Xe máy điện liệu có thay đổi được cuộc chơi gọi xe công nghệ?

Việt Hưng - 14:42, 27/07/2023

TheLEADERTheo CEO GSM, lợi thế của Xanh SM là phát triển hệ sinh thái dịch vụ xe điện từ đầu, thay vì dịch chuyển từ xe xăng sang xe điện như các ứng dụng lớn trên thế giới như: Grab, Uber, Gojek, Kakao Mobility, Didi hay Ola.

Từ đầu quý 2 năm nay, xe máy điện nổi lên như một xu hướng mới tại thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam, khi lần lượt có sự góp mặt của những thương hiệu hàng đầu như Grab, Gojek, Be, hay Baemin.

Các ứng dụng gọi xe sở hữu nền tảng công nghệ mạnh, số lượng người dùng và mạng lưới đối tác tài xế rộng khắp muốn chuyển đổi việc giao hàng, giao đồ ăn, chở khách từ xe xăng sang xe máy điện, thông qua hợp tác với các nhà sản xuất tại Việt Nam.

Việc sử dụng xe máy điện thay cho xe máy chạy xăng được các doanh nghiệp đánh giá là tốt cho môi trường, hợp với xu thế tương lai, và quan trọng là tiết kiệm chi phí nhiên liệu, lẫn chi phí bảo dưỡng cho các tài xế công nghệ.

Mở đầu là hợp tác giữa Gojek Việt Nam và startup xe điện Dat Bike. Không lâu sau đó, Grab Việt Nam tuyên bố thử nghiệm dịch vụ giao hàng bằng xe máy điện của startup Selex Motors. Trong khi Baemin thì đang bắt tay thử nghiệm với cả 2 startup này.

Duy nhất Be Group là chưa công bố dịch vụ gọi xe bằng xe máy điện. Tuy nhiên, dịch vụ này gần như chắc chắn sẽ có mặt trên ứng dụng Be trong tương lai, sau khi Be Group nhận đầu tư từ Công ty Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) vào tháng 3/2023.

Trường hợp của GSM khá thú vị, khi đây là một công ty mới thành lập do ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ 95% cổ phần. Mục tiêu của GSM là cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast.

Xe máy điện liệu có thay đổi được cuộc chơi gọi xe công nghệ?
CEO GSM - ông Nguyễn Văn Thanh

Không chỉ đứng ở vai trò cho thuê, GSM còn dự kiến cung cấp cả dịch vụ gọi xe máy điện ngay trong tháng 8/2023 với tên gọi Xanh SM Bike. CEO GSM - ông Nguyễn Văn Thanh tin rằng, xe máy điện sẽ thay đổi "cuộc chơi" tại thị trường gọi xe Việt Nam.

Thực tế, trong khoảng 4 năm trở lại đây, thị trường gọi xe Việt Nam không có nhiều biến động về mặt thị phần - nhất là khi nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu luôn là: Grab, Be, Gojek. Tân binh góp mặt gần nhất là Baemin.

Theo báo cáo của ABI Research trong nửa đầu năm 2020, Grab là ứng dụng chiếm thị phần số một - lên tới 74,6%, với với việc hoàn tất 62,5 triệu cuốc xe. Ứng dụng Be nắm giữ vị thế số 2 với thị phần 12,4%, còn Gojek là 12,3%.

Sau đó khoảng một năm, chênh lệch thị phần giữa Grab Việt Nam và các ứng dụng khác dần được thu hẹp. Khảo sát của Q&Me công bố vào tháng 6/2021 cho thấy, Grab chỉ còn chiếm khoảng 60% thị phần gọi xe, Gojek chiếm 19%, và ứng dụng Be là 18%.

Do đó, để thay đổi "cuộc chơi" - hay chiếm lĩnh thị phần gọi xe vốn đã được phân chia sẵn chắc chắn sẽ là thách thức với một tân binh như Xanh SM.

"Việc có thêm xe máy điện giúp Xanh SM trở thành nền tảng đầu tiên trên thế giới thuần điện 100% với các dịch vụ từ xe ôm, giao hàng, cho thuê, taxi là một lợi thế, vì chúng tôi bắt đầu từ đầu và đồng nhất chất lượng từ dịch vụ tới phương tiện thay vì chuyển dịch", CEO GSM nói.

Theo ông Thanh, lợi thế của Xanh SM là phát triển hệ sinh thái dịch vụ xe điện từ đầu, thay vì dịch chuyển từ xe xăng sang xe điện như các ứng dụng lớn trên thế giới như: Grab, Uber, Gojek, Kakao Mobility, Didi hay Ola.

Xe máy điện liệu có thay đổi được cuộc chơi gọi xe công nghệ? 1
Thực tế các thương hiệu như Grab, Gojek, Uber đều chỉ là các doanh nghiệp thuần phát triển ứng dụng

Chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thanh là có cơ sở, khi thực tế các thương hiệu như Grab, Gojek, Uber đều chỉ là các doanh nghiệp thuần phát triển ứng dụng, thay vì có liên quan trực tiếp tới hệ sinh thái xe điện như GSM được VinFast hậu thuẫn.

Rào cản mà các ứng dụng gọi xe hiện nay đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện đó là chi phí chuyển đổi ban đầu.

Chi phí này bao gồm việc thuyết phục các tài xế chuyển đổi sang xe máy điện, chi phí xây dựng hệ sinh thái ba bên gồm: nhà sản xuất xe máy điện, ngân hàng tài trợ vốn chuyển đổi, cũng như đơn vị chấp nhận bảo hiểm xe máy điện.

Ông Jinwoo Song - CEO Baemin Việt Nam cho rằng, chỉ khi nào các ứng dụng gọi xe xây dựng được hệ sinh thái ba bên xoay quanh xe máy điện, thì khi đó các hoạt động vận tải, giao hàng, giao đồ ăn bằng xe máy điện mới thực sự phổ biến.

"Giá thành xe máy điện hiện tại vẫn tương đối cao so với thu nhập của tài xế, nên chúng tôi mong muốn hệ sinh thái này sẽ phần nào hỗ trợ tài xế trong việc sử dụng xe điện, chẳng hạn như cung cấp những gói vay ưu đãi dành riêng cho tài xế Baemin khi họ có nhu cầu đổi sang xe điện", ông Jinwoo Song.

Dù chưa thể đưa ra đánh giá, tác động về mặt thị phần sau khi các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam chuyển đổi sang xe điện, nhưng vị CEO tin rằng thị trường xe điện ở Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh trong những năm tới, nhất là khi có nhiều bên cùng tham gia vào thị trường, như các đơn vị hỗ trợ tài chính, các nhà sản xuất xe điện...