Xu hướng năng lượng tái tạo đang lên ngôi

Phạm Sơn - 09:22, 06/06/2020

TheLEADERĐứng trước những nguy cơ về biến đổi khí hậu, quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo đang ngày càng thể hiện một vai trò tất yếu.

Nhiên liệu hóa thạch

Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), phương thức sản xuất điện bằng than đốt chiếm tới 38% sản lượng điện toàn cầu, tạo ra 10 tỷ tấn khí thải các bon gây hại cho môi trường cũng như sức khỏe của con người.

Hàng năm, thống kê cho thấy, số người chết vì các lý do liên quan đến sản xuất điện bằng than đốt dao động từ 200.000 – 550.000 người tính riêng tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và châu Âu.

Xu hướng năng lượng tái tạo đang lên ngôi
Điện than đã tạo ra 10 tỷ tấn khí thải các bon gây hại cho môi trường cũng như sức khỏe của con người.

Hội đồng Quốc tế về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, để thực hiện được mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng thêm quá 1,5 độ C, cần phải thực hiện lộ trình cắt giảm tỷ trọng sản xuất điện bằng than xuống còn 9% vào năm 2030 và 0,6% vào năm 2050.

Tuy nhiên, dường như mục tiêu này vẫn còn quá xa vời khi tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 1.000 nhà máy điện than đang được lên kế hoạch xây dựng trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, những nhà máy điện than đang còn hoạt động có tuổi thọ trung bình là khoảng 11 năm, nhưng dự kiến sẽ hoạt động được trong khoảng 30 - 40 năm.

Dầu mỏ cũng là một loại nhiên liệu hóa thạch được sử dụng rộng rãi. Theo một nghiên cứu được tiến hành vào tháng hai, mặc dù nhu cầu sử dụng dầu mỏ đang chứng kiến mức tụt giảm lịch sử nhưng mức tiêu thụ trung bình mỗi ngày vẫn nằm ở mức 101,1 triệu thùng trong năm 2020.

Nhiên liệu hóa thạch sẽ còn bị tiêu thụ nhiều hơn nữa nếu những chính sách của chính phủ chỉ tập trung hướng tới việc phục hồi nền kinh tế trên những con số.

Xu hướng năng lượng sạch

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Chen Ji đến từ Học viện Rocky Mountain (RMI), sự tụt giảm trong nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch thời gian vừa qua không hoàn toàn do những lệnh giãn cách xã hội, mà còn một phần nhờ sự trỗi dậy của những nguồn năng lượng tái tạo.

Theo Bloomberg New Energy Finance (BNEF), doanh số của dòng xe điện EV trên toàn cầu đã tăng từ 100.000 mỗi năm vào năm 2012 lên tới 2 triệu vào năm 2018.

EV (Electric Vehicle) là dòng xe hơi hoạt động 100% bởi năng lượng điện thay vì sử dụng động cơ đốt trong bởi xăng hay dầu diesel. Hiện tại, doanh số xe EV mới chỉ chiếm phần nhỏ trong thị trường xe hơi toàn cầu, nhưng những chính sách trợ giá hay lộ trình cắt giảm xe hơi truyền thống đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho dòng sản phẩm thân thiện với môi trường này.

Xu hướng năng lượng tái tạo đang lên ngôi 1
Chi phí sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng được đẩy mạnh đầu tư do chi phí sản xuất giảm mạnh.

Một nguyên nhân dẫn tới sự tăng trưởng của doanh số xe EV nằm ở việc giá thành sản xuất pin lithium-ion giảm mạnh, từ 1.160 đô la vào năm 2010 xuống còn 176 đô la vào năm 2018.

Bên cạnh đó, sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng được đẩy mạnh đầu tư do chi phí sản xuất giảm mạnh, nhờ những cải tiến trong công nghệ, quy mô thị trường, kinh nghiệm sản xuất và những ưu đãi từ phía chính phủ.

Báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) chỉ ra rằng, chi phí sản xuất điện mặt trời tập trung trung bình đã giảm 82% so với năm 2010. Con số này là 39% với điện từ những dự án điện gió được xây dựng trên đất liền.

Cũng theo IRENA, trung bình sản lượng điện tái tạo vào năm 2019 tăng gần gấp đôi so với năm 2010 với mức đầu tư chỉ cần tăng thêm 18%.

Cùng với xu hướng kinh tế tuần hoàn đang phát triển ở nhiều quốc gia, một số nhiên liệu đốt sinh học cũng được sử dụng để thay thế than và dầu mỏ nhằm hạn chế sử dụng tài nguyên hóa thạch đang dần cạn kiệt.

