Các chuyên gia dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nâng giá bán USD, đồng thời nâng tỷ giá trung tâm, chấp nhận để VND trượt giá hơn 5%.
Tháng 6 vừa qua, tỷ giá USD đã tăng nóng khi áp sát và có lúc vượt ngưỡng bán ra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 25.450 VND. Trên thị trường chợ đen, giá USD tự do thậm chí đã vượt mức 26.000 VND, mức cao nhất lịch sử.
Ngân hàng ACB nhận định, nhu cầu ngoại tệ trên thị trường gia tăng mạnh vào thời điểm cuối tháng 6 cùng với hiệu ứng tâm lý từ đà tăng của đồng USD trên thị trường thế giới khiến tỷ giá duy trì đà tăng rõ nét hơn sau vài tuần trước đó được duy trì ổn định.
Thực tế, kể từ tháng 4/2024 đến nay, tỷ giá đã liên tục diễn biến căng thẳng do chịu nhiều áp lực như chỉ số USD Indextăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào hay xu hướng để USD ở nước ngoài của các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong báo cáo chiến lược tháng 7, công ty chứng khoán KBSV cho rằng để đối phó với áp lực tỷ giá, NHNN cần thực hiện đồng bộ cả ba giải pháp gồm bán ngoại tệ, nâng lãi suất tiền đồng và nâng giá bán USD.
Bán ngoại tệ là giải pháp đã được NHNN áp dụng trong khoảng ba tháng trở lại đây. Mặc dù vậy, với ước tính hiện tại, dự trữ ngoại hối đã áp sát mức khuyến cáo của IMF là tương đương ba tháng nhập khẩu.
Theo ước tính của công ty chứng khoán VDSC, lũy kế đến ngày 3/7/2024, NHNN đã bán ra khoảng 6,4 tỷ USD, trong đó riêng tháng 6 là khoảng 1,9 tỷ USD.
Trong khi đó, KBSV cho rằng dư địa để NHNN tiếp tục bán dự trữ ngoại hối là không nhiều nếu không muốn ảnh hưởng đến tín nhiệm quốc gia. Vì vậy, NHNN sẽ cần thực hiện đồng bộ thêm hai giải pháp khác hạ nhiệt nhu cầu USD của thị trường.
Cụ thể, nhà điều hành có thể sẽ nâng lãi suất tiền đồng. Hiện NHNN đã đưa lãi suất OMO và tín phiếu, lần lượt tăng 0,5 và 3,1% so với giai đoạn đầu năm 2024.
KBSV dự báo rằng động thái trên sẽ tiếp tục được thực hiện để duy trì mặt bằng lãi suất thị trường 2 cao tương đối, giảm tối đa các giao dịch đầu cơ tỷ giá cũng như làm tăng lãi suất huy động ở mức độ phù hợp, giúp việc nắm giữ VND trở nên hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, NHNN có thể nâng giá bán USD. Trong bối cảnh mức độ mất giá VND vẫn đang ở mức trung bình thấp so với các đồng tiền trong khu vực, kết hợp với kỳ vọng lạm phát trong tầm kiểm soát, NHNN có thể và nhiều khả năng sẽ thực hiện việc nâng giá bán USD, đồng thời nâng tỷ giá trung tâm, chấp nhận để VND mất giá hơn mức 5%.
Trước đó, năm 2022, NHNN công bố nâng biên độ tỷ giá từ 3% lên 5%, lần đầu tiên sau bảy năm, trước áp lực tăng giá của USD. Mặc dù vậy, biên độ 5% vẫn là khá thấp nếu so sánh với mặt bằng chung của các đồng tiền trong khu vực.
Đồng quan điểm, VDSC nhận định dự trữ ngoại hối của Việt Nam hạn hẹp trong khi nhu cầu đối với đồng USD thường tăng trong giai đoạn gần cuối năm. Điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro việc tiêu hao dự trữ ngoại hối của NHNN không đạt được mục đích kiềm chế đà tăng của tỷ giá.
Do đó, giải pháp sắp tới có thể là NHNN sẽ nâng tiếp lãi suất trên thị trường mở để thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD/VND trên thị trường liên ngân hàng.
Hiện tại, lãi suất phát hành tín phiếu và cầm cố trên thị trường mở đều là 4,5%/năm, tương đương với lãi suất tái cấp vốn.
Do đó, trong kịch bản không cầm cự được tiếp với dự trữ ngoại hối, VDSC cho rằng NHNN sẽ nâng lãi suất điều hành thêm 0,25 – 0,5% trong nửa cuối năm 2024.
VDSC dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng thêm khoảng 0,5 – 1% để trở về mức trung bình trước dịch là một kịch bản hợp lý.
Dù nghiêng về khả năng NHNN sẽ sớm tăng lãi suất điều hành, VDSC cho rằng mức tăng sẽ không đột biến như 2022 do bối cảnh vĩ mô là khác nhau.
Năm 2024 còn thiếu những nhân tố gây "sốc" về cầu tín dụng và sự thay đổi đột ngột về chính sách tiền tệ như năm 2022 để gây ra sự đột biến về mặt bằng lãi suất.
Bên cạnh đó, áp lực rút ròng ngoại tệ sẽ dịu lại đáng kể nếu có thêm nhiều thông tin có lợi về lãi suất như nhiều khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ giảm lãi suất vào tháng 9 tới.