Traveloka gia nhập thị trường gọi xe cạnh tranh Grab, GoTo

Việt Hưng - 15:43, 24/01/2022

TheLEADERĐiểm hạn chế của Traveloka là không thuộc bất kỳ hệ sinh thái siêu ứng dụng nào có đủ khả năng hỗ trợ các kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực gọi xe.

Startup "kì lân" Traveloka vừa chính thức tiến vào lĩnh vực gọi xe khi tung ra tính năng QuickRide tại Indonesia. Với QuickRide, Traveloka thể hiện tham vọng muốn có thị phần từ miếng bánh của các "gã khổng lồ" công nghệ như GoTo, Grab và Shopee.

Ông Iko Putra, Giám đốc điều hành vận tải của Traveloka cho biết, công ty giới thiệu tính năng mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng đối với dịch vụ đặt xe trực tuyến. Song hiện Traveloka vẫn chưa có kế hoạch giới thiệu dịch vụ gọi xe ngoài taxi.

Ông Iko khẳng định: "Sự ra mắt Traveloka QuickRide củng cố cam kết của Traveloka như một siêu ứng dụng phong cách sống nhằm cung cấp các dịch vụ đầu cuối tốt nhất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng".

Trước đó, Traveloka đã ra mắt dịch vụ cho vay tín dụng thông qua Traveloka PayLater vào năm 2018 và giới thiệu dịch vụ giao đồ ăn qua Traveloka Eats vào cuối năm 2020.

Năm ngoái, Traveloka đã tăng gấp đôi lợi nhuận trong lĩnh vực công nghệ tài chính bằng cách tung ra thẻ tín dụng ảo hợp tác với ngân hàng Bank Negara Indonesia (BNI) và bằng cách giới thiệu tính năng đầu tư vàng hợp tác với hãng kinh doanh cầm đồ PT Pegadaian thuộc sở hữu của nhà nước.

Traveloka gia nhập thị trường gọi xe cạnh tranh Grab, GoTo
Traveloka gia nhập thị trường gọi xe cạnh tranh Grab, GoTo

Giới chuyên gia cho rằng, Traveloka sẽ cần một lượng tiền lớn để thu hút khách hàng từ các đối thủ. Giám đốc Trung tâm kinh tế kỹ thuật số thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) Nailul Huda cho rằng Traveloka phải có khả năng "đốt tiền" để có thể cạnh tranh với GoTo và Grab.

Năm ngoái, Traveloka đã huy động được 250 triệu USD vào năm ngoái để giúp củng cố các hoạt động trong đại dịch, cũng như bối cảnh du lịch nội địa bắt đầu phục hồi tại Indonesia sau khi Chính phủ nước này dần nới lỏng các hạn chế đi lại.

Hiện tại, Traveloka cũng đang có kế hoạch huy động thêm vốn thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Indonesia hoặc Mỹ. Hiện công ty khởi nghiệp đặt mục tiêu đạt mức định giá 5-6 tỷ USD.

Ông Nailul lưu ý rằng, điểm hạn chế của Traveloka là không thuộc bất kỳ hệ sinh thái siêu ứng dụng nào có đủ khả năng hỗ trợ các kế hoạch mở rộng mạnh mẽ như vậy.

Hiện chỉ có ba hệ sinh thái như vậy tại Indonesia là GoTo, Shopee, và Grab-Emtek-Bukalapak. Theo ông Nailul, có khả năng Traveloka sẽ tham gia một trong những hệ sinh thái siêu ứng dụng vì nếu không có chúng công ty khởi nghiệp du lịch này "có thể sẽ thua cuộc" trong cuộc cạnh tranh dịch vụ gọi xe.