Thúc đẩy thị trường thẩm định giá

Nhật Hạ - 19:02, 10/06/2023

TheLEADERLuật Giá (sửa đổi) đang được xem xét và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra. Điều này sẽ mở ra những ‘chân trời mới’ cho thị trường thẩm định giá thời gian tới.

Trong giai đoạn 2018 – 2022, bối cảnh có những thuận lợi nhất định nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, bất trắc, rủi ro, đặc biệt là những hệ quả do đại dịch Covid-19 gây ra, khiến nhu cầu thẩm định giá giảm sút.

Từ đó, bộc lộ những bất cập trong nguồn lực, năng lực nội tại ở thị trường thẩm định giá. Không chỉ kém sôi động thời gian qua, thị trường còn bị ‘rung lắc’ theo những chiều hướng rất bất lợi tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá.

Tại Đại hội nhiệm kỳ IV (2023-2027) của Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) ngày 9/6, với sự tham dự của hàng trăm hội viên doanh nghiệp thẩm định giá, các thẩm định viên về giá và đại diện Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch VVA, nhận định mặc dù bối cảnh còn nhiều khó khăn, thời gian qua, các thành viên trong hội vẫn quyết tâm nỗ lực phấn đấu xây dựng VVA thành một tổ chức nghề nghiệp vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi của việc phát triển nghề nghiệp thẩm định giá và yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đó, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, VVA đã tích cực phát huy những thuận lợi, chủ động có những biện pháp khắc phục những khó khăn, chuyển hướng hoạt động của hội thích ứng với tình hình thực tế theo hướng đổi mới, đột phá. Do đó, mặc dù còn có những hạn chế, tồn tại nhất định những hội cũng đã đạt được những thành công toàn diện trên nhiều lĩnh vực, ông Thỏa nhấn mạnh.

Khuyến khích hoạt động thẩm định giá thời gian tới
Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch VVA tại đại hội. Ảnh: Hội VVA

Bên cạnh ghi nhận việc hoàn thành tốt các quy định của Điều lệ hội và các nhiệm vụ Bộ Tài chính giao thời gian qua, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá (thuộc Bộ Tài chính), cũng cho biết hội tiếp tục khẳng định và nâng cao được vị thế, uy tín của hội nghề nghiệp trong lĩnh vực giá và thẩm định giá.

Về phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ IV (2023-2027), Chủ tịch VVA nhấn mạnh, hội xác định tiếp tục hướng tới trở thành “cánh tay nối dài” của Bộ Tài chính trong quản lý hoạt động thẩm định giá và là cầu nối thiết thực có hiệu quả giữa doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá với cơ quan quản lý nhà nước và ngược lại.

Theo đó, để đạt được mục tiêu trên, ông Thỏa cho biết, trong nhiệm kỳ tới, VVA sẽ đề ra những phương hướng cụ thể như: tiếp tục tham mưu tư vấn phản biện chính sách về kinh tế, tài chính, giá cả với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cùng với cơ quan nhà nước tiếp tục xây dựng hoàn thiện môi trường pháp lý về thẩm định giá; tổ chức liên kết, đoàn kết hội viên, bảo vệ lợi ích cho hội viên và hỗ trợ hoạt động nghề nghiệp của các doanh nghiệp thẩm định giá và các thẩm định viên về giá; tổ chức tốt các công tác truyền thông, công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học thẩm định giá…

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết thời gian tới, nhiệm vụ mà Bộ Tài chính đặt ra cho hội là phải tiếp tục xây dựng, tổ chức quản lý hoạt động thẩm định giá với chất lượng và hiệu quả cao hơn đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Khuyến khích hoạt động thẩm định giá thời gian tới 1
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính tại đại hội

Ông Tiến nêu rõ một số vấn đề trọng tâm mà hội VVA cần quan tâm hơn. Thứ nhất, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện, hướng dẫn thi hành triển khai thực hiện Luật Giá, các văn bản hướng dẫn Luật Giá (sửa đổi) và hệ thống các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

Thứ hai, khuyến khích, giám sát hoạt động của các hội viên bằng các hình thức thích hợp nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về thẩm định giá, coi trọng và giữ gìn đạo đức hành nghề uy tín nghề nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ, hạn chế rủi ro…

Thứ ba, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính thường xuyên kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá, kiểm soát tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về thẩm định giá; đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về thẩm định giá; tuyên truyền chủ trương, chính sách, cơ chế điều hành giá và thẩm định giá của Nhà nước.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng hội phát triển vững mạnh, luôn luôn xứng đáng là “cánh tay nối dài” của Bộ Tài chính trong việc quản lý, theo dõi lĩnh vực thẩm định giá có hiệu quả hơn.

Khuyến khích hoạt động thẩm định giá thời gian tới 2
Đại hội biểu quyết bầu ban chấp hành Hội Thẩm định giá Việt Nam nhiệm kỳ IV (2023-2027).

Dựa trên những nhiệm vụ trên, Ban chấp hành Hội Thẩm định giá Việt Nam đã đặt ra hàng loại các phương hướng cần thực hiện trong nhiệm vụ IV tới. Cụ thể, tiếp tục chủ động và tích cực triển khai hoạt động tư vấn, phản biện chính sách; tham gia nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về thẩm định giá…

Bên cạnh đó, hội sẽ đưa các giải pháp thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, kiểm soát, đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá; liên kết các hội viên có hiệu quả hơn thông qua các hoạt động nghiên cứu chuyển giao khoa học về thẩm định giá; tổ chức nghiên cứu tọa đàm, trao đổi, hội thảo chuyển giao kinh nghiệm; đào tạo về kiến thức, nghiệp vụ và thực tiễn cung ứng dịch vụ trong thẩm định giá… Đánh giá, tập hợp những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá để cung cấp theo hướng ‘cảnh báo’ những rủi ro nghề nghiệp cho các hội viên tìm các giải pháp chấn chỉnh và kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật về thẩm định giá.

Đồng thời, hội sẽ hỗ trợ hoạt động của các hội viên - doanh nghiệp thẩm định giá – đạt mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước về doanh thu, lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế theo quy định. Phấn đấu chất lượng thẩm định giá qua kết quả kiểm tra, giám sát; đánh giá của Bộ Tài chính đạt từ 80 điểm trở lên. Không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về thẩm định giá, giảm thiểu các sai sót, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về kết quả thẩm định. Hội cam kết không để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ và chất lượng dịch vụ thẩm định giá.

Thời gian tới, VVA cũng chú trọng triển khai các kế hoạch hợp tác với Hiệp hội Thẩm định giá bất động sản Nhật Bản về việc “chuyển giao” các kinh nghiệm định giá đất hàng loạt của Nhật Bản và những tư vấn về định giá đất ở Việt Nam thông qua các hình thức: hội thảo, tổ chức khảo sát thực tế, trao đổi thông tin hai chiều…

Mặt khác, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế hoạt động của hội, đẩy mạnh hoạt động của các ban nghiệp vụ; nghiên cứu thành lập Ban hợp tác quốc tế; mở rộng các hình thức liên kết với các hội viên; động viên, khuyến khích các hội viên thi đua hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh…; phấn đấu mỗi năm kết nạp tối thiểu tăng thêm 10% hội viên là doanh nghiệp thẩm định giá và 10% hội viên là cá nhân.