Siêu lợi nhuận từ mảng kinh doanh mới của Hà Đô

Trần Anh - 14:37, 28/11/2019

TheLEADERGiai đoạn 2016 - 2018, biên lợi nhuận gộp mảng năng lượng ở mức 65-75%, cao vượt trội so với 2 mảng truyền thống là bất động sản và xây dựng.

Xuất phát từ công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, những năm gần đây Tập đoàn Hà Đô đã phát triển thành tập đoàn đa ngành với 3 mảng trụ cột là bất động sản, xây lắp và năng lượng.

Trong 9 tháng đầu năm nay, Hà Đô ghi nhận doanh thu 3.118 tỷ tăng trưởng 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 795 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần. Chỉ sau 9 tháng, Hà Đô đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Bất động sản và năng lượng là 2 lĩnh vực đóng góp lợi nhuận lớn nhất trong cơ cấu của Hà Đô. Trong lĩnh vực bất động sản, các dự án Hà Đô đã triển khai thường có quy mô vừa phải, nhắm vào phân khúc trung cấp, hướng tới nhu cầu ở thật tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Các dự án triển khai trong giai đoạn trước thường xây dựng trên các khu đất có nguồn gốc quốc phòng và được tích lũy trong giai đoạn dài nên giá vốn đất thấp. Đây chính là một yếu tố giúp công ty duy trì được biên lợi nhuận gộp mảng bất động sản ở mức cao, bình quân 31% trong giai đoạn 2013-2018.

Giai đoạn 2016 - 2018, Hà Đô mở bán dự án Hado Centrosa, dự án khu đô thị quy mô lớn đầu tiên của công ty, có tổng diện tích 6,85ha gồm 115 căn liền kề và 2.187 căn hộ cao tầng. Doanh thu từ dự án ước trên 10.000 tỷ đồng, được ghi nhận từ 2017 (phần thấp tầng) đến 2020 (phần căn hộ cao tầng).

Trong những năm tới, chiến lược mở rộng quỹ đất trong thời gian tới của Hà Đô là thông qua hoạt động M&A, bám sát quy hoạch hạ tầng giao thông tại các thành phố lớn. Quỹ đất tính đến thời điểm hiện tại của công ty lên tới 124 ha, và công ty đã đặt kế hoạch triển khai quỹ đất trên trong giai đoan 2019- 2023, trung bình 13 ha/năm. 

Dù có quỹ khá lớn, song nhược điểm của các dự án Hà Đô đó là khá phân tán nên không thể triển khai các dự án quy mô. Bên cạnh đó, lợi thế quỹ đất giá vốn rẻ nguồn gốc bộ quốc phòng cũng sẽ suy giảm dần khi chi phí phát triển trong giai đoạn gần đây đã cao hơn nhiều so với trước.

Dự kiến doanh thu và lợi nhuận bất động sản sau năm 2020 chủ yếu đến từ các dự án đang và sẽ được triển khai trong 2020 như Hado Charm Villas (Dragon City), Noongtha Central Park (Lào) và Hado Greenlane.

Trong khi mảng bất động sản được duy trì, những năm gần đây Hà Đô tập trung sang phát triển lĩnh vực năng lượng. Công ty bắt đầu hợp nhất mảng năng lượng từ năm 2016 sau khi nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Za Hưng từ 37% lên 52%. Năm 2019, tổng công suất phát điện của Hà Đô đạt 159 MW, trong đó 119 MW thủy điện và 40 MW điện mặt trời.

Đáng chú ý, dù đóng góp tỷ trọng doanh thu không lớn, mảng năng lượng của Hà Đô có tỷ suất lợi nhuận rất cao. Biên lợi nhuận gộp mảng này ở mức 65-75% trong giai đoạn 2016- 2018, cao vượt trội so với 2 mảng truyền thống là bất động sản và xây dựng.

Siêu lợi nhuận từ mảng kinh doanh mới của Hà Đô
Dự án điện mặt trời Hồng Phong 4

Các nhà máy điện của Hà Đô có tỷ suất sinh lời cao nhờ các nhà máy thủy điện đều được hưởng biểu giá chi phí tránh được áp dụng cho các thủy điện nhỏ (công suất dưới 30MW) và cụm thủy điện bậc thang có tổng công suất dưới 60 MW (có nhà máy đầu tiên vận hành công suất dưới 30MW).

Tương tự, dự án điện mặt trời Hồng Phong 4 của Hà Đô phát điện thương mại từ 4/6/2019 nên được hưởng giá bán điện cao, ở mức 9.35 cents/ kWh trong suốt vòng đời 20 năm của dự án.

Thậm chí, trong tương lai, biên lợi nhuận gộp của các dự án điện sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa, có thể lên mức 75 -80% nhờ các nhà máy thủy điện sẽ dần cải thiện lợi nhuận khi các nhà máy dần khấu hao và trả hết nợ vay, trong khi giá đầu ra vẫn theo biểu giá chi phí tránh được có xu hướng tăng dần theo thời gian.

Sau khi dự án Sông Tranh 4 và Đăk Mi 2 đi vào hoạt động ổn định từ 2021, tổng công suất phát điện của Hà Đô có thể tăng từ 159 MW lên khoảng 353 MW. Hai dự án thủy điện đang xây dựng dự báo sẽ sinh lời tốt, sau khi đi vào vận hành do nhờ chi phí thấp nên được ưu tiên huy động trên thị trường phát điện cạnh tranh và giá mua điện được dự báo tăng do tình trạng thiếu hụt điện trong giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Hà Đô còn đang nghiên cứu đánh giá một số dự án năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2020-2021, tổng mức đầu tư kế hoạch gần 12.000 tỷ, bao gồm dự án điện mặt trời Bắc Ái (Ninh Thuận) 120 MW; điện gió: Ea H’leo (Đắk Lắk) 57 MW, dự án 7A (Ninh Thuận) 50 MW, Hàm Kiệm (Bình Thuận) 15MW, Tiến Thành (Bình Thuận) 20 MW, dự án số 13 (Sóc Trăng) 42 MW.

Việc triển khai hàng loạt dự án mới trong lĩnh vực bất động sản và năng lượng cũng tạo ra áp lực nguồn vốn lớn cho Hà Đô. Từ đầu năm đến nay, công ty đã tiến hành nhiều đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Gần đây nhất, công ty đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền.

Trái phiếu trong đợt này có kỳ hạn 3 năm, lãi suất coupon tối đa 6%/năm và lãi suất trong trường hợp trái chủ không thực hiện chứng quyền khi trái phiếu đáo hạn là đối đa 11%/năm.

Số tiền thu về sẽ phân bổ 300 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án thủy điện Đăk Mi 2 thuộc sở hữu Công ty Năng lượng Agrita – Quảng Nam, 200 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh.Trước đó, Hà Đô cũng đã phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu thường với lãi suất trung bình 10,8%.