Tiêu dùng xanh lên ngôi

Phạm Sơn - 10:01, 30/06/2023

TheLEADERNgười tiêu dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ bền vững, đồng thời đặt kỳ vọng nhiều hơn cho các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có đạo đức, có trách nhiệm.

Thu nhập của người tiêu dùng tăng cao dẫn đến ngày càng có nhiều người sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm được chứng nhận có chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe. Cùng với đó, các ngành sản xuất cũng đang phát triển kể cả số lượng và chất lượng, đang không ngừng đầu tư mở rộng kênh phân phối cũng như tìm kiếm giải pháp bền vững hóa sản phẩm của mình.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, đây là lý do khiến xu hướng tiêu dùng các sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc tự nhiên và thân thiện với môi trường đang ngày càng trở nên phổ biến trong văn hóa tiêu dùng hiện đại. Xu thế này mang tính tất yếu ở thị trường Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Khảo sát của NielsenIQ phần nào củng cố thêm lập luận này. Tại diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2023: Xu hướng và thị trường bán lẻ, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng của NielsenIQ Việt Nam, cho biết, theo khảo sát hành vi tiêu dùng mới nhất của công ty, 49% người tiêu dùng đã lựa chọn sử dụng túi tái chế, tái sử dụng thay cho những sản phẩm túi dùng một lần; 47% người tiêu dùng chỉ quyết định mua hàng khi thực sự cần thiết; 45% người tiêu dùng đã có ý thức tự phân loại rác thải và tiết kiệm điện.

Tiêu dùng xanh lên ngôi
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng của NielsenIQ Việt Nam

Tính riêng tại 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM, theo bà Trịnh Nguyễn Ngọc Linh, Quản lý cấp cao Dự án Intage Việt Nam, khảo sát của đơn vị này cũng chỉ ra, có đến 95% người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường; 61% ưu tiên tận dụng ánh sáng tự nhiên và tắt bớt các thiết bị điện khi không sử dụng; 44% người tiêu dùng tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới.

Lý do lựa chọn tiêu dùng xanh cũng rất đa dạng, có thể kể đến như mong muốn tiết kiệm trong chi tiêu; mong muốn bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình hoặc ủng hộ những phong trào bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Cùng với sự gia tăng xu hướng tiêu dùng xanh, người tiêu dùng cũng đặt nhiều kỳ vọng hơn đối với doanh nghiệp. Theo khảo sát của NielsenIQ, 38% người tiêu dùng cho rằng những sáng kiến và hành động thiết thực hướng đến bảo vệ môi trường là điều cần thiết. Khảo sát của Intage chỉ ra, 90% người tiêu dùng bày tỏ thái độ tốt với doanh nghiệp thực hành kinh doanh bền vững, có đạo đức và có trách nhiệm xã hội.

Đưa sản phẩm xanh đến tay người tiêu dùng

Xu thế tiêu dùng xanh lên ngôi chính là cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh có đạo đức và trách nhiệm. Theo bà Hà, trước xu thế này, doanh nghiệp cần phải chủ động chứng minh những nỗ lực hướng đến phát triển bền vững với người tiêu dùng, thông qua những hành động cụ thể và kết quả thực tiễn, thay vì chỉ kêu gọi, hô hào, làm truyền thông, quảng cáo.

Thực tế, doanh nghiệp đang có rất nhiều dư địa để triển khai hoạt động bền vững hóa, có thể kể đến như giảm thiểu sử dụng vật liệu không thân thiện với môi trường, sử dụng các nguồn năng lượng bền vững. Giám đốc NielsenIQ Việt Nam nhấn mạnh, doanh nghiệp sản xuất cần thực hiện đánh giá toàn diện kế hoạch hành động giảm phát thải và kết quả đạt được thay vì triển khai một cách thiếu định hướng.

Đối với các nhà bán lẻ, bà Hà khuyến nghị có thể ứng dụng giải pháp cho phép khách hàng theo dõi tác động tới môi trường trong giỏ hàng hóa, đồng thời tăng cường phân phối những sản phẩm xanh, sạch, tiến hành dán nhãn chứng nhận carbon lên sản phẩm, sử dụng xe điện để vận chuyển hàng…

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển, các kênh thương mại hiện đại lên ngôi, nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm xanh không thể ngồi chờ “tiếng lành đồn xa”, thay vào đó là tích cực ứng dụng các nền tảng phân phối mới, tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn tới những sản phẩm xanh.

Bên cạnh những kênh tiêu thụ như sàn thương mại điện tử, bán hàng qua livestream (phát video trực tiếp)…, bà Hà gợi ý, có thể xây dựng những câu lạc bộ khách hàng tiêu dùng bền vững; triển khai hình thức trải nghiệm sản phẩm xanh; khuyến khích tiêu dùng xanh thông qua thưởng điểm cho những khách hàng lựa chọn sản phẩm bền vững…

Còn theo ông Tiến, để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ xu thế tiêu dùng xanh, không chỉ nỗ lực của doanh nghiệp mà sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cũng đặc biệt quan trọng. Ông Tiến đề nghị các cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa tiêu dùng bền vững để cộng đồng hiểu được vai trò, giá trị của sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và thân thiện.