Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp

Phương Anh - 12:18, 19/08/2023

TheLEADERCác giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến và phụ trợ còn khó áp dụng vì nhiều khó khăn.

Vai trò của tiết kiệm năng lượng

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá, các hoạt động tuyên truyền thay đổi thói quen và nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của người lao động, cũng như các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa sản xuất, và sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện hiệu suất cao, có thể tiết kiệm từ 20 – 40% lượng điện tiêu thụ, tùy quy mô và công nghệ trong khối doanh nghiệp sản xuất.

Việc đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nhận định này được lãnh đạo VCCI đưa ra tại hội thảo khởi động dự án "Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam" mới đây.

Tại hội thảo, ông Trần Hà Ninh, đại diện từ Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết, các giải pháp liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có thể kể đến là tăng cường nhận thức; khuyến khích đầu tư và sử dụng công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng; tăng cường kiểm toán năng lượng.

Cùng với đó, có thể áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng điện hiệu quả đối với những lĩnh vực, ngành có mức tiêu thụ điện cao.

Không chỉ vậy, đẩy mạnh triển khai mô hình kinh doanh công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) cũng là giải pháp khả quan với doanh nghiệp.

Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp
Các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn trong áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Hoàng Anh/TL.

Tuy nhiên, ông John Robert Cotton, Quản lý Chương trình cấp cao của Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP), đánh giá, mô hình này còn khá mới, và chưa được nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam tiếp cận.

Theo ông, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp phụ trợ đang gặp nhiều khó khăn trong áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, do còn thiếu thông tin về năng lượng hiệu quả, tính bền vững và sản xuất xanh.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất có xu hướng bỏ qua các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, do hạn chế về tài chính, kỹ thuật, năng lực kiểm toán mức tiêu thụ năng lượng, cũng như năng lực phát triển các dự án để tiếp cận các nguồn tài chính đầu tư phù hợp.

Thêm cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao năng lực

Đại diện từ Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) cho biết, tổ chức này cam kết hơn 2,3 tỷ EUR cho hơn 100 chương trình, dự án phát triển bền vững. Chiến lược hoạt động của AFD chỉ có một mục tiêu duy nhất là hỗ trợ Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Vị này cho biết thêm, AFD mong muốn mở rộng tài trợ cho các dự án xanh thông qua các ngân hàng thương mại Việt Nam. Theo đó, AFD cấp các hạn mức tín dụng xanh cho các ngân hàng, và các ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp, và AFD có thể cấp bảo lãnh cho ngân hàng để chia sẻ rủi ro.

Tại hội thảo, VCCI và ETP đã khởi động dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam”, với mục tiêu tổng thể là nâng cao nhận thức trong hai ngành công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cho các khoản đầu tư sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cùng với đó, dự án hướng tới kết nối mạng lưới giữa các nhà sản xuất, nhà tài chính và các ESCO, thí điểm đánh giá chuẩn năng lượng hiệu quả cho hai ngành, và xây dựng lộ trình thành lập Hiệp hội ESCO tại Việt Nam.

Mục tiêu này sẽ được hiện thực hóa thông qua sự kết hợp của hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực về năng lượng hiệu quả, đào tạo về chuẩn bị đề xuất cho các dự án hiệu quả năng lượng khả thi về mặt tài chính.

Dự án sẽ giúp sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, thực hành chuỗi cung ứng sản xuất có trách nhiệm, cải thiện điều kiện xã hội và môi trường, đồng thời, giảm lượng khí thải carbon trong hai ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.