'Tối hậu thư' cho giá điện chuyển tiếp

Nguyễn Cảnh - 14:41, 23/03/2023

TheLEADERBộ Công thương yêu cầu trước 31/3/2023, EVN và các chủ đầu tư dự án điện chuyển tiếp phải thống nhất được mức giá điện.

Bộ Công thương vừa có yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Yêu cầu này của Bộ Công thương được căn cứ vào các hướng dẫn trước đó gồm: Ngày 7/1/2023, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký ban hành Quyết định 21/QĐ-BCT quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Ngày 9/1/2023, Bộ Công thương có văn bản 107/BCT-ĐTĐL đề nghị EVN và các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành.

Tiếp tục, ngày 2/3/2023, Bộ Công thương có văn bản hướng dẫn EVN căn cứ theo quy định tại Luật Điện lực, các nội dung phù hợp thực tế của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất giá phát điện.

Hai ngày trước khi bộ đưa ra chỉ đạo mang tính chất ‘tối hậu thư’ đối với EVN, đã diễn ra cuộc họp giữa các bên liên quan để tìm hướng tháo gỡ vướng mắc đối với loạt 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch.

Trong đó, đáng chú ý là 34 dự án chuyển tiếp (tổng công suất khoảng 2GW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm, tổng giá trị khoảng 85.000 tỷ đồng) - đã được tập thể chủ đầu tư gửi văn bản kiến nghị (khoảng 10 ngày trước) tới Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc, bất cập liên quan tới các văn bản, chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Công thương như Thông tư 01 và Quyết định 21.

Đối chiếu kết quả cuộc đối thoại hôm 20/3 (giữa EVN, đại diện các Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo và một số chủ đầu tư điện chuyển tiếp), có thể thấy chỉ đạo của Bộ Công thương đối với EVN là diễn biến khá bất ngờ. 

Bởi, trước hàng loạt câu hỏi, kiến nghị đề xuất của nhà đầu tư (về khung giá điện thấp và cho phép huy động sản lượng điện), EVN cho biết đó là vấn đề nằm ngoài thẩm quyền và thể hiện mong muốn Bộ Công thương sớm có văn bản hướng dẫn phương pháp đàm phán theo quy định, làm căn cứ để EVN và chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp tiến hành đàm phán.

Tại sự kiện đối thoại giữa các bên, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc T&T Group bày tỏ lo lắng về Quyết định 21 do Bộ Công thương ban hành hồi tháng 1/2023. 

"Quyết định 21 về khung giá phát điện các dự án chuyển tiếp dường như được ban hành vội vàng, các nhà đầu tư bị ảnh hưởng trực tiếp đã không được hỏi ý kiến. Việc tính toán cũng chưa thuê tư vấn độc lập và các tính toán này chưa phù hợp với thực tế và hồ sơ của nhà đầu tư đã gửi.

1 tuabin đầu tư 100-150 tỷ đồng đã đứng im cả năm qua, nhìn rất xót xa. Trong khi đó, EVN vẫn phải mua các nguồn điện có giá cao khác. Giá sàn của điện gió nhập khẩu là 6,95UScent/kwh. Vì thế, đề nghị các dự án đã hoàn thành, đã sẵn sàng lên lưới, không cần đầu tư truyền tải nên cho được tạm tính giá sàn bằng 90% giá điện nhập khẩu và sau này có giá chính thức thì tính theo nguyên tắc hồi tố, bù trừ…", bà Bình kiến nghị.

Ông Phạm Lê Quang, Giám đốc Phát triển năng lượng tái tạo của Tập đoàn Bamboo Capital kiến nghị Bộ Công thương và EVN cho phép dự án hoàn thành đầu tư xây dựng, chấp thuận nghiệm thu, thì được đóng điện và ghi nhận sản lượng, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật của dự án chuyển tiếp, đại diện Bamboo Capital kiến nghị EVN chỉ đạo các tổng công ty thực hiện việc gia hạn đấu nối cho các dự án. Bởi đây là thỏa thuận quan trọng, là tiền đề để chủ đầu tư thực hiện các điều chỉnh (nếu có) trong quá trình thực hiện đầu tư và là cơ sở để nghiệm thu hoàn thành dự án theo quy định. Ngoài ra, thỏa thuận đấu nối không được gia hạn cũng có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục đàm phán mua bán điện.

