Thêm nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh

Hoài An - 12:22, 12/05/2022

TheLEADERKhi nền kinh tế Việt Nam chuyển dịch dần sang lộ trình tăng trưởng xanh phát thải carbon thấp, và nỗ lực đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, IFC sẽ đẩy mạnh hỗ trợ chính phủ Việt Nam để tăng cường tài chính bền vững, và thúc đẩy sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ các mục tiêu khí hậu của quốc gia.

Với hai biên bản ghi nhớ vừa được ký kết với Bộ Tài nguyên và môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, IFC sẽ hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tài chính của khu vực kinh tế tư nhân đối với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững, và phát thải carbon thấp.

Các biên bản ghi nhớ đã được trao đổi giữa các bên ký kết tại Washington dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác đang diễn ra tại Mỹ.

Là cơ quan đầu mối thúc đẩy chương trình nghị sự COP26 của Việt Nam, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ làm việc cùng IFC nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực khí hậu.

Trên cơ sở hợp tác sẵn có trong việc phát triển bộ tiêu chí cho các dự án xanh, IFC sẽ tiếp tục hỗ trợ cơ quan này xây dựng và thực hiện khung chính sách, pháp luật. Các trọng tâm ban đầu bao gồm các lĩnh vực mua sắm xanh, hệ thống phân loại xanh, và quản lý chất thải, đặc biệt là tái chế nhựa và chất thải điện tử.

Thêm nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh
Trao đổi biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên và môi trường và IFC.

“Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên và môi trường và IFC đưa quan hệ hợp tác song phương lên một tầm cao mới. Việc tăng cường hợp tác giữa hai bên sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, và các vấn đề khác liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy các dòng vốn xanh và tăng cường vai trò của khu vực ngân hàng trong việc thực hiện các mục tiêu khí hậu của Việt Nam, trong 5 năm tới, IFC cũng sẽ mở rộng quy mô hỗ trợ cho chương trình quốc gia về tài chính bền vững do Ngân hàng Nhà nước chủ trì.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá các ngân hàng có vai trò quan trọng, hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thích ứng với khí hậu và phát thải carbon thấp, giúp huy động và phân bổ dòng vốn xanh.

Những nỗ lực của IFC nhằm cải thiện các thông lệ về môi trường, xã hội và quản trị của các định chế tài chính tại Việt Nam sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc xanh hóa ngành ngân hàng, khai thác tối đa tiềm năng của tài chính xanh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

IFC, hợp tác với Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO), sẽ hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước tiếp tục củng cố khung tài chính bền vững trong nhiều lĩnh vực, bao gồm rủi ro môi trường, xã hội và quản trị, quản lý rủi ro khí hậu, và các lĩnh vực khác.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng thương mại xây dựng năng lực phù hợp với các thông lệ quản trị và bền vững toàn cầu.

Thêm nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh 1
IFC sẽ mở rộng quy mô hỗ trợ cho chương trình quốc gia về tài chính bền vững do Ngân hàng Nhà nước chủ trì.

Theo bà Stephanie von Friedeburg, Phó chủ tịch điều hành cấp cao của IFC, đầu tư của khu vực tư nhân có vai trò thiết yếu đối với việc hoàn thành được các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Đối với Việt Nam, để đạt được mục tiêu kép trở thành nền kinh tế thu nhập cao và trung hòa carbon trong 30 năm tới, vai trò của đầu tư tư nhân càng trở nên quan trọng.

“IFC sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng các chính sách và cơ chế khuyến khích phù hợp sẽ kịp thời được ban hành để khơi thông nguồn tài chính này”, bà nhấn mạnh.

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và thuộc nhóm các nền kinh tế phát thải nhiều carbon nhất ở châu Á, chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đạt trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.

Hiện thực hóa mục tiêu này đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ trong 30 năm tới, trong khi nguồn lực của nhà nước chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn. 

Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam.

Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, Phó thủ tướng Lê Văn Thành là phó trưởng ban, thành viên là các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.

Cam kết và tham gia cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế tất yếu, đồng thời thể hiện quan điểm và chỉ đạo thống nhất của Đảng, của Bộ Chính trị về ứng phó với biến đổi khí hậu, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2021 – 2025, và hướng tới các mục tiêu cụ thể phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045.

Theo Thông báo số 30/TB-VPCP, đối với các thành viên ban chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu trong quý I/2022, chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, gửi Bộ Tài nguyên và môi trường để tổng hợp, xây dựng Đề án thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.