Xây dựng đội ngũ hiệu suất cao trong thời kỳ khủng hoảng

Hoàng An - 09:00, 22/04/2023

TheLEADERTheo Báo cáo Nhân tài Khởi nghiệp Đông Nam Á 2023, giờ đây, nhiều nhà sáng lập đã phải cắt giảm phần lớn nhân sự và chi tiêu, hạn chế các kế hoạch mở rộng và thử nghiệm, đồng thời cố gắng duy trì dòng tiền dương và tạo ra lợi nhuận.

Xây dựng đội ngũ hiệu suất cao trong thời kỳ khủng hoảng
Trong khủng hoảng, doanh nghiệp thường tập trung vào xây dựng đội ngũ hiệu quả (Ảnh: AFA Design)

Trong môi trường gọi vốn khó khăn, hầu hết các nhà sáng lập đang hướng vào bên trong, củng cố các giá trị cốt lõi để thu hút và giữ chân nhân tài. Nhiều nhà sáng lập startup cũng đã tự nguyện cắt giảm lương chính mình để duy trì tinh thần của đội ngũ nhân sự.

Trả lời khảo sát của Glints, các nhà sáng lập và nhà đầu tư nhiều năm kinh nghiệm đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm giúp các startup xây dựng đội ngũ hiệu suất cao trong thời kỳ khủng hoảng. Mặc dù đây không phải là những đề xuất, khuyến nghị mới mẻ, nhưng lại là những lời khuyên có giá trị bền vững đối với doanh nghiệp xuyên suốt các thời kỳ.

Thấu hiểu và sáng tạo

Theo ông Oswald Yeo, đồng sáng lập và CEO của Glints, để xây dựng một đội ngũ hiệu suất cao, các startup cần tập trung vào việc thu hút một số nhân tài chất lượng vào thời điểm ban đầu, bất kể việc này khó khăn và mất thời gian bao lâu. Những nhân tài hạng A này sẽ tự động thu hút những nhân tài hạng A khác.

Theo thời gian, startup đó sẽ được biết tới là một doanh nghiệp tuyệt vời để những nhân tài hàng đầu cống hiến và làm việc. Việc thỏa hiệp, chấp nhận thuê những nhân tài hạng B để đáp ứng những nhu cầu nhân sự nhất thời là điều nguy hiểm đối với việc xây dựng đội ngũ nhân tài của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, các nhà sáng lập và lãnh đạo startup cho rằng doanh nghiệp cần tập trung vào tuyển dụng và bồi dưỡng những cá nhân có tư duy chiến lược, dễ thích nghi hơn là những ứng viên có kinh nghiệm làm việc ở các công ty lớn.

Có rất nhiều yếu tố để doanh nghiệp cân nhắc tuyển dụng hoặc bồi dưỡng nhân tài trong thời kỳ khủng hoảng.Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể cung cấp cho nhân sự một bộ kỹ năng linh động và kiểm tra xem họ đã biết cách tận dụng nguồn tài nguyên hay chưa? Doanh nghiệp có thể đánh giá xem liệu tiềm năng của họ sẽ phát triển như thế nào trong tương lai? Liệu họ có thể hoạt động ở mức độ tương đương hoặc cao hơn so với những thành viên sáng lập hay không? Và đối với một nhân sự có thành tích cao, họ có đủ khả năng để trở thành nhà đồng sáng lập?

Về hoạt động thu hút nhân tài, ông Tay Sijun, đồng sáng lập Pawjourr cho rằng với nhiều nền tảng hỗ trợ quản lý hoạt động chuyên nghiệp như GitHub, Slack hay Asana…, các startup hoàn toàn có thể đẩy mạnh xu hướng tìm kiếm nhân tài toàn cầu hóa và làm việc phi tập trung thay vì xu hướng tuyển dụng nội địa trước kia. Điều này có thể giúp doanh nghiệp đạt được hiệu suất làm việc tương tự, với chi phí thấp hơn so với trước đây.

Trong khi đó, về mức lương, thưởng dành cho đội ngũ nhân sự, bà Susli Lie, Đối tác tại Monk’s Hill Ventures, cho rằng các startup có thể áp dụng nhiều cách để cân bằng tổng chi phí nhân sự.

Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, một số công ty đã đưa ra các chương trình, theo đó nhân viên có thể xin nghỉ phép và nhận lương ngắn hạn, chẳng hạn nhân viên sẽ được trả lương 1 tuần cho mỗi 4 tuần nghỉ phép. 

Đây là những thay đổi cần thiết và hữu ích, đặc biệt là trong thời kỳ này, khi hiệu suất đóng góp của nhân viên không còn được như trước đây (doanh số bán hàng giảm xuống ở hầu hết các doanh nghiệp).

