Việt Nam tiếp tục duy trì lộ trình phục hồi

Phương Anh - 11:44, 05/04/2024

TheLEADERTriển vọng thương mại và FDI lạc quan đã giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng vững vàng, tuy nhiên, cần lan tỏa sự tích cực này sang các dịch vụ trong nước.

Việt Nam tiếp tục duy trì lộ trình phục hồi
Tăng trưởng kinh tế đang có nhiều dấu hiệu khả quan. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

Các điểm sáng kinh tế

Các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy, các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Lần đầu tiên kể từ Covid-19, số lượng du khách đến Việt Nam hàng tháng gần chạm mốc 1,6 triệu, vượt 13% so với mức trước đại dịch. Mặc dù một phần nguyên nhân đến từ mức cơ sở thấp, việc du khách Trung Quốc ồ ạt quay trở lại cũng mang đến sự hỗ trợ cần thiết.

Nhận định này được bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC, đưa ra trong phân tích mới nhất về Việt Nam.

Việt Nam tiếp tục duy trì lộ trình phục hồi
Sự phục hồi của du khách Trung Quốc, % so với năm 2019

Sau khi Singapore trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN chứng kiến du khách Trung Quốc gần như trở lại hoàn toàn vào tháng 2/2024, Việt Nam cũng theo sát cuộc đua này với tỷ lệ phục hồi lên đến 90% trong tháng trước.

Theo bà, nguyên nhân một phần đến từ nỗ lực không ngừng của Việt Nam nhằm khôi phục lại các chuyến bay với Trung Quốc, hiện đã đạt gần 80% của mức trước đại dịch.

Mặc dù lượng du khách Trung Quốc sang ASEAN gần đây đã tăng lên tích cực nhưng vẫn còn dư địa để cải thiện hơn nữa. Điều đáng khích lệ là các cơ quan quản lý đang xem xét mở rộng danh sách miễn thị thực.

Cùng với mảng du lịch, lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu bên ngoài tiếp tục lấy lại phong độ trước đây, khi tăng trưởng quý I cao hơn tới 17% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Yun Liu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do một đợt đi lên của chu kỳ điện tử và Việt Nam được hưởng lợi nhờ đóng vai trò trung tâm sản xuất quan trọng cho điện thoại thông minh của Samsung.

Điều này có chút khác biệt so với các nước khác trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore vốn chuyên sâu về bộ vi xử lý sử dụng trí tuệ nhân tạo (chip AI).

Bên cạnh điện tử, sự phục hồi của xuất khẩu tiếp tục lan rộng sang những ngành hàng khác như dệt may và da giày, mặc dù đóng góp vào tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp.

Ngoài ra, triển vọng dài hạn của FDI tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Việt Nam.

Khi xem xét nơi xuất phát của vốn đầu tư trong quý I/2024, điểm thú vị là Singapore đã giành ngôi vương là nước cung cấp FDI lớn nhất vào Việt Nam, với tỷ lệ ấn tượng là 50%.

Khu vực Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Macau từng chiếm một nửa FDI của Việt Nam trong năm 2023, nay chỉ còn chiếm tổng cộng 15%.

Một số vấn đề cần cẩn trọng

Mặc dù hiện lạm phát của Việt Nam vẫn nằm dưới trần lạm phát 4,5% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các rủi ro lạm phát vẫn còn đó. Một phần là do lạm phát giá gạo vẫn dao động ở mức hai con số.

“Chúng ta cần tiếp tục cẩn trọng với rủi ro tăng lạm phát thực phẩm và năng lượng, mặc dù chúng tôi không kỳ vọng NHNN sẽ có biện pháp nới lỏng trong tương lai gần. Chúng tôi dự báo NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở 4,5% trong giai đoạn này và tới năm 2025”, báo cáo của HSBC nêu.

Trong trao đổi với TheLEADER vào tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhận định, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những tác động tiêu cực của môi trường bên ngoài.

Điều này đến từ bối cảnh kinh tế toàn cầu trong năm 2024 được dự kiến là sẽ tăng trưởng chậm hơn so với năm 2023 do những yếu tố bất ổn từ căng thẳng địa chính trị đang ngày càng gia tăng.

Sự phục hồi chậm của thương mại toàn cầu nói chung và nhu cầu bên ngoài nói riêng sẽ tiếp tục là lực cản chủ yếu, hay nói như bạn là ‘cơn gió ngược’, tác động tiêu cực đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu và có độ mở lớn như Việt Nam.