Xuất khẩu nhiều mặt hàng có nguy cơ mất đà tăng trưởng

Nhật Hạ - 14:07, 30/09/2021

TheLEADERĐa số các mặt hàng đều có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chậm lại đáng kể trong tháng 9 do chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19. Đặc biệt là thủy sản đã mất đi 2/3 đà tăng trưởng xuất khẩu trước đó từ 7% trong 8 tháng đầu năm xuống còn tăng 2,4% trong 9 tháng. Giày dép giảm từ 16% xuống còn 10%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng/2021 vẫn duy trì tốc độ tăng cao, ước tính vẫn đạt ở mức cao 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê.

Tuy nhiên, mức tăng đã chậm lại đáng kể so với tốc độ tăng 8 tháng đầu năm (27,2%), 7 tháng (30,2%) và 6 tháng (32,5%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 2,13 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,9 tỷ USD.

Xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm nay đạt 240,52 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước tăng 8,5%, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 23%, chiếm 74%.

Riêng xuất khẩu quý III đạt 83,9 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,2% so với quý II năm nay. Còn tháng 9 đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng 8.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng có nguy cơ mất đà tăng trưởng

Từ đầu năm đến nay đã có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD gồm điện thoại và linh kiện (doanh nghiệp FDI chiếm 99,1%); điện tử, máy tính và linh kiện (98%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (92,6%); dệt may (63,5%); giày dép (82,4%); gỗ và sản phẩm gỗ.

Xét về tốc độ tăng trưởng, hàng sắt thép dẫn đầu khi lượng hàng xuất khẩu đã tăng 2,25 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Đa số các mặt hàng đều có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chậm lại đáng kể trong tháng 9 do chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19. Đặc biệt là thủy sản đã mất đi 2/3 đà tăng trưởng xuất khẩu trước đó từ 7% trong 8 tháng đầu năm xuống còn tăng 2,4% trong 9 tháng. Giày dép giảm từ 16% xuống còn 10%.

Về cơ cấu, nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 19,5%, chiếm 89% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng 9% và chiếm 1%. Nhóm nông, lâm sản tăng 18% và chiếm 7%. Còn nhóm thủy sản tăng 2,4%, chiếm 2,5%.

Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 242,65 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước tăng 25%, chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 34%, chiếm 65%.

Riêng nhập khẩu quý III đạt 84,6 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,5% so với quý II năm nay. Còn tháng 9 đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3% so với tháng trước.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng có nguy cơ mất đà tăng trưởng 1

Kể từ đầu năm đến nay có 36 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 4 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.

Xét về tốc độ tăng, mặt hàng hạt điều, quặng và khoáng sản khác đứng đầu khi tăng lần lượt 2,7 lần và 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất tăng mạnh nhất 31% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 94% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính tăng 22% và chiếm 6%.

Trong 9 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng với 28% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Trung Quốc tăng 18%; EU tăng 11,6%; ASEAN tăng 21%; Hàn Quốc tăng 11,4%; Nhật Bản tăng 5%.

Ở phía ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hàn Quốc tăng 21,6%; ASEAN tăng 41%; Nhật Bản tăng 11,6%; EU tăng 19%; Hoa Kỳ tăng 12,7%.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng có nguy cơ mất đà tăng trưởng 2

Trong đó, 9 tháng qua xuất siêu sang EU tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc tăng 70,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc tăng 29,6%; nhập siêu từ ASEAN tăng 112,3%.

Đáng chú ý, tốc độ xuất siêu sang EU chậm lại đáng kể khi giảm từ mức 13% trong 8 tháng đầu năm xuống còn 6,5% trong tháng này.

Mặt khác, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, 12% doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới trong quý III/2021 cao hơn quý trước. 37% doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định, còn 51% doanh nghiệp có số đơn hàng mới giảm.

Về xu hướng 3 tháng cuối năm nay, 35% doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới. 22% doanh nghiệp dự kiến giảm và 43% dự kiến ổn định.