Đối với thành phần hồ sơ phục vụ đàm phán hợp đồng mua bán điện, hiện yêu cầu chủ đầu tư phải có đánh giá của cơ quan vận hành hệ thống điện về khả năng giải toả công suất của dự án, đây là yếu tố gây khó cho nhiều doanh nghiệp. Việc thực hiện đánh giá khả năng giải tỏa công suất đã được thực hiện trong quá trình xây dựng, thẩm định quy hoạch và trong quá trình thực hiện dự án bởi các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có ý kiến góp ý của các đơn vị đầu tư, vận hành hệ thống điện.

Trên cơ sở đó, chủ đầu tư đã thực hiện đầu tư dự án theo phạm vi đầu tư (từ nhà máy điện đến điểm đấu nối). Việc thực hiện đánh giá khả năng giải tỏa công suất của dự án tiếp theo tốt hơn hết nên được thực hiện theo quy trình nội bộ của EVN và công tác quản lý của Bộ Công thương.

Với tính toán của các nhà đầu tư năng lượng tái tạo thì phải áp dụng mức giá trần trong khung giá điện chuyển tiếp mà Bộ Công Thương đã đưa ra thì mới đủ để nhà đầu tư chi trả cho các chi phí đã đầu tư (tương đương khoảng 7 cent/kWh).

Ông Phạm Lê Quang, Giám đốc Phát triển năng lượng tái tạo của Tập đoàn Bamboo Capital

Đại diện Công ty CP năng lượng tái tạo Đại Dương cho biết, các doanh nghiệp rất trăn trở vì khung giá đó không đủ bù đắp cho các vấn đề đã đầu tư rồi. Nếu khung giá này áp dụng cho các dự án sắp tới thì khác.

Việc đưa các công thức tính toán hiện nay cũng được các nhà đầu tư cho là không thỏa đáng bởi dựa trên các thông số sản lượng điện phát cao nhất, vốn đầu tư nhỏ nhất để ra giá tối ưu trong khi thực tế thì không vận hành được mức đó, gây bất lợi cho các doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, ông Somchak Chutanan, đại diện Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan) nhìn nhận, mức giá mà Bộ Công thương ban hành thấp, khiến khó thực hiện dự án. Vì vậy, mong muốn tính toán thêm với các tư vấn, sử dụng thông số đầu vào hợp lý hơn để cho kết quả tốt hơn bởi giá điện mặt trời cố định trước đây cũng cạnh tranh hơn giá điện than, điện khí.

Như TheLEADER đã thông tin, liên quan tới kiến nghị của 36 nhà đầu tư về các điểm bất cập về pháp lý cũng như hiệu quả tài chính về các quy định tại Quyết định 21 và Thông tư 01, Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công thương đã có phản hồi nhằm làm rõ một số nội dung xoay quanh vấn đề này.

Theo đó, bằng việc viện dẫn các báo cáo, chỉ đạo của Bộ Công thương, kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thời gian năm 2022, Cục Điều tiết điện lực khẳng định việc dự thảo và ban hành Quyết định 21/QĐ-BCT về ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp hoàn toàn đảm bảo trình tự và thủ tục theo quy định.

Thứ hai, cục cũng cho biết căn cứ rõ ràng để tính toán giá điện là dựa vào các số liệu của các tổ chức tư vấn quốc tế, thông số do Viện Năng lượng, Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1, 2, 3, 4, Tổ chức tư vấn GIZ cung cấp, cũng như báo cáo kết quả tính toán khung giá của EVN…

Tuy nhiên, những bất cập về Thông tư 01 (mà nhà đầu tư nêu ra) vẫn chưa được giải đáp một cách cụ thể, thấu đáo từ cơ quan chức năng.

Cùng với một khung giá điện bất hợp lý của Quyết định 21, việc xóa bỏ các chính sách khuyến khích theo Thông tư 01 sẽ làm thay đổi mô hình tài chính, làm mất khả năng tiếp cận vốn vay và quản lý rủi ro của dự án, khiến nhà đầu tư đứng trước nguy cơ thất bại về tài chính, phá sản và làm các nhà đầu tư tiềm năng không dám mạo hiểm đầu tư phát triển NLTT. Qua đó dẫn tới các hệ lụy liên quan tới nền kinh tế, xếp hạng tín dụng và uy tín quốc gia.

(Lược trích văn bản kiến nghị của 36 nhà đầu tư có các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp gửi tới Thủ tướng ngày 10/3/2023)