Giải pháp thúc đẩy năng lượng sạch

Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF đề xuất hai biện pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch.

Đầu tiên, thúc đẩy xây dựng hệ thống năng lượng phân tán (DES). DES là mô hình cấp phát năng lượng bằng cách tạo ra năng lượng ở gần hoặc ngay tại nơi tiêu thụ, ví dụ như hệ thống điện gió, điện mặt trời gia đình.

Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch có thể diễn ra rất nhanh, vì vậy các quốc gia cần nhanh chóng đưa ra những chính sách phù hợp để tạo ra động lực, tránh cản trở quá trình này.
Alejandro Nuñez-Jimenez
Chuyên gia năng lượng – Viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ (ETH)

Đây được coi là giải pháp hàng đầu cho xu hướng sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường cũng như tăng cường khả năng tiếp cận điện tới những vùng dân cư gặp khó khăn. Hệ thống điện phân tán cũng dễ dàng phục hồi sau thiên tai, bão lũ khi không phải phụ thuộc vào đường dây diện tập trung.

Các cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh hay cung ứng dịch vụ cũng có thể cân nhắc sử dụng mô hình này như một biện pháp thay thế trong trường hợp mất điện do sự cố, thay thế những máy phát điện truyền thống chạy bằng xăng dầu như hiện nay.

Thứ hai, số hóa ngành năng lượng tái tạo. Theo đó, quá trình tích hợp các hệ thống phân phối điện tập trung và phi tập trung có thể gây ra nhiều rắc rối. Một hệ thống kỹ thuật số giúp trao đổi dữ liệu cũng như thiết lập thông minh các thiết bị tiêu tốn điện năng giữa những tòa nhà có thể là giải pháp cho vấn đề này.

Theo đó, hệ thống kỹ thuật số có thể tính toán nhu cầu sử dụng năng lượng với sản lượng điện được sản xuất và dự trữ để quyết định lấy điện từ mạng lưới tập trung hay từ hệ thống điện độc lập. Các hoạt động tiêu tốn điện không cần thiết cũng có thể được tạm ngắt để tối ưu hóa năng lượng sử dụng.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, một hệ thống kỹ thuật số tối ưu được áp dụng trong các tòa nhà tại đô thị có thể cắt giảm tới 80% năng lượng hao phí.

Về khung chính sách, WEF đánh giá cao những nỗ lực của Indonesia trong việc thúc đẩy hợp tác để thay thế những nhà máy điện than cũ bằng điện tái tạo và lộ trình cắt giảm công suất điện than, đồng thời tăng cường điện tái tạo do Ban chỉ đạo phát triển điện lực quốc gia Việt Nam đề xuất.

Các chính sách này sẽ là nền tảng ban đầu để hoàn thiện khung pháp lý, chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm đẩy mạnh công cuộc phát triển bền vững ngành công nghiệp năng lượng, đặc biệt là ở những quốc gia đang trong tình trạng thâm dụng quá mức vốn tự nhiên.

Ông Alejandro Nuñez-Jimenez, Chuyên gia năng lượng đến từ Viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ (ETH) cho biết, chính sách hỗ trợ về tài chính cho quá trình sản xuất điện FIT (bao gồm yêu cầu các nhà cung ứng phải ký hợp đồng mua điện từ ít nhất một nhà sản xuất điện sạch, trợ giá cho năng lượng điện tái tạo và trợ giá cho quy mô sản xuất tăng dần) có thể đạt được lợi ích trong thời gian đầu, nhưng nếu không theo dõi sát sao và điều chỉnh phù hợp, có thể gây ra rủi ro về gánh nặng ngân sách.

Từ đó, ông Nuñez-Jimenez đề xuất các chính phủ nên đưa ra chính sách linh hoạt hơn, như trợ cấp ưu đãi qua từng mốc, đồng thời đặt ra những ràng buộc về tiến độ tăng trưởng sản lượng và quy mô. Thay vì mất nhiều tháng trời để thông qua quy định mới, biện pháp này sẽ tạo ra phản ứng ngay tức khắc, tránh thiệt hại về ngân sách nhưng cũng đảm bảo “mở đường” cho ngành năng lượng sạch.

Năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ trở thành nguồn năng lượng chính cho quá trình phát triển của thế giới. Tuy nhiên, tiến trình chuyển đổi này yêu cầu sự hỗ trợ và thúc đẩy từ phía chính phủ cùng ý thức của mỗi doanh nghiệp và cá nhân.

Mỗi bước đẩy nhanh việc áp dụng năng lượng sạch là một bước đẩy lùi những thảm họa mà biến đổi khí hậu có thể gây ra trong tương lai không xa.