Duy trì văn hóa doanh nghiệp phù hợp

Ông Peng T. Ong, Đối tác sáng lập của Monk’s Hill Ventures cho biết: “Văn hóa doanh nghiệp là điều giúp doanh nghiệp tồn tại. Doanh nghiệp cần phải hiểu rõ văn hóa của mình là gì, chuyển đổi nó thành các giá trị và trình bày chúng một cách rõ ràng. Nếu văn hóa của doanh nghiệp phải thay đổi vì tình hình kinh tế thay đổi, thì ngay từ đầu doanh nghiệp đã có một nền văn hóa sai lầm.”

Những công ty đa quốc gia cần phải có một tập hợp các giá trị văn hóa nhất quán, tránh tình trạng mỗi quốc gia lại có một tập hợp giá trị văn hóa khác nhau. Việc xác định một tập hợp các giá trị văn hóa chung, chia nhỏ thành chính xác những gì doanh nghiệp muốn thực hiện, mã hóa và thực hiện những giá trị văn hóa đó một cách nghiêm túc và hệ thống là điều vô cùng quan trọng trong việc vận hành doanh nghiệp.

Ngoài ra, với môi trường làm việc chủ yếu là người trẻ (Gen Z và gen Y) như các startups hiện nay, biện pháp giữ chân nhân tài thích hợp nhất là biện pháp về mặt tinh thần (well-being), hỗ trợ tâm lý và đầu tư vào các hoạt động chung cho nhân viên.

“Chìa khóa để giữ chân nhân viên, đặc biệt là với thế hệ trẻ, là xây dựng một gia đình nơi mọi người có thể cảm thấy như họ là một phần của nền văn hóa, thay vì một môi trường thuần công việc”, ông Alexander Friedhoff, đồng sáng lập và CEO của Etaily cho biết.

Tăng cường giao tiếp và minh bạch hoạt động

Hầu hết các nhà sáng lập và lãnh đạo cấp cao của các startup cho rằng doanh nghiệp nên đưa thông tin một cách rõ ràng và minh bạch đối với hệ thống nhân viên các cấp. Điều này sẽ giúp cho nhân viên doanh nghiệp hiểu rằng doanh nghiệp đang thực sự trải qua tình hình như thế nào, từ đó vững tâm hơn trong công việc.

Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh giao tiếp, trao đổi trong doanh nghiệp để thông tin được lưu thông dễ dàng, các bộ phận trong doanh nghiệp phối hợp với nhau nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Ông Robbi Baskoro, đồng sáng lập kiêm CTO của startup Logisly cho biết: “Hầu hết mọi người Indonesia chúng tôi được dạy rằng phạm lỗi tại nơi làm việc có thể bị sa thải. Tuy nhiên, tại Logisly, chúng tôi tạo ra một nền văn hóa minh bạch.Ở đây, mọi người không cần phải giấu diếm những sai lầm của mình mà có thể học hỏi từ chúng. Chúng tôi tổ chức các chương trình thăng chức nội bộ và thiết lập các mốc thăng tiến để giúp mọi người đi đúng hướng. Hơn nữa, chúng tôi luôn trao đối với nhân viên một cách rất chi tiết, rõ ràng về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và giúp họ yên tâm hơn về những kế hoạch và mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp.”

Đồng tình với ý kiến của ông Robbi, bà Nellie Wartoft, nhà sáng lập kiêm CEO của Tigerhall bày tỏ: “Chúng tôi luôn chia sẻ với nhân viên của mình về dòng tiền, tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty. Mỗi khi đưa ra một quyết định sai, tôi cũng sẽ công khai thông tin này với nhân viên. Trên thực tế, trong cuộc hợp hội đồng quản trị cũng như cuộc họp với nhân viên, tôi sử dụng cùng một bộ tài liệu".

“Khi ban lãnh đạo chưa có lời giải đáp cho một vấn đề nào đó, chúng tôi cũng rất thẳng thắn tìm câu trả lời từ phía nhân viên. Tigerhall không chỉ là công ty của các thành viên sáng lập mà còn là công ty của nhân viên. Tigerhall đã, đang và sẽ có tác động lớn đến cuộc sống của nhân viên. Vì vậy, họ nên có cơ hội để thực sự thúc đẩy, định hướng hoạt động của doanh nghiệp. Và tôi nghĩ minh bạch là bước đầu tiên trong quá trình đó,” bà Nellie cho biết thêm.

Theo các startup, lãnh đạo các doanh nghiệp cần phải thường xuyên lắng nghe, trò chuyện trực tiếp với nhân viên; đồng thời kiên trì với tầm nhìn, sứ mệnh và chiến lược của công ty để có thể gắn kết mọi người với nhau trên cùng một hành trình.