Vận hội khởi nghiệp ngành logistics

Việt Hưng - 21:37, 21/06/2020

TheLEADERVới một ngành được nhận định là "xương sống", "mạch máu" của nền kinh tế, thì tiềm năng khởi nghiệp lĩnh vực logistics là rất lớn.

Logistics là ngành cung cấp các dịch vụ liên quan tới vận tải biển, đường hàng không, đường bộ và quản lý hàng hóa khai báo hải quan hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng, phục vụ chuỗi cung ứng cho ngành hàng bán lẻ.

Cùng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, và thương mại điện tử, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics và khởi nghiệp (startup) đã ứng dụng công nghệ giúp thay đổi ngành logistics lên một tầm cao mới, đồng thời, giúp chủ hàng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, người tiêu dùng được hưởng lợi.

Dù chưa có thống kê chính xác về số lượng đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics, nhưng nếu nhìn vào thành công của startup trong lĩnh vực này với những công nghệ đột phá, những giải thưởng và thương vụ đầu tư trong thời gian qua, có thể thấy sức hấp dẫn cũng như tiềm năng khởi nghiệp rất lớn trong một ngành đã được nhận định là "xương sống", "mạch máu" của nền kinh tế.

Trong đó, việc ứng dụng công nghệ là yếu tố cần thiết và bắt buộc khi startup muốn công việc vận hành hiệu quả, số lượng lớn. Thực tế, trong những dây chuyền phân loại hàng hóa, nếu một người xử lý tối đa khoảng 100 - 200 đơn hàng/giờ thì việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp tăng khối lượng đơn hàng lên vài trăm nghìn/giờ. Công nghệ thông tin hay tự động hóa, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp kiểm soát hàng hóa, chia chọn hàng hóa tốt hơn dựa trên mã hóa, giảm thiểu công đoạn thủ công…

Nghĩ lớn để khởi nghiệp

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện chi phí cho logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20% GDP, trong khi trung bình trên thế giới khoảng 11%. Đây chính là mảnh đất, cơ hội dành cho các startup cùng tham gia giải quyết những vấn đề về logistics, để đưa Việt Nam phát triển trong lĩnh vực này, rút ngắn khoảng cách 10% chi phí logistics trong GDP, tương đương khoảng 30 tỷ USD.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của khởi nghiệp không chỉ đến từ vốn, ý tưởng, mà còn là tâm lý tự ti, sợ thất bại của những người trẻ. "Ở nước ngoài, họ luôn chuẩn bị sẵn tâm thế: Thất bại là chuyện bình thường. Còn với chúng ta, khi thất bại không muốn làm, hoặc dễ mới làm khó thì bỏ. Đây là một trở ngại văn hóa", PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) bày tỏ, 98% startup thất bại nhưng thất bại đó làm nền tảng, "viên đá" lót đường cho thành công sau này. Ngành logistics đang có nhiều vận hội phát triển. Việc được đào tạo bài bản, các bạn trẻ sẽ là những người mở rộng ngành logistics hơn nữa và có thể phát triển thành những đơn vị lớn, tiếp bước thành công mai sau.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nhâm Thị Lương - Giám đốc Công ty Nam Phương cho hay, chúng tôi bắt đầu khởi nghiệp từ con số "0". Nếu muốn làm điều gì đó khác biệt trong một lĩnh vực nào đó, chúng ta sẽ phải hiểu về nó và tìm ra những điểm cần khắc phục. Đồng thời, phải quyết tâm làm đến cùng công việc của mình mới nhìn thấy kết quả.

Yếu tố cốt lõi để thành công

Chia sẻ về yếu tố cốt lõi làm nên thành công của Abivin, ông Phạm Nam Long - nhà sáng lập Abivin cho hay, việc tìm được vấn đề trong thị trường logistics thời điểm đó và lựa chọn giải quyết bằng sản phẩm công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo; sự đồng lòng của các nhân sự Abivin từ những ngày đầu khởi nghiệp.

Thành công của Abivin đến từ nhiều yếu tố hỗ trợ. Từ khối nhà nước, Abivin mong muốn có được những điều kiện tốt hơn về hạ tầng công nghệ thông tin, những ưu đãi về ngành công nghiệp phần mềm tại Việt Nam. Ngoài ra, hỗ trợ công ty kết nối với các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia để giảm chi phí vận hành logistics.

Ông Nguyễn Hữu Tuất - Chủ tịch FastGo chia sẻ, sau 5 năm "chinh chiến" ở nước ngoài, ông hiểu rằng, hành trình khởi nghiệp không phải lúc nào cũng "màu hồng". Tuy nhiên, việc định hình ngay từ đầu, chiến lược kinh doanh, sử dụng con người… startup sẽ có nền tảng vững chắc cũng như hướng đi đúng để vươn tới thành công.

"Với một lộ trình phát triển rõ ràng, nền tảng công nghệ ưu việt và sự ủng hộ của các cơ quan quản lý và người dùng Việt Nam, chúng tôi tin rằng, FastGo sẽ phát triển bền vững, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đem lại lợi ích cho người Việt cũng như đóng góp cho sự phát triển xã hội của Việt Nam" - ông Nguyễn Hữu Tuất khẳng định.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thùy Trinh - CEO Công ty PT Transport Logistics, ngoài đam mê và mong muốn giúp khách hàng hoàn thành chuyến vận chuyển tiết kiệm, kinh tế, an toàn, hiệu quả, các công ty cần "khởi động" sự tự tin để thuyết phục khách hàng.

Sự tự tin không chỉ mang lại hiệu quả cho cuộc giao dịch mà còn tạo nên thương hiệu cho chính công ty. Từ đó, gọi vốn từ nhà đầu tư, học kinh nghiệm từ người đi trước hay sách vở nhưng niềm tin truyền đến khách hàng là yếu tố quan trọng không thể thiếu mà người khởi nghiệp cần phải tự có để khởi nghiệp thành công…