Thách thức của tân tổng giám đốc MB

Trần Anh - 08:00, 29/05/2023

TheLEADERNăm 2023, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 26.100 tỷ đồng, mức cao nhất trong số các ngân hàng tư nhân. Mặc dù vậy, thử thách đặt ra cho tân tổng giám đốc Phạm Như Ánh không hề nhỏ.

Thách thức của tân tổng giám đốc MB
Ông Phạm Như Ánh trở thành tân Tổng giám đốc MB kể từ ngày 18/5.

Ngày 18/5 vừa qua, ông Phạm Như Ánh – Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành chính thức được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Đây là quyết định đã được thông qua tại ĐHCĐ của MB diễn ra hồi tháng 4. Theo công bố của ngân hàng, ông Phạm Như Ánh có 20 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng và đã làm việc tại MB hơn 15 năm. Dưới sự điều hành của ông trong giai đoạn 2019-2020, Khối ngân hàng doanh nghiệp và tổ chức (CIB) luôn là khối kinh doanh dẫn đầu về kết quả và hiệu quả hoạt động, hoàn thành vượt mức kế hoạch, mang lại nhiều thành tích cho MB.

Năm 2023, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 26.100 tỷ đồng, mức cao nhất trong số các ngân hàng cổ phần tư nhân. Mặc dù vậy, thử thách đặt ra cho tân tổng giám đốc MB không hề nhỏ. 

Những khó khăn chung của nền kinh tế cũng tác động đáng kể tới kết quả kinh doanh của ngân hàng. Báo cáo quý 1/2023 của MB cho thấy thu nhập lãi ròng đạt 10,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ NIM trên tổng tài sản bình quân lại giảm 0,15% xuống còn 5,49%.

Đáng chú ý, ngân hàng cho thấy dấu hiệu suy giảm về chất lượng tài sản. Tại thời điểm 31/3, tổng nợ xấu của MB là 8.452 tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh, riêng nợ nhóm 5 giảm.

Tỷ lệ nợ xấu của MB tại thời điểm cuối tháng 3/2023 là 1,75%, tăng khá mạnh so với mức 1,09% cuối năm ngoái. Nợ xấu tại MB có nguy cơ còn gia tăng do tỷ lệ nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đang tăng rất nhanh, gấp 2,1 lần cuối năm ngoái, lên mức 16.675 tỷ đồng.

Trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng trong khi trích lập dự phòng không tăng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm còn 138%, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng là vấn đề lớn tại MB khi đây là một trong những nhà băng “ôm” nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất

Tính đến cuối quý 1/2023, MB còn dư nợ 42.341 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 1.237 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Tại ĐHĐCĐ tổ chức đầu tuần này, nhiều cổ đông lo ngại về chất lượng dư nợ cũng như rủi ro của việc ngân hàng nắm giữ quá nhiều trái phiếu. Các cổ đông yêu cầu HĐQT ngân hàng chỉ rõ quy mô cho vay và trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam là bao nhiêu trong bối cảnh các nhà phát hành này đang có vấn đề về năng lực trả nợ.

Trả lời cổ đồng thời điểm đó, chính ông Phạm Như Ánh, khi đó còn giữ chức Phó tổng giám đốc MB cho biết các khoản cho vay bất động sản phục vụ mục đích kinh doanh chiếm 7,8% dư nợ cho vay và sẽ kiểm soát tỷ lệ này ở mức khoảng 8%.

Với Hưng Thịnh, MB không cho vay dự án không sở hữu trái phiếu, có dư nợ về lĩnh vực xây lắp nhưng không nhiều. Về phía Trung Nam, dư nợ của doanh nghiệp này đang được trả nợ đầy đủ. Do đó, sẽ không có nợ xấu trong thời gian tiếp theo.

Riêng với Novaland, MB khẳng định đây vẫn là đối tác cho vay bất động sản lớn của ngân hàng. Hiện tại, MB có cho vay và phát hành trái phiếu cho Novaland. Tuy nhiên, MB quản lý đánh giá dự án cụ thể, tính đến hiện tại số dư trái phiếu doanh nghiệp của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như số đầu năm.

Thực tế MB vẫn là một trong 4 chủ nợ lớn nhất của Novaland. Tính tới cuối quý 1/2023, tổng dư nợ tín dụng của MB cho Novaland gần 8.000 tỷ đồng (giảm 16% so với quý 4/2022), mức này tương đương 1% tổng tài sản của MB.

Dù chiếm tỷ trọng lớn, trong kế hoạch năm 2023 của MB dự kiến sẽ không có bất kỳ khoản nợ xấu nào phát sinh từ những đối tác lớn trên trong năm nay, do đại diện ngân hàng rằng vấn đề lớn nhất trong mảng bất động sản là pháp lý chứ không phải năng lực tài chính của các chủ đầu tư và Chính phủ đang nỗ lực giải quyết vấn đề này.

Một bài toán khác mà MB đang phải đối mặt đó là CASA suy giảm. Tỷ lệ CASA của MB đã giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, còn 35,5% vào cuối quý 1/2023. Dù giảm CASA là vấn đề chung của toàn ngành ngân hàng do hệ quả của chính sách tăng lãi suất và MB vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ CASA lớn nhất hệ thống, việc tỷ lệ này giảm đồng nghĩa với việc nhà băng phải đối mặt với chi phí huy động cao hơn.

Đây cũng là một lý do quan trọng để MB lựa chọn chiến lược cá nhân hóa và số hóa sản phẩm tài chính, với mục tiêu đẩy mạnh bán lẻ, thu hút khách hàng cá nhân và củng cố tỷ lệ CASA của ngân hàng.

Một số bài toán khác mà MB phải đối mặt, bao gồm hoạt động của công ty con cho vay tiêu dùng MCredit và việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại để hỗ trợ tái cấu trúc. Các cổ đồng e ngại việc nhận chuyển giao bắt buộc sẽ kéo lùi hoạt động của MB, tương tự như những gì xảy ra tại Sacombank trước đây.

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, các công ty phân tích vẫn đánh giá khá tích cực về MB. Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng MB vẫn là một trong những ngân hàng hiệu quả nhất Việt Nam. Thống kê cho thấy kết quả kinh doanh của MB thường vượt kế hoạch. Trong 5 năm qua, lợi nhuận trước thuế trung bình của MB cao hơn 15% so với kế hoạch đề ra tại ĐHCĐ.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đánh giá với việc nắm giữ lượng lớn trái phiếu của Novaland sẽ tác động đến MB trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2023 và những chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản sẽ mang lại tác động tích cực đến MB.

Trong dài hạn, PHS kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng nhờ: Tận dụng lợi thế phát triển hoạt động kinh doanh từ những cổ động chiến lược; quá trình chuyển đổi số hỗ trợ ngân hàng gia tăng lợi thế cạnh tranh và nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém giúp MB tiếp cận được với nguồn vốn rẻ.