VDSC: Thị trường chứng khoán đã qua giai đoạn tiêu cực nhất

Trần Anh - 08:08, 25/08/2022

TheLEADERTrong nửa cuối năm 2022, VDSC dự báo VN-Index dao động trong khoảng 1.225 – 1.398 điểm. Đồng thời, giá trị khớp lệnh bình quân mỗi phiên giao dịch trên sàn HOSE có thể tăng 20%.

Trong báo cáo triển vọng mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, mặc dù đã quan ngại trước những sự kiện có thể tác động tiêu cực lên thị trường như lạm phát toàn cầu và căng thẳng địa chính trị, sức ảnh hưởng thực tế đã mạnh hơn rất nhiều so với đánh giá, khiến chỉ số VN-Index giảm 20% trong nửa đầu năm.

Trong kịch bản cơ sở trong nửa cuối năm 2022, VDSC dự báo, lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh và mức giảm của chỉ số VN-Index trong nửa đầu năm nay đã phản ánh đầy đủ ảnh hưởng của những sự kiện tiêu cực nhất.

Nhìn sang nửa cuối năm 2022, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết được dự báo vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Không thể kỳ vọng một chính sách tiền tệ mở rộng trong môi trường hiện tại, song sự hạ nhiệt của lạm phát toàn cầu và chỉ số USD Index sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước thêm không gian điều tiết thị trường trường tiền tệ, vừa giữ được lãi suất điều hành và ổn định tỷ giá trong biên độ mục tiêu, vừa cấp đủ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế.

Về diễn biến thị trường chứng khoán, VDSC dự báo VN-Index dao động trong khoảng 1.225 – 1.398 điểm. Đồng thời, giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE có thể tăng 20% so với mức bình quân của quý 2 lên 17.000 – 19.000 tỷ đồng/phiên trong những tháng còn lại của năm.

VDSC chỉ ra nhiều nhóm yếu tố hỗ trợ thị trường trong giai đoạn nửa cuối năm. Xét về vĩ mô thế giới, lạm phát có xu hướng hạ nhiệt. Trong tháng 8/2022, Mỹ công bố lạm phát ở mức 8,5 %, bắt đầu xu hướng hạ nhiệt so với con số cao kỷ lục 9,1% trước đó. Giá cả nhóm năng lượng, lương thực và vận tải, ba nhóm hàng tác động mạnh nhất lên chỉ số lạm phát đang có xu hướng cải thiện khả quan từ giữa 6/2022.

Bên cạnh đó, số liệu việc làm tại Mỹ vẫn đang tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong báo cáo tháng 7/2022 đang ở mức 3,5%, tiếp tục xu hướng giảm nhẹ 0,1% so với tháng 6. Đây cũng là mức thấp kỷ lục về số liệu việc làm tại Mỹ trong 10 năm trở lại đây.

Đối với tình hình vĩ mô trong nước, VDSC đánh giá quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam đã tăng tốc trong 6 tháng đầu năm, với mức tăng trưởng 5,1% trong quý 1/2022 và 7,7% trong quý 2/2022 nhờ lĩnh vực công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng (tăng 9,7%), nhóm ngành dịch vụ phục hồi, bên cạnh sức mua tiêu dùng cũng ghi nhận sự cải thiện.

Theo dự báo của World Bank, mức tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm 2022 có thể lên đến 7,5% và 6,7% năm 2023. Lạm phát trung bình trong năm 2022-2023 kỳ vọng vẫn giữ ổn định dưới 4%.

Về lãi suất và chính sách tiền tệ, đến tháng 7/2022, chênh lệch tiền gửi và tín dụng đã chuyển sang con số âm, dẫn đến các NHTM phải gia tăng huy động để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn và mở rộng hoạt động cho vay. Trên cơ sở này, hầu hết NHTM đã tăng nhẹ lãi suất huy động từ 0,1-0,3 điểm % một số kỳ hạn.

Tuy nhiên, dự báo nhu cầu vốn của các NHTM không quá lớn do hạn mức tăng trưởng tín dụng 5 tháng còn lại chỉ ở 4,6%, trên quan điểm NHNN vẫn đang giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%, nhằm tránh cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng đồng thời ổn định tỷ giá và lạm phát.

Do đó, lãi suất huy động có thể duy trì đà tăng nhẹ trong các tháng còn lại của năm, tuy nhiên dự báo con số điều chỉnh tăng chỉ ở mức dưới 0,5%.

Ở thị trường trong nước, định giá VN-Index đang ở mức hấp dẫn. Dòng tiền có khả năng phục hồi đáng kể. Số dư tiền gửi đang ở mức cao; tỷ lệ sử dụng margin đang ở mức thấp và khả năng thanh khoản từ giao dịch T+2.

Trong nửa cuối năm 2022, VDSC dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của VN-Index vẫn duy trì mức dương nhưng không còn mạnh mẽ. Những nhóm ngành dự báo tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong nửa cuối năm gồm ngân hàng, dược, bất động sản, hàng không, bán lẻ, điện.

Ở chiều ngược lại, các ngành dầu khí, hàng tiêu dùng và vật liệu cơ bản dự báo giảm lợi nhuận so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo VDSC, nhà đầu tư vẫn cần quan sát thêm sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc; rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác; căng thẳng địa chính trị leo thang.