Đâu là 'át chủ bài' của ngành du lịch Việt Nam?

Quỳnh Như - 12:02, 03/02/2018

TheLEADERChủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng biển và sinh thái chính là mỏ vàng của ngành du lịch.

Đâu là 'át chủ bài' của ngành du lịch Việt Nam?
Tây Bắc mùa lúa chín đã làm say mê biết bao du khách.

Ngành du lịch vừa trải qua một năm thành công với lượng du khách quốc tế đến Việt Nam lên đến 13 triệu lượt. Các chuyên gia về du lịch cho rằng, các cơ quan hữu quan lẫn doanh nghiệp trong ngành không nên bằng lòng với thắng lợi vừa qua. 

Đặc biệt, mục tiêu của toàn ngành du lịch trong 2018 đón 16 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đó là một thách thức lớn. Tuy nhiên, chia sẻ với TheLEADER, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nếu nỗ lực khắc phục những hạn chế, ngành du lịch Việt Nam có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Cảm nghĩ của ông như thế nào về thành tựu của ngành du lịch trong năm 2017?

Ông Nguyễn Hữu Thọ: Năm 2017, con số doanh thu tăng gần 30% so với năm 2016 và khách quốc tế là con số ấn tượng. Kết quả không phải có được trong ngày một ngày hai, mà tích tụ qua nhiều năm phát triển, đăc biệt từ năm 2012 đến nay nhờ hệ thống khách sạn, resort hiện đại được đưa vào hoạt động, trong đó có khách sạn, resort đứng đầu châu Á như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort Đà Nẵng. 

Những năm gần đây, sự xuất hiện của các khu du lịch có sự đầu tư lớn từ các tập đoàn như Vingroup, Sungroup, CEO Group, FLC... đã khiến mảng du lịch biển ngày càng trở nên chất lượng và sôi động hơn.

Việc tăng 30% là ước mơ của nhiều quốc gia, không như các ngành khác, tất cả những gì ngành du lịch về đều vào túi của người dân từ người lái xe taxi, người bán hàng lưu niệm cho đến những nhà đầu tư cơ sở vật chất cho ngành du lịch.

Thưa ông, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ chính trị về phát triển du lịch có ảnh hưởng gì đến tăng trưởng ấn tượng đó?

Ông Nguyễn Hữu Thọ: Nghị quyết Bộ Chính trị, bao gồm các giải pháp được ngành du lịch tham mưu, nêu ra cụ thể những tồn tại của ngành, đi kèm đó là chương trình hành động của Chính phủ.

Những quyết sách của Đảng luôn có tính quyết định, sau khi có Nghị quyết, tất cả bí thư và chủ tịch các tỉnh thành đều nói về du lịch, tham gia vào làm du lịch. Trước nhất, nó giải quyết được tư tưởng của lãnh đạo, bởi trước đây, nhiều lãnh đạo coi du lịch là ngành ăn chơi, nhảy múa, chứ không phải là ngành kinh tế trọng điểm đối với Việt Nam.

Còn bây giờ Nghị quyết đã đánh bật được thành kiến đó, có những tỉnh làm rất tốt như Tây Ninh, triển khai Nghị quyết được thông suốt từ lãnh đạo tỉnh đến các huyện, xã... 

Đâu là 'át chủ bài' của ngành du lịch Việt Nam?
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ.

Theo ông, đâu là những vấn đề ngành du lịch Việt Nam phải giải quyết để phát triển tốt hơn nữa?

Ông Nguyễn Hữu Thọ: Qua tổng kết của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngành du lịch của Việt Nam còn 4 tồn tại, bao gồm:

Thứ nhất, sức cạnh tranh của ngành du lịch của mình vẫn chưa bằng các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặc dù có nhiều tập đoàn lớn đã tham gia vào làm du lịch, nhưng nhìn chung, tính chuyên nghiệp của ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa cao, vì ở các nước người ta đã làm du lịch từ nhiều năm rồi.

Chúng ta không thể so sánh ngành du lịch của Việt Nam với Thái Lan hay Singapore, bởi họ làm du lịch quá nhiều năm và chuyên nghiệp. Mình nên nhìn lại chính mình, khắc phục những nhược điểm thì mới tiến lên được. 

