Sóng dự án tại Lạng Sơn

Nguyễn Cảnh - 11:18, 25/02/2022

TheLEADERNhiều nhà đầu tư tiếp tục đề xuất các dự án đô thị nghỉ dưỡng, sân golf, cụm công nghiệp, năng lượng tái tạo tại tỉnh Lạng Sơn.

Sóng dự án tại Lạng Sơn
Sức hút đầu tư vào các mảng công nghiệp, năng lượng, đô thị nghỉ dưỡng... của Lạng Sơn đang ngày càng rõ nét

Tháng 2/2022, Công ty CP Dịch vụ và đầu tư bất động sản Midland đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn được tài trợ lập quy hoạch chi tiết 1/500 tổ hợp dịch vụ và sân golf Hồ Sơn (huyện Hữu Lũng). Với diện tích khoảng 90ha, 18 lỗ golf, dự án đặt tại xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng, có vị trí giáp ranh đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.

Trước đó, Midland cũng đưa ra đề xuất tương tự đối với tổ hợp dịch vụ và sân golf Hòa Thắng tại huyện Hữu Lũng. Quy mô dự án khoảng 90ha với 18 lỗ golf. Với cả 2 dự án, Midland đều cam kết tài trợ lập quy hoạch mà không yêu cầu bồi hoàn kinh phí trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đặt trụ sở tại Hà Nội, Midland có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do ông Nguyễn Văn Công làm tổng giám đốc.

Một trường hợp khác, Công ty CP đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) đề nghị tỉnh Lạng Sơn cho phép nghiên cứu đầu tư, tài trợ quy hoạch dự án Tổ hợp khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ thể thao Intracom – Lạng Sơn. Địa điểm tại xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng, dự án có quy mô khoảng 200ha.

Hoạt động trong các lĩnh vực: đầu tư – kinh doanh bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng, điện, y tế, tài chính, nông nghiệp và dược liệu…, Intracom cho biết ở lĩnh vực nào cũng mang lại hiệu quả. Điển hình một số dự án được cho là thành công của Intracom gồm: dự án nhà ở cao tầng kết hợp văn phòng Intracom Riverside (3 tòa tháp 39 tầng tại Hà Nội), Intracom 1, 2, khu du lịch nghỉ dưỡng Delverton (100ha, tại Bình Thuận), khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Bản Nầng tại Lạng Sơn (120ha)…

Sức hút đầu tư của lĩnh vực công nghiệp cũng thể hiện rõ ràng ngay từ trong năm 2021 lẫn những ngày đầu năm 2022, khi đón nhận hàng loạt đề xuất của nhà đầu tư.

Điển hình, là trường hợp liên quan tới các cụm công nghiệp tại huyện Hữu Lũng. Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường An (gọi tắt là Công ty Trường An) đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch và làm chủ đầu tư dự án 2 cụm công nghiệp (Hồ Sơn 1, Hồ Sơn 2) quy mô khoảng 150ha (tại các xã Cai Kinh, Tân Thành và Hồ Sơn thuộc huyện Hữu Lũng).

Tại xã Tân Thành cũng ghi nhận quan tâm của Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ khi đưa ra đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch và đầu tư dự án cụm công nghiệp số 1, số 2 (quy mô khoảng 149ha)

Trước đó ít lâu, cũng tại huyện Hữu Lũng, Công ty CP lương thực vật tư nông nghiệp Nghệ An (vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An nắm 97,27%) gửi văn bản đăng ký làm chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Minh Sơn (khoảng 55ha, tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng).

Ở mảng năng lượng tái tạo, bên cạnh một số thương hiệu lớn đã ngỏ lời với tỉnh về đầu tư, lập quy hoạch (như Sovico, T&T group, Trungnam group, Hà Đô, Sử Pán 1, Công ty CP đầu tư EMI…), mới đây tiếp tục ghi nhận thêm các doanh nghiệp đặt vấn đề phát triển điện sinh khối tại địa phương.

Điển hình, Công ty CP Kiều Thi xin đầu tư dự án điện sinh khối 30-50MW và làm chủ đầu tư Cụm công nghiệp Hòa Sơn 3 tại xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng. Công ty Kiều Thi cho biết, nguồn nguyên liệu đầu vào của dự án điện sinh khối có khả thi với các địa phương lân cận như Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội (với các nhà máy gỗ, bao bì).

Công ty CP Kiều Thi khẳng định, nếu được giao đầu tư cụm công nghiệp Hòa Sơn 3, doanh nghiệp sẽ triển khai ngay các hạng mục công trình và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nước ngoài đang có sẵn tìm địa điểm đầu tư trong thời gian gần đây, và đề xuất mở rộng lên diện tích 50ha trong giai đoạn tiếp theo.

Trước đó, Công ty CP Kiều Thi đã đề xuất dự án điện gió 228MW nhưng các vị trí đề xuất đều không khả thi.

Tương tự, là đề nghị chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư dự án điện sinh khối tại huyện Đình Lập của Công ty CP nhựa đường Dầu khí Việt Nam.

Với diện tích khoảng 10ha, dự án hướng tới xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhà máy điện sinh khối công suất 30MW, sản lượng điện hàng năm khoảng 160 triệu kWh. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 950 tỷ đồng, trong đó chủ đầu tư dự kiến vay ngân hàng 70%.