Tín dụng và chất lượng tài sản của BIDV sa sút vì Covid-19

Trần Anh - 13:56, 19/08/2020

TheLEADERDo ảnh hưởng của dịch Covid-19, BIDV có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng cho vay và kỳ vọng lợi nhuận đặt ra trong năm 2020.

BIDV công bố lợi nhuận trước thuế quý 2/2020 đạt 2.640 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Dù lợi nhuận tăng khá mạnh, song báo cáo chi tiết cho thấy hoạt động lõi là tín dụng của BIDV đang gặp nhiều khó khăn.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của BIDV tăng 2,1% nhờ sự gia tăng nhanh chóng trong tháng 6 khi tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn ở mức âm. Mức tăng trưởng này chỉ cao hơn tăng trưởng tín dụng của Vietinbank và thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân ngành là 3,54% so với đầu năm.

Đáng lưu ý, cho vay doanh nghiệp nhỏ (SME) giảm 6,4% so với đầu năm và tỷ trọng giảm từ 28% thời điểm cuối năm 2019 xuống 25,7% tại thời điểm 30/6/2020. Xu hướng giảm này có thể còn tiếp tục xảy ra do các doanh nghiệp SME bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Kể từ đầu năm cho tới nay, BIDV đã giảm lãi suất cho vay 3 lần cho khách hàng, với mức giảm từ 2,5%-3%/năm so với lãi suất cho vay trước khi có dịch bệnh. Ngân hàng cũng đã giải ngân hơn 70 nghìn tỷ đồng trong tổng số 93 nghìn tỷ đồng của gói tín dụng hỗ trợ cho 5.400 khách hàng, với mức giảm lãi suất 2%/năm. Các chính sách hỗ trợ này sẽ khiến thu nhập của ngân hàng giảm từ 3,5 đến 4 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.

Sự sụt giảm không cân đối giữa chi phí vốn và lợi suất tài sản khiến NIM trong quý 2 của BIDV chỉ đạt 1,97%, giảm so với thời điểm đầu năm. NIM giảm và tăng trưởng tín dụng yếu khiến thu nhập lãi ròng giảm 23,6% so với cùng kỳ trong quý 2/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi ròng đã giảm 8,8% so với cùng kỳ.

Ảnh hưởng của dịch bệnh đồng thời chất lượng tài sản của BIDV bị ảnh hưởng rõ nét. Tổng số dư nợ xấu tại thời điểm 30/6/2020 là 22.769 tỷ đồng, tăng 18% so với quý trước, trong đó nợ nhóm 5 tăng gần khoảng 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2% từ mức 1,74% trong quý đầu năm.

Tại thời điểm 30/6/2020, BIDV đã tái cơ cấu trên 40 nghìn tỷ đồng nợ vay, tương đương 3,6% tổng số nợ vay hiện tại cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với việc bùng phát dịch lần thứ hai, ngân hàng dự kiến tổng số nợ vay tái cơ cấu cho cả năm 2020 có thể đạt tỷ trọng 5% tổng số nợ vay hiện tại (khoảng 56 nghìn tỷ đồng).

Lợi nhuận của BIDV chỉ được củng cố nhờ ngân hàng tăng thu nhập ngoài lãi và cắt giảm chi phí hoạt động. Thu nhập từ kinh doanh đầu tư chứng khoán đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 500% so với cùng kỳ chủ yếu dựa vào trái phiếu Chính phủ. BIDV cũng đã cắt giảm lương để tiết kiệm chi phí. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) trong 6 tháng đầu năm 2020 đã giảm xuống 33,8% so với mức 35,9% đầu năm.

Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý 2/2020 đạt mức 20,6% so với cùng kỳ nhờ chi phí dự phòng trong quý 2/2020 giảm 26,2% so với cùng kỳ, đặc biệt sau khi trái phiếu VAMC đã được xử lý sạch trước đó.

Nhóm phân tích SSI Research nhận định, năm nay có thể là năm đầu tiên BIDV không đạt được hạn mức tăng trưởng tín dụng 9% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho năm 2020. Tín dụng khó tăng trưởng, cộng với việc đợt bùng phát dịch thứ 2 sẽ làm tăng tỷ trọng các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Lợi nhuận của BIDV, theo đó, dự kiến sẽ suy giảm trong năm 2020. Dù vậy một số yếu tố có thể giúp cải thiện lợi nhuận BIDV trong năm nay có thể kể tới việc được tăng vốn. Nếu hoàn thành một phần hoặc toàn bộ kế hoạch tăng vốn, BIDV sẽ giảm áp lực phát hành trái phiếu cấp 2 (giảm chi phí vốn), qua đó cải thiện lợi nhuận.

Bên cạnh đó, việc thoái vốn khỏi BIDV MetLife Insurance nhanh hơn dự kiến hoặc tình hình dịch bệnh khả quan hơn dự kiến cũng sẽ hỗ trợ lợi nhuận BIDV.