Tháo 'vòng kim cô' kìm hãm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Hứa Phương - 08:46, 07/05/2019

TheLEADERVùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại do những điểm nghẽn như cơ chế liên kết và sự kết nối về hạ tầng giao thông...

Thiếu cơ chế và hạ tầng kết nối giao thông

Ngày 6/5, tại Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm tám tỉnh, thành phố: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước. Tuy diện tích chỉ chiếm 9,2% và dân số chiếm 21% của cả nước nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng chiếm hơn 45% GDP, đóng góp trên 42% tổng thu ngân sách.

Cụ thể, tổng GRDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2018 đạt khoảng 2,517 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm, thời kỳ 2016-2018, đạt khoảng 6,72%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 6.407 USD/người năm 2018, gấp 2,48 lần so bình quân cả nước, thu ngân sách năm 2018 đạt khoảng 608 nghìn tỷ đồng.

Gỡ điểm nghẽn cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam
Hạ tầng giao thông đang là một trong những điểm nghẽn hạn chế sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam

Tuy nhiên, theo đánh giá, tốc độ tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bắt đầu có xu hướng chậm dần, tỷ trọng tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ giảm dần theo từng năm, trong công nghiệp chưa có thêm các sản phẩm mới có hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao.

TS. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Kinh tế TP. HCM cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang thiếu cơ chế và vấn đề kết nối giao thông. Để vùng trở thành cực tăng trưởng của cả nước cần có một đơn vị điều phối, vì thời gian qua Bộ Kế hoạch và đầu tư kiêm nhiệm chưa giải quyết được vấn đề liên kết vùng. Đối với hạ tầng giao thông, cần xem là khâu đột phá và cần có quyết tâm chính trị cao mới thực hiện được.

Đồng quan điểm, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, không nên nhìn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ở phương diện đóng góp vào GRDP hay thu ngân sách vì sẽ không giải quyết được vấn đề hiện nay. Ông Thiên đề xuất, Chính phủ nên có chiến lược dài hạn và thể chế hiến định, các địa phương cần được giao quyền lực, trước mắt, cần phân cấp, phân quyền cho địa phương để chủ động, sáng tạo trong điều hành. Song song với những việc trên cần lập tổ tư vấn và liên kết vùng về mặt doanh nghiệp.

Theo Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề bức thiết hiện nay là kết nối hạ tầng giao thông và logistics, ngoài ra, cần tăng cường liên kết về giáo dục đào tạo, y tế, tài chính, cung cấp nước sạch, chế biến nông sản và phát triển công nghiệp hỗ trợ trong vùng. Về cơ chế, ông Nhân kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện các quy hoạch vùng, rà soát lại tiêu chí phân bổ ngân sách cho vùng vì điều tiết ngân sách hiện nay cho vùng khoảng 15% nhưng đóng góp tới 45%.

Trong khi đó, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai cũng cho biết cần điều tiết ngân sách trở lại theo hướng tăng cho các địa phương trong vùng vì dân số cơ học của khu vực tăng rất nhanh, đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội khó đáp ứng với tỷ lệ hiện nay.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang đối mặt với rủi ro suy giảm và duy trì vai trò đầu tàu tăng trưởng, nhất là bảo đảm tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn. Để làm được yêu cầu này, sự cố gắng của từng địa phương trong vùng vẫn chưa đủ, phải có hành động tập thể là liên kết vùng.

“Qua thực tiễn khảo sát ở các địa phương, tỉnh Đồng Nai sốt ruột muốn đầu tư kết nối hạ tầng với TP. HCM nhưng TP. HCM thì thấy bình thường. Tỉnh Bình Dương lại cũng sốt ruột muốn kết nối với Đồng Nai nhưng Đồng Nai thấy chưa quan trọng”, Phó thủ tướng dẫn chứng thực tế bất cập trong đầu tư hạ tầng vùng và yêu cầu Hội đồng vùng phải ngồi lại sắp xếp thành danh mục các dự án ưu tiên, mang tính liên kết vùng. Trên cơ sở danh mục này, Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ bố trí vốn dự phòng của đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và bổ sung nguồn trong giai đoạn đầu tư công sắp tới để đầu tư.

Đối với trách nhiệm của doanh nghiệp trong liên kết vùng, Phó thủ tướng nêu rõ trên cơ sở quy hoạch, doanh nghiệp và người dân tạo dựng chuỗi sản xuất theo giá trị. “Đây là việc doanh nghiệp phải làm, Nhà nước không làm được”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là vùng kinh tế năng động bậc nhất của cả nước. Con số rất rõ ràng, nhất là thu ngân sách, giải quyết lao động, thu nhập bình quân đầu người... đều đứng đầu cả nước.

Cơ cấu của vùng tiếp tục diễn tiến tích cực ở các ngành dịch vụ có lợi thế, tạo ra giá trị gia tăng cao, giảm ô nhiễm, vấn nạn xã hội, sản lượng nông nghiệp ngày càng tăng mà lao động trong nông nghiệp giảm. Đây cũng là vùng thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.

Gỡ điểm nghẽn cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển

Sự năng động của đội ngũ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm đã khiến cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là vùng khởi động, thử nghiệm những mô hình mới như chính quyền điện tử, mô hình dịch vụ công, dịch vụ một cửa đầu tiên của cả nước.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra rằng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn nhiều lợi thế, nhưng chưa tận dụng hết nên đang có xu hướng phát triển chậm lại. Nguyên nhân khiến tăng trưởng của vùng có xu hướng chậm lại có thể kể đến như biến đổi khí hậu, môi trường, thời tiết phức tạp…

Ngoài ra cũng phải nói đến cơ chế chính sách chưa được hoàn thiện cho vùng, sự liên kết vùng còn manh mún, mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau. Là vùng kinh tế động lực nhưng chỉ số PCI chưa cao, cơ chế tổ chức và điều hành còn bất cập, chưa khoa học và hợp lý; chưa xây dựng được kế hoạch phát triển chung cho vùng, chưa hình thành cơ chế phối hợp ngành chỉ dừng ở tự phát. Vùng hiện nay phát triển là do nỗ lực từng tỉnh, thành phố mà chưa có sự nỗ lực chung.

"Để phát triển kinh tế vùng, các địa phương cần phối hợp, tận dụng cách mạng 4.0 để nâng cao tay nghề lao động, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất đặc biệt tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo cần tập trung thực hiện đúng tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án trọng điểm của đất nước, nhất là dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phải được khởi công vào cuối năm 2020 và khánh thành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ để kết nối các tỉnh miền Tây với các tỉnh miền Đông.

“Về Ban điều hành vùng, tôi cho rằng phải có tổ chuyên viên, còn chỉ đạo thì có thể Phó Thủ tướng hoặc Thủ tướng, Chính phủ sẽ bàn lại vấn đề này”, Thủ tướng cho biết.

Riêng các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong vùng, đừng để tình trạng trình lên một năm… chưa giải quyết, làm thế thì không thúc đẩy được phát triển.

Đối với những kiến nghị còn lại của các bộ ngành, địa phương và “hiến kế” của các chuyên gia kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.