Sacombank muốn thưởng lớn cho ban lãnh đạo, nhân viên

Trần Anh - 13:40, 17/04/2019

TheLEADERNăm thứ 3 liên tiếp Sacombank muốn thưởng 20% phần vượt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cho CBNV và 2% lợi nhuận trước thuế cho Ban Điều hành trong khi các cổ đông của ngân hàng không được chia cổ tức.

Tài liệu trước Đại hội cổ đông của Sacombank mới đây cho biết, năm 2019, ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 2.650 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm trước đó.

Nhằm tạo động lực để khuyến khích tập thể Cán bộ nhân viên (CBNV) hoàn thành các chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh năm tài chính 2019, đồng thời để tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo nhằm rút ngắn thời gian tái cơ cấu Sacombank, Hội đồng quản trị ngân hàng đã có tờ trình xem xét trích 20% đối với phần vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất của năm tài chính 2019 để thưởng cho tập thể CBNV Sacombank.

Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị ngân hàng cũng đề xuất mức thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát trong năm 2019 là 2% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của năm tài chính 2019.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, từ sau khi ông Dương Công Minh trở thành chủ tịch HĐQT Sacombank, ngân hàng xin trích 2% lợi nhuận trước thuế cho Ban Điều hành và 20% phần vượt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế để thưởng cho CBNV.

Năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 2.246 tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch lợi nhuận ngân hàng đặt ra (1.838 tỷ đồng). Như vậy, ngân hàng đã chi trả 45 tỷ đồng cho ban điều hành và trả thêm hơn 80 tỷ đồng cho CBNV.

Mặc dù vậy, Sacombank vượt kế hoạch lợi nhuận nhờ việc ghi nhận lợi nhuận khác. Báo cáo tài chính của ngân hàng cho thấy, ngân hàng báo lãi 626,4 tỷ đồng từ hoạt động khác trong quý 4. Tính cả năm, lãi từ hoạt động khác đạt 932 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2017.

Sacombank không thuyết minh cụ thể nguồn thu từ hoạt động khác. Ở một số ngân hàng, khoản mục này thường ghi nhận phần tài sản thu hồi được từ một số khoản nợ đã xóa trước đó. Điều này khá phù hợp với việc Sacombank đã bán đầu giá rất nhiều tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu, chủ yếu là bất động sản tại TP.HCM và các tỉnh lân cận trong năm 2018.

Sacombank muốn thưởng lớn cho ban lãnh đạo, nhân viên
Năm thứ 3 liên tiếp Sacombank muốn thưởng 20% phần vượt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cho CBNV

Báo cáo của Tổng giám đốc Sacombank cho biết, sau gần 2 năm triển khai phương án tái cơ cấu ngân hàng đến năm 2025 đã được NHNN chấp thuận, Sacombank đã hoàn thành vượt tiến độ các mục tiêu trọng yếu của Đề án, hoạt động kinh doanh từng bước chuyển biến tích cực theo hướng ổn định. 

Riêng thu hồi nợ xấu (bao gồm nợ cơ cấu, nợ bán VAMC và các khoản phải thu), Sacombank đã thu được 9.513 tỷ đồng trong năm 2018 (thuộc Đề án 7.511 tỷ đồng). Lũy kế từ khi triển khai Đề án, Sacombank đã thu được 26.068 tỷ đồng (thuộc Đề án 19.978 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Sacombank cũng còn một số vấn đề tồn tại như quá trình thu hồi, xử lý tài sản thế chấp cần có thời gian dài và phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thị trường bất động sản.

Áp lực tăng vốn ngày càng lớn khi thời điểm áp dụng chuẩn mực quốc tế Basel II vào năm 2020 đang đến gần trong bối cảnh việc kêu gọi vốn cổ phần hiện nay còn khó khăn, cũng là một vấn đề nan giải mà Sacombank đang phải đối mặt.

Tài liệu cũng nêu rõ Sacombank đã không chia cổ tức cho cổ đông kể từ khi sáp nhập đến nay, do phải tập trung tái cơ cấu, xử lý các tồn đọng tài chính, dẫn đến tạo tâm lý không hài lòng đối với phần lớn các cổ đông của Sacombank.

Dự kiến trong năm 2018 và 2019 tới, Sacombank tiếp tục không chia cổ tức. Sacombank chỉ được thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông theo Đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt (lộ trình đến năm 2025). 

Trong năm 2018, Sacombank đã tích cực kiến nghị NHNN chấp nhận phương án trả cố tức bằng cổ phiếu cho cổ đông từ lợi nhuận giữ lại phù hợp với kết quả tài chính hàng năm, trên cơ sở đảm bảo việc trích lập dự phòng theo Đề án tái cơ cấu; đảm bảo các chỉ số an toàn hoạt động và nâng cao vị thế của Sacombank trên thị trường và đảm bảo hài hòa lợi ích cổ đông. Tuy nhiên, Sacombank không nhận được ý kiến phản hồi từ phía NHNN.