Thế giới cận kề 'bão giá' lương thực

Phương Anh - 09:21, 07/05/2022

TheLEADERThất bại trong cải cách hệ thống lương thực được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng giữa bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine.

Phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu lương thực và đầu cơ hàng hóa quá mức khiến cuộc khủng hoảng giá lương thực toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn kể từ khi nổ ra chiến sự tại Ukraine.

Hai điểm yếu cơ bản này này đã không được xử lý sau khi giá lương thực từng tăng đột biến vào giai đoạn 2007 – 2008.

Cụ thể, sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, thế giới ghi nhận mức giá lương thực cao nhất mọi thời đại vào tháng 3/2022, ảnh hưởng nặng nề đến một số quốc gia đang bị mất an ninh lương thực.

Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp quốc (FFPI) đạt trung bình gần 160 điểm trong tháng 3/2022, tăng tới gần 13% so với tháng 2, thiết lập ngưỡng cao kỷ lục.

Theo Uỷ ban quốc tế Các chuyên gia về lương thực bền vững (IPES-Food), sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực là một trong những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng an ninh lương thực đang gia tăng.

Theo đó, sự đa dạng trong chế độ ăn uống trên toàn cầu đã giảm trong nhiều thập kỷ, các loại cây trồng chuyên để xuất khẩu được phát triển rộng rãi, và một số quốc gia hiện phụ thuộc 100% vào nhập khẩu lương thực chính.

Hệ thống sản xuất khó đổi mới cũng là yếu tố đáng chú ý. Sự chuyên biệt hóa quá mức về mặt địa lý, sự ưu đãi của thương nhân và chính phủ đối với cây lương thực hàng hoá và nhiên liệu sinh học, cũng như sự phụ thuộc vào phân bón tổng hợp đều kìm hãm khả năng đa dạng hóa sản xuất lương thực và chuyển đổi phương thức sản xuất lương thực của người nông dân.

Ngoài ra, thị trường suy giảm và đầu cơ, cùng với vòng luẩn quẩn của xung đột, biến đổi khí hậu, đói nghèo và mất an ninh lương thực cũng góp phần gia tăng khủng hoảng.

Các chuyên gia cảnh báo những phản ứng thiển cận đối với cuộc khủng hoảng – như đình chỉ các quy định về môi trường, tăng cường sản xuất lương thực hướng công nghiệp, và thúc đẩy hơn nữa nền nông nghiệp phụ thuộc vào phân bón theo định hướng xuất khẩu – sẽ khiến xu hướng hiện nay trầm trọng thêm.

Thay vào đó, nhóm chuyên gia kêu gọi cần hành động khẩn cấp nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính và xóa nợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương, ngăn chặn tình trạng đầu cơ hàng hóa quá mức và nâng cao tính minh bạch của thị trường.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống dự trữ ngũ cốc theo khu vực, đa dạng hóa sản xuất lương thực và cơ cấu lại dòng chảy thương mại, giảm lượng nhiên liệu sinh học, số lượng vật nuôi và sự phụ thuộc vào phân bón cũng như năng lượng hóa thạch trong sản xuất lương thực.

Ông Olivier De Schutter, đồng chủ tịch IPES-Food, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc về đói nghèo và nhân quyền, nhận định việc tiếp tục dựa vào một số lượng hàng hoá lương thực và các quốc gia để cung cấp lương thực cho toàn thế giới, kết hợp với việc các nhà tài đầu tư tài chính đánh cược vào lương thực, là một công thức dẫn đến thảm họa.

“Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng lần này sẽ khác. Làm cho hệ thống lương thực trở nên linh hoạt, đa dạng và ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch sẽ giúp đảm bảo rằng cú sốc tiếp theo – cho dù do xung đột hay biến đổi khí hậu – cũng không gây ra một cuộc khủng hoảng khác”, ông nhấn mạnh.

Jennifer Clapp, chuyên gia IPES-Food, cho biết nhiều bằng chứng cho thấy các nhà đầu cơ tài chính đang nhảy vào đầu tư hàng hóa và đánh cược vào tăng giá lương thực, và điều này đang đẩy những người nghèo nhất trên thế giới vào tình trạng đói kém hơn.

Các chính phủ cần giải quyết khẩn trương việc đầu cơ quá mức và đảm bảo tính minh bạch của các kho dự trữ lương thực cũng như thị trường hàng hóa.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Thế giới dự báo giá lương thực có thể tăng gần 23% trong năm nay, trước khi giảm khoảng 10% vào năm sau. Một phần nguyên nhân bởi căng thẳng quân sự tại Ukraine, cũng như bởi nguồn cung gián đoạn trong khi nhu cầu tiêu dùng đã quay trở lại hậu Covid-19.

Mặc dù nhiều nước đã tìm cách giảm thuế, tăng trợ cấp nhằm đối phó với bão giá, Ngân hàng Thế giới cho rằng các chính sách này chỉ giúp giảm nhiệt trong ngắn hạn. Trong khi đó, sự hỗ trợ từ chính phủ như vậy còn duy trì nhu cầu, từ đó có thể đẩy giá cả tiếp tục gia tăng.