Trợ giá cho xe buýt thế nào cho đúng?

Nhật Hạ - 15:11, 27/07/2022

TheLEADERViệc trợ giá đối với xe buýt là cần thiết. Tuy nhiên, cách thức trợ giá lại cần thay đổi để không phải “lấy tiền trợ giá” mà “khuyến khích cung cấp dịch vụ tốt hơn”.

Trợ giá vẫn lỗ, không trợ giá lại ‘sống khỏe’

Thực tế, có những địa phương mỗi năm chi hàng nghìn tỷ đồng để trợ giá, nhưng doanh nghiệp xe buýt vẫn kêu lỗ, trong khi đó có địa phương 100% xe buýt không được trợ giá nhưng ‘sống khỏe’.

Đặc biệt, thời gian gần đây, một doanh nghiệp xe buýt ở Hà Nội đã xin trả lại tuyến. Đây là việc chưa từng có tiền lệ trong kinh doanh vận tải công cộng, gây xôn xao dư luận. Đồng thời một loạt đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt tại TP.HCM cũng ‘đồng thanh’ kêu lỗ vì không có khách hàng.

Mặt khác, tại một số tỉnh như Bắc Giang, Thái Nguyên, Đắk Lắk…, doanh nghiệp xe buýt mặc dù không được trợ giá nhưng vẫn đang kinh doanh hiệu quả.

Về thực trạng này, ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang – FUTA Bus Lines nhận định: khi tham gia đấu thầu một tuyến xe buýt, doanh nghiệp sẽ được biết mức trợ giá ở trong đó. Sau khi tiếp nhận thông tin, doanh nghiệp có trách nhiệm khảo sát, tính toán tất cả chi phí để từ đó biết được mức trợ giá có phù hợp không.

Khi đã quyết định tham gia đấu thầu và nhận đặt hàng với mức trợ giá ấn định thì không thể than lỗ để lấy lý do bỏ tuyến, ngưng tuyến, không tiếp tục khai thác.

Theo ông Ánh, doanh nghiệp khi đã nhận trợ giá từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình, không thể báo lỗ, yêu cầu tăng mức trợ giá hay ngừng khai thác tuyến như hiện nay.

Được biết, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe buýt kêu than, mới đây, công ty Phương Trang đã mở thêm 8 tuyến xe buýt mới tại Khánh Hòa vào hạ tuần tháng 4 năm nay.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, cơ chế chính sách mỗi tỉnh mỗi khác. Ở khu vực Hà Nội, doanh nghiệp kinh doanh xe buýt thống lĩnh thị trường là Tổng công ty vận tải Hà Nội. Đây là ‘con cưng’ của Hà Nội, được rất nhiều ưu đãi của thành phố. Còn TP.HCM lại không ưu tiên cho doanh nghiệp nào.

Sự khác nhau trong cách điều hành chính sách khiến có địa phương phát triển tốt xe buýt nhưng có địa phương gặp trục trặc, có địa phương dựa hoàn toàn vào một doanh nghiệp làm chủ lực để thực hiện, để ổn định, ở thành phố khác lại thả lỏng, từ đó có sự cạnh tranh vô lối. Như vậy, các doanh nghiệp rất bị động về đấu thầu và đăng ký. Theo ông Thanh, đó là thực trạng hiện nay.

Trợ giá cho xe buýt thế nào cho đúng? 1

Cần hiểu đúng ý nghĩa của trợ giá

Dù được trợ giá nhưng doanh nghiệp cứ ‘đến hẹn lại than lỗ’, trong khi ‘khách hàng vẫn quay lưng’. Vậy trợ giá mà dân không sử dụng, để xe chạy rỗng thì có lãng phí không? Trả lời câu hỏi này tại tọa đàm “Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh” mới đây, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng với doanh nghiệp đã nghiên cứu thị trường sau đó mới xây dựng kế hoạch để làm tuyến như Phương Trang đã khẳng định “không cần trợ giá vẫn có lãi. Nếu làm tốt, trợ giá là thừa”.

Trong khi đó, ở các doanh nghiệp khác, nếu nhăm nhăm vào trợ giá mà bản chất muốn đào "bầu sữa" của Nhà nước thì đương nhiên không hiệu quả, theo ông Nhưỡng.

Phương Trang chú ý đến chất lượng dịch vụ, khách được phục vụ tốt, an toàn và những mục tiêu đặt ra… thì sẽ có hiệu quả kinh tế. Yếu tố chủ quan quyết định chứ không chỉ may mắn. Đây là doanh nghiệp lớn và rất mạnh dạn khi xác định lỗ và chịu rủi ro để thành công.

Như vậy, có thể thấy rõ một công thức là phương tiện hiện đại + chất lượng tốt, hài lòng khách hàng = hạch toán tốt… Sự khác biệt giữa Phương Trang với các doanh nghiệp khác là quản lý và phục vụ. Chính vì vậy họ có thể khẳng định không cần trợ giá vẫn hiệu quả, ông Nhưỡng phân tích.

Tuy nhiên, TS. Lưu Bình Nhưỡng vẫn cho rằng, xe buýt vẫn cần được trợ giá bởi đây vẫn là giao thông công cộng. Phải xác định không phải trợ giá để làm được xe buýt mà trợ giá cho một số đối tượng nhất định trong xã hội như công nhân, người nghèo, người có công cách mạng, người già... Xe buýt phục vụ đối tượng ấy thì được lấy tiền trợ giá để phục vụ.

Trợ giá phải có mục tiêu

Doanh nghiệp xe buýt thực hiện các chính sách xã hội thông qua các dịch vụ công thì đương nhiên là trợ giá. Nhưng không thể vì làm ăn thua lỗ mà cần Nhà nước trợ giá. Do đó, ông Nhưỡng nhấn mạnh “trợ giá phải có mục tiêu”, cần phân biệt rõ giữa kinh tế và xã hội thì mới tạo ra sự công bằng.

Việc không đấu thầu đã tạo ra một sự độc quyền, mà lại trợ giá nữa thì có nghĩa được hưởng 2 ưu đãi một cách hết sức phi lý. Chưa bàn đến lãng phí hay không nhưng rõ ràng là tạo ra sự bất công giữa các doanh nghiệp cùng dịch vụ.

“Giữa các doanh nghiệp phải có một mặt bằng và phải thi đấu bằng thực lực chứ không phải bằng mối quan hệ, bằng đi đêm ngầm”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Trợ giá cho người dùng xe buýt, đương nhiên phải thông qua doanh nghiệp kinh doanh xe buýt. Ông Thanh cho rằng quan trọng nhất là kiểm soát nguồn thu. Cách trợ giá phải rõ tổng chi thế nào thì trợ giá, thu bao nhiêu tập trung cho doanh nghiệp để thanh quyết toán. Khuyến khích đưa doanh nghiệp đổi mới dịch vụ và phương tiện, doanh thu càng cao càng phải khuyến khích, chứ không khoán.

Tóm lại, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, trợ giá cho xe buýt là cần thiết bởi đây là dịch vụ công thiết yếu của xã hội và rất nhiều người cần được hỗ trợ. Nhưng cách thức trợ giá như thế nào để không phải lấy tiền trợ giá mà khuyến khích cung cấp dịch vụ tốt hơn.