Samsung đang thể hiện rõ tầm nhìn 'đầu tư ở Việt Nam như thế là đủ rồi'

Quỳnh Chi - 08:07, 25/04/2019

TheLEADERTheo GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, khi doanh nghiệp nước ngoài nghĩ chiến lược đầu tư ở Việt Nam đã đủ, vấn đề lớn nhất là phải tận dụng tối đa cơ hội mà họ mang lại.

Samsung đang thể hiện rõ tầm nhìn 'đầu tư ở Việt Nam như thế là đủ rồi'
GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Tháng 7/2018, Nhà máy Noida của Samsung tại Ấn Độ đi vào hoạt động và vượt qua Samsung Electronics Thái Nguyên trở thành nhà máy sản xuất ra nhiều điện thoại di động Samsung nhất trên thế giới.

Bình luận về sự kiện này, phía Samsung Việt Nam (SEV) cho biết: "Nhà máy tại Ấn Độ sẽ sản xuất điện thoại di động cho thị trường nội địa của Ấn Độ, trong khi từ trước đến nay Samsung Việt Nam chưa bao giờ xuất khẩu các sản phẩm điện thoại "Made-in Vietnam" sang tiêu thụ tại thị trường Ấn Độ".

Điều này đồng nghĩa, không hề có sự liên quan và ảnh hưởng giữa việc có thêm nhà máy sản xuất tại Ấn Độ và hoạt động của các cơ sở tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Dù không ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy ở Việt Nam, song GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, khi mở nhà máy ở Ấn Độ, rõ ràng Samsung đã thể hiện tầm nhìn "đầu tư ở Việt Nam như thế là đủ rồi".

“Khi Samsung nghĩ chiến lược đầu tư ở Việt Nam đã đủ, vấn đề là phải tận dụng được tối đa cơ hội họ đã mang lại. Trong đó, đặc biệt phải biết cách tận dụng nguồn lực từ các doanh nghiệp lớn này để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển”, ông Đạt nhận định tại buổi giao lưu trực tuyến Đi tìm động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam 9 tháng cuối năm do Báo Trí Thức Trẻ tổ chức chiều ngày 24/4/2019.

Ở góc độ đóng góp vào nền kinh tế, Samsung đã có đóng góp rất lớn cho xuất khẩu, giải quyết việc làm và một phần nào đó là nền tảng ban đầu của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

Tuy nhiên, hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, những thuận lợi đó bao giờ cũng đi cùng những rủi ro nhất định, đó là vấn đề xảy ra khi một doanh nghiệp quá lớn đối với nền kinh tế.

Cụ thể, những doanh nghiệp này thường gây sức ép để được ưu đãi tối đa và rõ ràng trong quá trình phát triển, khi những ưu đãi của chúng ta trở nên kém hấp dẫn thì họ có thể dịch chuyển bớt một phần đầu tư sang nước khác.

Dù vậy, ông Đạt cho rằng không nên quá lo lắng một doanh nghiệp lớn như Samsung sẽ dẫn đến sự phụ thuộc. Quan trọng là phải chủ động nắm bắt cơ hội để doanh nghiệp trong nước có sự trưởng thành về khả năng quản lý, trưởng thành về khoa học công nghệ, chứ không đơn thuần là giải quyết 100.000 lao động với giá nhân công tương đối rẻ.

Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy, những lợi thế thu hút đầu tư mà Việt Nam đang có sẽ giảm dần trong tương lai. Trong khi đó, các nước như Myanmar, Campuchia đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm trong thu hút FDI.

Ông Đạt nhận định, trong bối cảnh mới, lợi thế về chi phí trong thu hút FDI sẽ dần mất đi là điều đương nhiên. Do đó, Việt Nam cần có cơ chế thu hút FDI thế hệ mới, với kỹ năng lao động và quản trị tốt hơn, lương cao hơn, chất lượng cao hơn. 

Bên cạnh đó, thế hệ mới của FDI cần ưu tiên các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, lao động chất lượng cao, tập trung vào nghiên cứu phát triển, mang lại giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cần thu hút các tập đoàn đa quốc gia “xây tổ”, chuyển tư duy thu hút đầu tư theo quy mô vốn sang dựa vào hiệu quả giá trị gia tăng của dòng vốn đầu tư.

"Chúng ta phải hướng tới việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số để tất cả các thành phần kinh tế đều được hưởng lợi. Đồng thời cần có chính sách cụ thể để liên kết FDI với khối doanh nghiệp trong nước", ông Đạt cho biết.

Trong khi đó, ông Bùi Sỹ Tân, Phó tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Vietcombank nhìn nhận, Samsung đã làm rất tốt vai trò cú hích, là động lực để thị trường phát triển theo hướng hiện đại.

Hiện nay, ngày càng có nhiều dự án quy mô lớn như thép Formosa, lọc dầu Nghi Sơn, và sắp tới là khu liên hợp thép Hòa Phát – Dung Quất đi vào hoạt động, và tỷ trọng đóng góp của Samsung hiện nay chỉ chưa đến 0.4 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam.

“Dưới góc nhìn như vậy, chúng tôi ủng hộ sự ưu đãi kêu gọi vốn của các địa phương cho doanh nghiệp FDI, và theo quan điểm của chúng tôi, trong vòng ít nhất 5-10 năm tới, doanh nghiệp FDI vẫn sẽ là động lực cùng các doanh nghiệp lớn của Việt Nam”, ông Tân dự báo.