Rủi ro tài chính khi các dự án điện gió trên bờ 'lỡ hẹn' giá FIT

Hoài An - 12:16, 10/09/2021

TheLEADERNhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió trên bờ và các địa phương sẽ thiệt hại lớn về tài chính nếu những khó khăn đang phải đối mặt vì Covid-19 không được giải quyết.

Dịch Covid-19 ‘cản bước’ các dự án điện gió

Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) trong tài liệu mới nhất nhận định các dự án điện gió trên bờ tại Việt Nam không thể tránh khỏi chậm trễ tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng rộng rãi.

Thứ nhất, Covid-19 hạn chế di chuyển và khả năng tham gia làm việc của lao động địa phương.

Từ tháng 7/2021, Chỉ thị 16 đã được triển khai tại 19 tỉnh thành phía Nam. TP.HCM và một số tỉnh phía Nam khác thậm chí còn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn so với quy định của Chỉ thị 16.

GWEC phân tích cho biết các biện pháp giãn cách xã hội và giới hạn di chuyển này đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới gần 2.800MW dự án điện gió đang trong giai đoạn triển khai trên khắp khu vực miền Nam.

Con số thực tế về số lượng công suất điện gió chịu ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ còn lớn hơn nhiều, do chính quyền các tỉnh khác, như Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Bình, cũng ra quyết định áp dụng Chỉ thị 16.

Như vậy, hầu hết địa phương có các dự án điện gió trên bờ quy mô lớn đang trong thời kỳ giãn cách xã hội nghiêm ngặt và hạn chế di chuyển nội tỉnh và/ hoặc liên tỉnh.

Cho tới tháng 9/2021, các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt vẫn đang được tiến hành, một số khu vực thậm chí phải áp dụng quy định “ai ở đâu ở yên đó”, gây ra nhiều hạn chế đối với vấn đề di chuyển và nhân công.

Thứ hai, dịch bệnh bùng phát đã hạn chế di chuyển và khả năng tham gia dự án của các chuyên gia nước ngoài.

Các dự án cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc đưa chuyên gia nước ngoài tới làm việc tại công trường dự án do thủ tục và thời gian cách ly kéo dài, cũng như những yêu cầu nghiêm ngặt đối với thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Một số dự án cho hay thời gian đưa chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại một công trường và di chuyển giữa các công trường đã tăng hơn gấp đôi, từ 8 tháng lên đến 18 tháng.

Bên cạnh việc thời gian đưa chuyên gia nước ngoài tới công trường dự án đã tăng đáng kể, quy trình cấp thị thực đã không được điều chỉnh kịp thời để tháo gỡ khó khăn này.

Một số công ty phát triển điện gió đã báo cáo rằng, sau khi chuyên gia nước ngoài hoàn thành cách ly theo thời gian quy định, thị thực của họ chỉ còn hiệu lực từ 1 – 2 tháng, do đó không đủ thời gian để hoàn thành công việc được giao.

Trong thời gian gần đây, một số công ty điện gió cũng cho hay chuyên gia và người lao động kỹ thuật nước ngoài đã từ chối di chuyển vào làm việc tại dự án để tránh những rắc rối do biện pháp hạn chế di chuyển, thủ tục hành chính kéo dài, và để tránh nhiễm Covid-19 trong khi Việt Nam đang phải trải qua đợt bùng phát nghiêm trọng.

Nguy cơ đầu tư rút khỏi Việt Nam khi loạt dự án điện gió trên bờ ‘lỡ hẹn’ giá FIT
Covid-19 khiến việc vận chuyển, đi lại khó khăn, đẩy hàng loạt dự án điện gió vào tình trạng chậm tiến độ.

Thứ ba, gián đoạn trong sản xuất và cung ứng đơn hàng đã góp phần làm chậm tiến độ các dự án điện gió.

Theo báo cáo của nhiều doanh nghiệp trong ngành, ngành điện gió đã gặp phải vấn đề về đứt gãy chuỗi cung ứng đối với một số vật liệu xây dựng quan trọng như sắt, thép, nguyên liệu, cát, đá dăm và xi măng.

Việc vận chuyển tuabin gió – những trang thiết bị không thể thiếu và thường được nhập khẩu – cũng bị đình trệ, kéo dài hàng tháng. Do các nhà sản xuất nước ngoài giảm công suất do dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, những dự án điện gió cũng vì thế bị chậm trễ theo.

Chậm tiến độ nhập khẩu thiết bị do gián đoạn trong vận tải quốc tế, và đình trệ trong quá trình thông quan, cũng như gián đoạn trong vận tải nội địa đã làm tăng độ trễ trong triển khai các dự án điện gió.

Hệ quả lớn khi các dự án điện gió trên bờ lỡ thời hạn giá FIT

Theo GWEC, tính tới hết tháng 8/2021, ước tính có tới 4.000MW dự án điện gió trên bờ tại Việt Nam, tương đương hơn 70% công suất lắp đặt của các dự án đã đăng ký nối lưới nguy cơ cao không kịp vận hành thương mại (COD) trước tháng 11/2021 để có thể hướng cơ chế giá điện cố định (FIT).

Theo những tính toán chuyên môn dựa trên giá trị trung bình của quốc tế và Việt Nam, rủi ro tài chính của các dự án trên bờ lỡ hẹn trên ương đương với 6,7 tỷ USD vốn đầu tư, và đây là một khoản đầu tư rất quan trọng đối với chính quyền và người dân địa phương.

Khoản này bao gồm 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định và 151 triệu USD chi phí vận hành trong 25 năm vòng đời của các dự án điện gió.

Không chỉ có nguồn đầu tư bị ảnh hưởng, thị trường việc làm nội địa cũng sẽ phải chịu những tổn thất nặng nề nếu các dự án điện gió trên bờ không đi vào hoạt động.

GWEC tính toán cho biết trong suốt 25 năm vòng đời dự án, 4.000MW điện gió trên bờ có thể tạo ra gần 21.000 việc làm, phần lớn dành cho lao động trong nước, phân bổ trên cả chuỗi giá trị, bao gồm phát triển dự án, vận tải, xây lắp và vận hành, bảo dưỡng.

Như vậy, địa phương cũng sẽ chịu thiệt hại đáng kể về nguồn thu thuế cho ngân sách cũng như bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào lĩnh vực cung cấp điện sạch trong tương lai.

Ở phương diện gián tiếp, nếu những khó khăn ngành điện gió phải đối mặt trong bối cảnh Covid-19 không được giải quyết, GWEC nhận định sẽ khó tránh khỏi việc các nhà đầu tư và công ty phát triển dự án dần rút khỏi thị trường Việt Nam.

Đối mặt với những rủi ro và chưa có định hướng rõ ràng trong tương lai gần, nếu không nhận được sự hỗ trợ cần thiết, các nhà phát triển dự án sẽ có xu hướng đánh giá lại tính khả thi của dự án và so sánh lợi ích kinh tế với các rủi ro trước mắt.

Những yếu tố khó đoán định của đại dịch, cùng với môi trường đầu tư không thuận lợi sẽ làm tăng rủi ro của ngành điện gió và giảm lòng tin của các nhà đầu tư.