầm công nghiệp, và các cấu kiện, kết cấu chống cháy như cửa chống cháy, cần phải thực hiện thử nghiệm tại phòng thí nghiệm để được cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Tuy nhiên, do các phòng thí nghiệm còn chưa hoàn thiện, và còn có sự lộn xộn trong quá trình kiểm định, mà việc cấp giấy chứng nhận kiểm định gần như đã bị dừng lại.

Vì doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận kiểm định mẫu kết cấu, nên cơ quan cảnh sát không thể cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy, và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

“Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng và ngày càng lan rộng đối với doanh nghiệp”, JCCH nhấn mạnh.

Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) và JCCH, tính đến thời điểm cuối tháng 11/2022, có ít nhất 18 dự án với tổng giá trị hơn 3.000 tỷ đồng đã bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, không chỉ các doanh nghiệp xây dựng không thể bàn giao công trình đã hoàn thiện, mà các nhà máy, kho hàng của chủ đầu tư là các doanh nghiệp sản xuất và vận tải của Nhật Bản cũng không thể đi vào hoạt động.

Điều này gây ra ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, JCCH phân tích.

Theo JCCH, thiết kế cơ sở của nhà và thiết bị phòng cháy chữa cháy đã được cơ quan chức năng phê duyệt theo các quy định của pháp luật tại thời điểm thiết kế, và doanh nghiệp khởi công xây dựng sau khi được cấp giấy phép xây dựng.

Vì thế, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu thay đổi lớn đối với công trình.

Thời gian cấp phép kéo dài, chi phí gia tăng

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết, đã tiếp nhận nhiều nội dung vướng mắc trong quá trình đầu tư mới và đầu tư mở rộng của doanh nghiệp, do yêu cầu thực hiện quy định mới về phòng cháy chữa cháy.

Đặc biệt, những vướng mắc liên quan đến cấp phép phòng cháy, chữa cháy chủ yếu tập trung tại tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh.

Cụ thể, Luật Phòng cháy chữa cháy hiện đang được thực thi tại Việt Nam là Luật Phòng cháy chữa cháy được sửa đổi, bổ sung năm 2013 (số 40/2013/QH13), và công tác thẩm định, cấp phép cho đến nay vẫn thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.

Khi áp dụng quy định, có nhiều trường hợp áp dụng cách diễn giải tùy tiện của cơ quan phòng cháy chữa cháy địa phương.

Thời gian trước đây, doanh nghiệp khi lựa chọn doanh nghiệp thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy chỉ định bởi cơ quan hữu quan địa phương, đều được cấp phép giấy phép phòng cháy chữa cháy, mà không gặp bất cứ trở ngại gì.

Vấn đề phát sinh gần đây là khi mở rộng nhà máy đang hoạt động, giấy phép phòng cháy chữa cháy, và giấy phép hoàn công – đã được cấp khi xây dựng nhà máy ban đầu – mâu thuẫn với quy định quản lý hiện hành sau khi được thắt chặt, đại diện KoCham cho biết trong báo cáo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023.

Đơn cử, trước đây, sử dụng tấm thạch cao đơn giản, hoặc sơn chống cháy cho tường chống cháy của nhà máy, không gặp trở ngại gì trong việc xin cấp phép phòng cháy chữa cháy. Thế nhưng đến nay, doanh nghiệp phải sử dụng tấm thạch cao có tính chịu lửa.

Do đó, khi doanh nghiệp xây dựng, mở rộng nhà máy, chi phí thi công tăng lên. Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn buộc phải thực hiện quy định hiện hành đối với cả nhà máy đã xây dựng trước đây và đang trong quá trình vận hành.

Ngoài ra, khi áp dụng quy định, có nhiều trường hợp áp dụng cách diễn giải tùy tiện của cơ quan phòng cháy chữa cháy địa phương, và điều này dẫn đến có những trường hợp mất hơn 50 ngày mới được cấp phép phòng cháy chữa cháy.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy thực tế, quy định sử dụng tấm thạch cao có khả năng chống cháy riêng, trong khi bản thân tấm thạch cao đã có tính chịu lửa, là cách diễn giải thái quá, KoCham nhấn mạnh.