Sân bay Quảng Trị được đầu tư 5.800 tỷ đồng theo hình thức PPP

Nhật Hạ - 11:57, 21/12/2021

TheLEADERSân bay Quảng Trị dự kiến có công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm, được xây dựng tại các xã Gio Quang, xã Gio Hải và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Sân bay Quảng Trị được đầu tư 5.800 tỷ đồng theo hình thức PPP
Một phương án thiết kế sân bay Quảng Trị được tư vấn của TEDI.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 2148/QĐ-TTg chấp thuận đầu tư sân bay Quảng Trị, tổng vốn dự kiến gần 5.820 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dự án là UBND tỉnh Quảng Trị. Nhà đầu tư đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay Quảng Trị là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T.

Sân bay Quảng Trị được xây dựng tại các xã Gio Quang, xã Gio Hải và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, dự kiến nhu cầu sử dụng đất hơn 265ha.

Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, xã hội…

Được biết, theo quy hoạch, sân bay Quảng Trị sẽ đạt cấp 4C theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO và là sân bay quân sự cấp II, công suất một triệu hành khách và 3.100 tấn hàng hóa mỗi năm. Loại tàu bay khai thác là code C hoặc tương đương, với 5 vị trí đỗ tàu bay.

Dự kiến, quy mô đầu tư sẽ được chia thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư cho cả 2 giai đoạn là 5.822,9 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng các công trình cơ bản của sân bay Quảng Trị đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II theo quy hoạch, và đạt công suất theo dự báo khai thác của sân bay đạt khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042.

Mức đầu tư cho giai đoạn này dự kiến là 2.909,3 tỷ đồng, bao gồm vốn nhà đầu tư là 2.829,6 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 1.080,1 tỷ đồng, vốn vay tín dụng là 1.749,5 tỷ đồng) và vốn ngân sách Nhà nước là 79,7 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 sẽ đsầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất tại cảng hàng không năm 2029; mở rộng nhà ga hành khách năm 2047 đảm bảo khai thác đến 5 triệu hành khách; mở rộng nhà ga hàng hóa đợt 1 năm 2043 với công suất khai thác khoảng 13.700 tấn/năm, đợt 2 năm 2059 với công suất khai thác khoảng 25.500 tấn/năm. Đồng thời, xây dựng các văn phòng cơ quan nhà nước và các công trình dịch vụ hàng không và phi hàng không phù hợp với quy hoạch.

Mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 2 là 2.909,3 tỷ đồng, bao gồm vốn nhà đầu tư là 2.829,6 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 1.080,1 tỷ đồng, vốn vay tín dụng là 1.749,5 tỷ đồng) và vốn ngân sách Nhà nước là 79,7 tỷ đồng.

Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 50 năm. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 4 tháng.

Về sự cần thiết đầu tư, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư mới đây, UBND tỉnh cho biết sân bay Quảng Trị là một trong 28 sân bay cả nước nằm trong quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2018. Mức độ quan trọng đứng 24 trong 28 sân bay được quy hoạch. Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch đầu năm 2021.

Năm 2020, tỉnh đón 2 triệu lượt khách, tập trung ở các điểm du lịch tâm linh như Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9, thành cổ Quảng Trị, thánh địa La Vang...

Hiện nay, 2 sân bay gần Quảng Trị nhất là Đồng Hới (Quảng Bình) và Phú Bài (Thừa Thiên Huế), cùng cách vị trí dự kiến xây dựng của sân bay Quảng trị gần 100 km. Cả hai sân bay này nằm sát quốc lộ 1A, nối với tỉnh Quảng Trị.

Thời gian gần đây, Quảng Trị đang thu hút mạnh các dự án đầu tư lớn như các dự án điện gió, điện mặt trời...và đã nhận được sự quan tâm của nhiều “ông lớn” như Tập đoàn Sembcorp (Singapore), Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp TNHH MTV Becamex IDC, Tập đoàn Phát điện Thái Lan (EGAT), Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan, Tập đoàn Kinder World (Singapore)... 

Tại kỳ họp HĐND ngày 7/12, lãnh đạo tỉnh Quảng trị cho biết năm 2021, mặc dù đối mặt với dịch bệnh, cộng thêm khắc phục hậu quả thiên tai nặng nề nhưng kinh tế tỉnh Quảng Trị vẫn từng bước phục hồi và phát triển, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng cao so với năm 2020. Ước thực hiện cả năm toàn tỉnh hoàn thành 21/24 chỉ tiêu, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tính tăng 6,5% so với năm 2020; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.080 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu tăng rất cao ước đạt 1.400 tỷ đồng và đạt mức cao nhất so với các năm gần đây, GRDP thu nhập bình quân đầu quân ước tính đạt 57,5 triệu đồng.

Trước đó, cuối tháng 11/2021, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có kế hoạch khôi phục lại tất cả hoạt động du lịch từ tháng 1/2022.