Vinasun tìm cách đối đầu với taxi điện GSM

Hứa Phương - 20:03, 25/04/2023

TheLEADERĐể giữ vững thị phần và tăng trưởng, ngoài việc tiếp tục cải thiện, nâng cấp dịch vụ, đầu tư xe mới thì Vinasun cũng dự kiến đưa xe điện vào kinh doanh trong năm 2023.

Bên cạnh việc cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần với các hãng xe công nghệ như Grap, Be Group…các cổ đông của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) còn thể sự lo lắng khi xe điện Vinfast của Công ty Di chuyển xanh và thông minh GSM (GSM) sắp tham gia thị trường TP.HCM.

Cách để ông lớn Vinasun đối đầu với taxi điện GSM
Dự kiến trong năm 2023, Vinasun cũng sẽ đưa xe điện vào kinh doanh taxi

Về vấn đề này, tại ĐHCĐ thường niên năm 2023 của Vinasun, ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc cho biết bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khi có thêm đối thủ cạnh tranh đều sẽ có tác động đến thị phần.

Tuy nhiên Vinasun đã có kinh nghiệm từ 2015, 2016 khi các hãng xe công nghệ như Grab, Uber xuất hiện.

Taxi điện chỉ là một phương tiện chứ không phải mô hình kinh doanh mới. Đối với taxi, khách hàng cần sự nhanh chóng, tiện lợi, an toàn, phủ lấp đầy, có các phương tiện như app, tổng đài, để phục vụ khách hàng nhanh nhất.

Do đó, phương hướng xuyên suốt của Vinasun là đặt khách hàng lên hàng đầu. Giá trị của Vinasun nằm ở dịch vụ. Với sự xuất hiện của xe điện, Vinasun chắc chắn cần phải cải thiện từ dịch vụ đến chất lượng xe, đó là lý do công ty đầu tư nhiều xe mới trong năm nay.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, Vinasun đang sở hữu 2,620 xe. Vinasun dự kiến sẽ đầu tư khoảng 700 chiếc xe mới trong năm 2023.

Vinasun tập trung chủ yếu vào các thị trường TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, và Đà Nẵng. Ngoài ra, công ty sẽ tìm kiếm các cơ hội hợp tác với những đối tác có tiềm năng về kinh doanh vận tải, công nghệ, tiêu dùng thanh toán để tận dụng lợi thế và tạo sự cạnh tranh bền vững.

Bên cạnh đó, theo ông Minh thì Vinasun cũng đang nghiên cứu tiếp cận và dự kiến đưa xe điện vào kinh doanh taxi trong năm 2023. Ngoài xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch như xăng, dầu thì còn có xe dùng khí hoá lỏng, hydrogen, điện. Về lý thuyết, phương tiện sạch và xanh là điều Vinasun đang hướng tới.

Tuy nhiên với một doanh nghiệp vận tải taxi, cần phải đánh giá tính khả thi ở mọi phương diện trước khi đưa một phương tiện vào kinh doanh.

Hiện nay, Vinasun phải quan tâm đến 4 lĩnh vực: chi phí đầu tư; chi phí vận hành; chi phí bảo dưỡng, phụ tùng, giá xe khi thanh lý và tính thanh khoản. Hiện nay, trên các phương tiện đang có mức độ so sánh giữa xăng và điện.

Nhưng với Vinasun, điện chỉ là một phần, còn phải tính toán đến chi phí pin. Phải tính toán giữa xăng và pin, điện.

Điều thứ 2 phải cân nhắc là chi phí thời gian, chi phí cơ hội đối với một chiếc xe khi vận hành, cụ thể là thời gian chờ đợi sạc điện để lưu hành và tính sẵn sàng sạc điện.

Khi cung và cầu của các trạm sạc thay đổi trong tương lai, xe điện gia tăng, vị trí và tính phổ biến của các trạm sạc cực kỳ quan trọng.

Do đó, Vinasun phải tính được hiệu suất thời gian, chi phí cơ hội của lái xe với. Vinasun đang nghiên cứu, đánh giá tính khả thi và chắc chắn sẽ tìm kiếm cơ hội để triển khai.

Năm 2023, Vinasun đặt kế hoạch doanh thu đạt 1.345 tỷ đồng, tăng trưởng 23.5% so với thực hiện năm 2022. Lãi sau thuế đạt 209 tỷ đồng, tăng trưởng gần 13%. Trong 3 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Vinasun đã đạt 53 tỷ đồng, hoàn thành 25% kế hoạch cả năm.