TS. Vũ Tiến Lộc: Kinh nghiệm cho Việt Nam từ 'kỳ tích sông Hàn'

Kiều Mai - 11:41, 19/10/2022

TheLEADERTS. Vũ Tiến Lộc đánh giá kinh nghiệm của Hàn Quốc với “kỳ tích sông Hàn” có lẽ là mô hình tương đối phù hợp với khát vọng kỳ tích sông Hồng của Việt Nam.

Hai điều cơ bản từ kinh nghiệm Hàn Quốc

Gần bốn thập kỷ đã qua kể từ khi đổi mới, Việt Nam đã kể cho nhân loại một câu chuyện về hành trình công nghiệp hóa và công cuộc thoát nghèo vĩ đại, đưa hàng chục triệu người thoát khỏi đói nghèo, chuyển dịch được lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực công nghiệp dịch vụ với năng suất cao hơn, thu nhập và đời sống được cải thiện hơn.

Từ một đất nước nghèo đói, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình.

“Và bây giờ, Việt Nam lại đứng trước một thách thức mới thậm chí còn cam go và khó khăn hơn”, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc, nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế thương mại Việt Nam – Hàn Quốc 2022 mới đây.

Theo đó, Việt Nam phải chuyển đổi được mô hình tăng trưởng, đưa một nền kinh tế phát triển theo chiều rộng, thâm dụng tài nguyên và lao động sang đổi mới sáng tạo, để vượt được khỏi bẫy thu nhập trung bình, gia nhập được câu lạc bộ quốc gia phát triển, thực hiện được khát vọng hùng cường.

a
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thương mại Việt Nam - Hàn Quốc 2022.

Ông nhận định những gì mà Hàn Quốc đã làm được trong công cuộc phát triển kinh tế tạo ra kỳ tích sông Hàn từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, và tiếp tục tiên phong trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, là những bài học quý giá cho Việt Nam.

Những kinh nghiệm ấy cho thấy hai điều cơ bản, rằng phải xây dựng được một thể chế vững mạnh, trong đó Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, và phải có một cộng đồng doanh nhân có khát vọng khởi nghiệp, sáng tạo, và có tinh thần dũng cảm của những chiến binh.

Chuyển từ thu hút FDI, sang hợp tác đầu tư

Việt Nam đang cùng lúc phải thực hiện hành trình kép, khi vừa tiếp tục quá trình công nghiệp hóa đất nước, hình thành những ngành công nghiệp cơ bản của một nền kinh tế để bảo đảm tính tự chủ, tự cường; lại vừa phải đi tắt, đón đầu, hướng tới một cơ cấu kinh tế tri thức sáng tạo hơn, bắt kịp những xu thế hàng đầu của nhân loại như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đề cao trách nhiệm xã hội.

“Chúng ta cần phải xây dựng một nền kinh tế không chỉ thông minh hơn, hiệu quả hơn, mà còn phải nhân văn hơn, thân thiện với môi trường, và hòa giải được với thiên nhiên. Dư địa cho sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam trên hành trình này là vô cùng lớn!”, ông Lộc nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc đã đến Việt Nam và chọn Việt Nam là quê hương thứ hai, trong khi Việt Nam đã trở thành một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang dẫn dắt.

Tuy nhiên, trên thực tế, những công đoạn mà Việt Nam đang tham gia, nhìn chung, mới chỉ là những mắt xích sử dụng lao động giản đơn. Việt Nam ghi dấu trong nền kinh tế toàn cầu, cho đến thời điểm này, vẫn chỉ là “công xưởng lắp ráp gia công”.

Nếu dừng lại ở định vị như vậy, Việt Nam sẽ không bao giờ thoát khỏi được bẫy thu nhập trung bình. “Đó là một thực tế nghiệt ngã”, ông Lộc phân tích.

“Chúng ta mong muốn bắt đầu một giai đoạn mới trong “hợp tác đầu tư” với nước ngoài đúng theo nghĩa của từ này, chứ không chỉ là thu hút, hay tiếp nhận đầu tư bằng mọi giá. Hàn Quốc đã đi đầu trong làn sóng đầu tư thứ nhất vào Việt Nam, để biến Việt Nam thành “công xưởng”, và bây giờ, chúng ta hy vọng Hàn Quốc sẽ đi đầu trong làn sóng thứ hai, cùng với Việt Nam xây dựng “hệ sinh thái” đổi mới sáng tạo”.

Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam phải từng bước tiếp nhận chuyển giao và trưởng thành về công nghệ, và phải cộng sinh được với những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc, để có thể tham gia vào những phân khúc có giá trị gia tăng lớn hơn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Muốn làm được điều này, ông Lộc cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị những nền tảng mới, trong đó, thể chế phải thúc đẩy và bảo đảm không gian an toàn cho những nỗ lực đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực phải nâng cấp để Việt Nam có được một thế hệ người lao động có tay nghề, có khả năng thực nghiệm, thực hành.

Cùng với đó, ngành công nghiệp hỗ trợ phải phải phát triển, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải vươn tới các chuẩn mực quốc tế để kết nối được với doanh nghiệp FDI. Không chỉ vậy, cơ sở hạ tầng cho kinh tế số, kinh tế xanh phải được quan tâm đột phá.

“Chúng ta mong có được những chương trình hợp tác Việt Hàn trong thời gian tới theo hướng đó”, ông Lộc kỳ vọng.

“Việt Nam tham khảo và học hỏi kinh nghiệm của cả thế giới, nhưng kinh nghiệm của Hàn Quốc với “kỳ tích sông Hàn” có lẽ là mô hình tương đối phù hợp với khát vọng kỳ tích sông Hồng của Việt Nam”, ông nhấn mạnh.