Xuất khẩu của ASEAN khó hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa

Kiều Mai - 08:12, 01/02/2023

TheLEADERViệc mở cửa trở lại của Trung Quốc được đánh giá khó có thể mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho xuất khẩu chung của ASEAN, khi phần lớn hàng xuất khẩu của khu vực sang Trung Quốc được chuyển vào lĩnh vực công nghiệp, thay vì nằm trong chu kỳ tiêu dùng, theo HSBC.

Bức tranh xuất khẩu đa chiều

Từ năm 2020, ASEAN đã vượt EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Nhờ mối quan hệ thương mại ngày càng sâu sắc, tỷ trọng của Trung Quốc trong xuất khẩu từ ASEAN đã tăng mạnh trong 15 năm qua, và thị trường này đã trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực.

Năm 2022, xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc là một bức tranh đa chiều, dẫn đầu là Indonesia, nước có xuất khẩu đã phục hồi toàn lực, và tiếp theo là Việt Nam và Malaysia.

Trong khi đó, câu chuyện ở Singapore, Thái Lan và Philippines lại đi theo chiều hướng ngược lại, với xuất khẩu giảm tới 30% so với cùng kỳ trong hầu hết nửa sau năm 2022.

Xuất khẩu của ASEAN khó hưởng lợi dù Trung Quốc mở cửa

Vấn đề nằm ở loại sản phẩm mà mỗi thị trường ASEAN xuất khẩu, HSBC phân tích trong báo cáo mới nhất về khu vực này.

Cụ thể hơn, ASEAN đã đạt được thị phần đáng kể trong lĩnh vực nông nghiệp và tài nguyên, khoáng sản, nhưng lại chứng kiến thâm hụt ngày càng lớn đối với các mặt hàng như dệt may và điện tử.

Mặc dù giảm mạnh so với thời kỳ đạt đỉnh, một nửa xuất khẩu của Indonesia là tài nguyên, khoáng sản, đứng đầu khu vực. Mặt hàng xuất khẩu của Indonesia sang Trung Quốc chủ yếu bao gồm kim loại thô và khoáng sản như than đá, niken, than nâu và dầu cọ, với hơn 50% nguyên liệu thô công nghiệp như nguyên liệu được sử dụng trong các sản phẩm điện tử, máy móc và linh kiện ô tô có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Trong năm 2021, Indonesia đã tăng gấp đôi tỷ trọng nhập khẩu than của Trung Quốc một cách ấn tượng lên 34%, hưởng lợi một phần từ các hạn chế thương mại của nước này đối với than của Úc.

Tương tự, Malaysia là một trong số ít các nhà xuất khẩu ròng dầu mỏ và khí đốt của châu Á, bên cạnh việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Bất chấp suy thoái toàn cầu, việc siết chặt nguồn cung và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể sẽ khiến giá tài nguyên, khoáng sản tăng cao vào năm 2023.

Xuất khẩu của ASEAN khó hưởng lợi dù Trung Quốc mở cửa 1

Ngoài tài nguyên, khoáng sản, thương mại nông nghiệp của ASEAN cũng là yếu tố đáng chú ý. Mặc dù vậy, gần như toàn bộ tăng trưởng thương mại đến từ dầu cọ, một lĩnh vực khác mà Indonesia (chiếm 70% lượng dầu cọ nhập khẩu của Trung Quốc) và Malaysia (20%) chiếm ưu thế.

Trong khi đó, trong lĩnh vực nông nghiệp truyền thống, Thái Lan và Philippines có thể sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu đang bùng nổ của Trung Quốc vào năm 2023, do tầm quan trọng của nông nghiệp trong xuất khẩu của họ.

Việt Nam cũng sẽ là một quốc gia hưởng lợi khác, mặc dù ở mức độ thấp hơn, khi hàng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không còn phải trải qua việc kiểm tra Covid-19 nghiêm ngặt.

Khó hưởng lợi dù Trung Quốc mở cửa

“Mặc dù tạo điều kiện cho phục hồi, nhưng việc mở cửa trở lại của Trung Quốc khó có thể mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho xuất khẩu chung của ASEAN”, HSBC nhận định. Xét cho cùng, phần lớn hàng xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc được chuyển vào lĩnh vực công nghiệp, thay vì nằm trong chu kỳ tiêu dùng.

Mặc dù sự phục hồi trong tăng trưởng của Trung Quốc có thể “trải thảm” cho sản xuất toàn cầu, nhưng không có khả năng đảo ngược chu kỳ thương mại vốn đang “hạ nhiệt”, HSBC đánh giá thêm.

Lực cản đáng chú ý nhất đến từ việc xuất khẩu hàng điện tử suy yếu, khiến Singapore và Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng.

Cụ thể, tại Singapore, xuất khẩu chất bán dẫn (NODX) trong tháng 11 đã giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước, mức độ tương tự như giai đoạn công nghệ suy giảm gần đây nhất trong nửa cuối năm 2018 – 2019.

Trong khi đó, các lô hàng điện thoại và máy tính của Việt Nam thậm chí còn giảm mạnh hơn, giảm gần 30% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, do bản chất phụ thuộc vào nhập khẩu của ngành sản xuất công nghệ, việc nhập khẩu thiết bị điện tử giảm mạnh báo hiệu một tương lai không chắc chắn đối với xuất khẩu công nghệ.

Mặc dù vậy, Malaysia là một ngoại lệ, vẫn duy trì vững vàng về hàng điện tử xuất đi, bất chấp chu kỳ đang hạ nhiệt. Sự vững vàng này một phần đến từ vị trí đặc biệt của Malaysia trong vai trò nước sản xuất lớn chip ô tô và thị phần đáng kể của nước này trong một số sản phẩm bán dẫn.