Băn khoăn ưu đãi cho phát triển tại 3 đặc khu kinh tế
Thu Phương
Thứ ba, 14/11/2017 - 08:33
Theo TS. Lưu Bích Hồ, các cơ quan ban hành luật pháp của Việt Nam vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc "mở cửa" cơ chế chính sách ưu tiên cho phát triển tại các đặc khu kinh tế.
Nhà quản lý nói “thừa”!
Chiều 10/11 vừa qua, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Sau đó, Uỷ ban Pháp luật Quốc hội đã có Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Theo Uỷ ban Pháp luật Quốc hội, các đề án dự thảo luật về 3 đặc khu hành chính kinh tế còn nhiều ý kiện chưa đồng thuận trong Quốc hội. Bên cạnh đó, đây mới chỉ là dự thảo do các địa phương chuẩn bị, chưa được Chính phủ thông qua.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 76 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ phải xây dựng đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trình Quốc hội; đề án phải lấy ý kiến nhân dân địa phương, được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.
Tuy nhiên, Chính phủ mới tập trung hoàn thành thủ tục trình Dự án luật, còn các bước nêu trên chưa hoàn thành, do đó, Uỷ ban Pháp luật không có cơ sở để thẩm tra, báo cáo Quốc hội về các đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới.
Cũng theo Uỷ ban Pháp luật Quốc hội, qua thảo luận, Quốc hội còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều liên quan đến các quy định về ưu đãi đầu tư, thể chế chính quyền trong các đặc khu kinh tế.
Theo đó, về thiết chế tổ chức chính quyền trong các đặc khu kinh tế, theo Uỷ ban Pháp luật, bên cạnh các ý kiến tán thành phương án không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, còn nhiều ý kiến cho rằng nên tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt gồm có HĐND và UBND để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị cân nhắc thêm để làm rõ hơn cơ chế thực hiện giám sát đối với Trưởng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực.
Do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Pháp luật đã báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến thêm về vấn đề này.
Mặt khác, theo Ủy ban Pháp luật, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc giao đất trong thời hạn 99 năm là quá dài so với chu kỳ thu hồi vốn của hoạt động sản xuất, kinh doanh và có thể bất lợi cho Nhà nước do nền kinh tế thế giới đang có sự biến động mạnh mẽ, có thể dẫn đến những thay đổi khó dự báo về vai trò, vị trí của một số ngành, nghề được ưu tiên trong nền kinh tế.
Trong khi đó, các khu vực dự kiến thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đều là những nơi có tiềm năng, lợi thế về du lịch, dịch vụ, hiện đang có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, đồng thời, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần xem xét đánh giá tác động của chính sách này đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như với cuộc sống của người dân; quy định thời hạn sử dụng đất phù hợp hơn đối với từng ngành, nghề ưu tiên phát triển và phù hợp với thực tế sử dụng, gắn với thực trạng quỹ đất hiện có tại mỗi địa phương để vừa thu hút đầu tư, vừa bảo đảm an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và không gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.
Chuyên gia nói “thiếu”
Nhận định về Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt của Uỷ ban Pháp luật Quốc hội, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ KH&ĐT cho biết, thực chất đặc khu kinh tế là để thử nhiệm các thể chế tự do về kinh tế và tự chủ về bộ máy hành chính nhằm tạo điều kiện và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại các đặc khu. Từ đó, lan toả ra trên phạm vi cả nước.
Hiện đặc khu kinh tế của Việt Nam đã chậm mấy chục năm so với thế giới. Bản thân nước ta cũng đã chuẩn bị hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa ra được.
Trong khi đó, những ưu đãi đầu tư của Việt Nam đối với ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trong dự thảo luật vẫn chưa thực sự đạt được sự hấp dẫn về mặt kinh tế để thu hút các nhà đầu tư.
Theo TS. Lưu Bích Hồ, các cơ quan ban hành luật pháp của Việt Nam vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc "mở cửa" cơ chế chính sách ưu tiên cho phát triển tại các đặc khu kinh tế.
"Các nhà đầu tư nước ngoài không thể cứ mãi chờ đợi cơ chế chính sách của Việt Nam. Do đó, trong chiến lược phát triển các đặc khu kinh tế, chúng ta chậm chân thì chúng ta sẽ thiệt, mất đi cơ hội phát triển", ông Hồ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, đối với các đặc khu kinh tế, điều quan trọng nhất là chúng ta phải thiết lập được hệ thống thể chế trong đó, cơ sở pháp lý, luật lệ quy định, bộ máy tổ chức, chính quyền, bộ máy quản lý và đội ngũ nhân sự phù hợp với thông lệ quốc tế, có khả năng cạnh tranh với các đặc khu tương tự ở khu vực và thế giới.
Theo đó, điều quan trọng là các chính sách pháp luật chỉ tuân thủ các quy đinh của hiến pháp năm 2013 mà không chịu những ràng buộc của các luật có liên quan đến các lĩnh vực thực hiện trong đặc khu.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, nếu muốn thu hút đầu tư, các đặc khu kinh tế của Việt Nam phải đặc biệt hơn những gì mà thế giới đang có. Tức là chúng ta phải có những ưu đãi nhất so với các đặc khu kinh tế khác trên thế giời.
"Khi tôi đọc Dự thảo Luật Đặc khu hành chính kinh tế - đặc biệt lần 1, tôi thấy các cơ chế rất thông thoáng, mở cửa cho các nhà đầu tư vào phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi đọc đến dự thảo lần 3 này thì lại thấy rằng, chúng ta vừa muốn mở cửa nhưng vừa lo ngại về mất quyền lợi chính trị kinh tế. Các quy định trong dự thảo đang dần dần bó hẹp lại".
Do đó, tôi cho rằng, trong chiến lược phát triển các đặc khu, chúng ta phải có tư duy mới, phải thoát khỏi tư duy cũ, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn... Có như vậy, Việt Nam mới có thể thành công với mô hình này, ông Hà nhấn mạnh
Theo Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cần quy định rõ địa vị pháp lý, thẩm quyền, quy trình xử lý công việc trong các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt khi giao thẩm quyền vượt trội cho các Trưởng đặc khu.
Theo Ủy ban Pháp luật Quốc hội, việc giao đất tới 99 năm tại các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là quá dài so với chu kỳ thu hồi vốn của hoạt động sản xuất, kinh doanh và có thể bất lợi cho Nhà nước.
Căn cứ vào kết quả chuẩn bị và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nếu hồ sơ chuẩn bị đầy đủ, đúng tiến độ, chất lượng tốt, có sự đồng thuận cao thì có thể trình Quốc hội quyết định việc thông qua các đề án, nghị quyết và dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.