Trâu Dó

Hoạ sỹ Lê Thiết Cương - 10:31, 20/02/2021

TheLEADERNhững con trâu tối giản, khúc triết, mạch lạc, khỏe khoắn như một lời chia tay năm cũ, năm Tý với nhiều thiên tai dịch bệnh để chào đón xuân mới, năm mới, chào đón con Trâu Tân Sửu khỏe mạnh, may mắn và thành công.

Trâu Dó
Tranh Trâu của họa sĩ Lê Thiết Cương, chất liệu mực nho trên giấy dó.

Giấy dó là một chất liệu quen thuộc, gần như các họa sỹ đều đã vẽ qua. Một chất liệu có thể nói rằng dễ vẽ nhưng lại khó thành. Chất của loại giấy này mong manh quá, yếu đuối quá, đỏng đảnh, “tình cờ” quá, run rẩy quá. Chiều nó thì dễ sa vào “điệu” nhất là cái lòe nhòe, mờ ảo, mơ mộng của giấy dó dễ lừa mắt, nịnh mắt, dễ gây cảm giác “tưởng là đẹp”, không ít người đã sa vào cái bẫy này mà chống lại nó hoàn toàn thì còn gì là dó nữa. Chất liệu nào ngôn ngữ đó, mỗi chất liệu đều có cái dễ và khó của nó, đó là cái nết của từng loại. Hiểu nhau, vào được trong nhau, cảm được nhau thì thành.

Thế có nghĩa là người cầm bút phải “luyện công” sao đó để yêu được mà cũng ghét được chất của dó, buông lỏng, thõng tay mà cũng vẫn chế ngự được dó. Tóm lại là hài hòa, cân bằng được thì sẽ thành. Vẽ với giấy dó tốt nhất nên “kiệm”, vẽ mà như không vẽ gì.

Trâu Dó 1
Tranh Trâu của họa sĩ Lê Thiết Cương, chất liệu mực nho trên giấy dó.

Thế nhưng đó vẫn là lý thuyết, nghệ thuật đồng nghĩa là phá cách, nổi loạn là làm khác, là sáng tạo cho nên cái gì là lý thuyết, là công thức có nghĩa nó chả còn là nghệ thuật nữa.

Tôi đã từng đến làng Dương Ổ ( Bắc Ninh) để xem làm giấy dó. Cũng định bụng vẽ bằng chất liệu này nhưng suy đi tính lại thấy tạng mình chưa chắc đã hợp với giấy dó. Mỗi chất liệu đều có tính của nó, tạng tính của nó. Mỗi nghệ sỹ đều có tạng tính của mình, tạng chất của mình, tạng chất liệu của mình. Nguyễn Phan Chánh, Trần Đông Lương, Mai Long là tạng lụa, Bùi Xuân Phái là tạng sơn dầu, Nguyễn Tư Nghiêm là tạng màu bột, Kim Đồng là tạng sơn mài...

Trâu Dó 2
Tranh Trâu của họa sĩ Lê Thiết Cương, chất liệu mực nho trên giấy dó.

Loạt tranh Trâu – Tân Sửu bằng mực nho trên giấy dó này của tôi là lần đầu bén duyên với giấy dó. Như đã nói chất của giấy dó mỏng mảnh, mong manh nên hợp với bút pháp tối giản của tôi. Tôi dùng ít nét, đủ để gợi về hình của con trâu. Thêm vào đó là mảng đặc, mảng rỗng, mảng tô đen với mảng để hở mầu nền trắng ngà gạo nếp của giấy dó.

Nét thì thuận theo lòng mình thôi, thuận theo tâm trạng mình, vui buồn, được mất, căng trùng của mình mà đi nét. Nét thanh nét đậm, nét liền, nét đứt, nét chậm hơi nhòe, nét nhanh lướt trên mặt giấy… Hình ảnh trâu trong nghệ thuật truyền thống đã nhiều, đã đẹp. Từ phù điêu gỗ “Trọi châu” ở đình Liên Hiệp (huyện Quốc Oai, Hà Nội) thế kỷ 17 đến “Chú bé ngồi thổi sáo trên lưng trâu” của dòng tranh dân gian Đông Hồ đến những bức tranh “Trâu” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm… hoặc những bức “Buổi cầy sớm”, “Ra đồng” của họa sĩ Lưu Công Nhân.

Tranh Trâu của tôi xuất phát từ ý tưởng trên nền chất liệu truyền thống/giấy dó là tạo hình, là hội họa hiện đại. Một cuộc gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại. Những con trâu tối giản, khúc triết, mạch lạc, khỏe khoắn như một lời chia tay năm cũ, năm Tý với nhiều thiên tai dịch bệnh để chào đón xuân mới, năm mới, chào đón con Trâu Tân Sửu khỏe mạnh, may mắn và thành công.