Ngành du lịch còn non trẻ chỉ có vài mặt mạnh chứ chưa mạnh toàn diện, còn thiếu tính chuyên nghiệp so với các nước lâu đời làm du lịch.

Thứ hai, tính liên kết trong du lịch chưa chặt chẽ. Ngành du lịch Việt Nam đã làm rất nhiều chuyện, Hội Du lịch TP. HCM hay Sở Du lịch TP. HCM đã đi hợp tác với nhiều nơi, đã có sự liên kết hợp tác giữa Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam. Nói chung, từng bước có làm, nhưng liên kết chặt chẽ để tạo ra hiệu quả kinh tế rõ rệt thì chưa.

Việt Nam tuy diện tích không lớn so với nhiều nước khác nhưng thiên nhiên, cảnh quan, khí hậu da dạng. Từ trung tâm TP. HCM lan tỏa về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như thế nào để có thể sử dụng hết những sản phẩm độc đáo của vùng sông nước. 

Từ Hà Nội lan tỏa lên vùng Tây Bắc như thế nào, để có thể quyến rũ khách đến vùng cao Tây Bắc, nơi các bản làng của các dân tộc ít người còn đậm nét hoang sơ. Hay từ trung tâm Đà Nẵng – Quy Nhơn, lan tỏa lên liên kết với Tây Nguyên hùng vĩ như thế nào. Quy Nhơn đang là điểm đến mới nổi ở miền Trung, với 3,5 triệu lượt khách vào năm ngoái.

Biển là du lịch nghỉ dưỡng, nhưng du lịch sinh thái mới lâu dài, mà sinh thái chỉ có ở Tây Nguyên – Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, rất phong phú. Điểm yếu của mình là vẫn chưa kết nối khăng khít để có thể tận dụng tốt thế mạnh của tất cả.

Thứ ba là sử dụng công nghệ thông tin như thế nào để loan truyền thông tin hiệu quả để thu hút khách du lịch trên thế giới. Hiện nay, khách du lịch sử dụng internet và các mạng xã hội rất nhiều, ở Việt Nam cũng vậy.

Vấn đề sử dụng công nghệ thông tin như thế nào phù hợp với tập quán tiếp cận thông tin của người nước ngoài .Việt Nam nên có một trung tâm điều hành cả nước bằng website qua internet. Website dành cho khách nước ngoài khác biệt với website dành cho khách trong nước.

Khách nước ngoài cần biết thông tin gì? Đầu tiên là khí hậu, nhiệt độ; vì khí hậu ở nước ngoài, nhất là ở phương Tây rất khắc nghiệt, nên họ rất quan tâm đến khí hậu. Tiếp đến là đổi tiền: tỷ giá ngoại tệ so với đồng Việt Nam như thế nào, đổi ở đâu mới bảo đảm… Thứ ba là dịch vụ về ngân hàng vì họ không có thói quen mang tiền mặt như mình. Thứ tư là những dịch vụ về chăm sóc con người, về văn hóa,về ẩm thực…

Cuối cùng là nhân sự làm du lịch. Chúng ta phải đào tạo được đội ngũ chuyên nghiệp. Theo Tổng cục Dạy nghề, hiện tại, ngành du lịch của chúng ta mới có 38% đến 40% người lao động được đào tạo. Để nâng tính chuyên nghiệp, nhân sự trong ngành du lịch đều được đào tạo, ít nhất cũng phải từ 60% đến 70% là đươc huấn luyện bài bản qua trường lớp.

Nhân sự rành ngoại ngữ cũng chỉ tập trung ở khách sạn 4- 5 sao, phần còn lại rất ít. Bên cạnh đó, các nhân sự cũng chỉ tập trung vào tiếng Anh, tiếng các nước khác chưa được coi trọng, như tiếng Hoa, tiếng Hàn hay tiếng Nhật trong khi lượng khách 3 nước này đến Việt Nam ngày càng nhiều.

Ngành du lịch muốn phát triển tốt, nguồn nhân lực của chúng ta phải đạt chuẩn quốc tế. Hiện nay, lực lượng lao động trong ngành du lịch ở Đông Nam Á có sự dịch chuyển lớn. Sau AEC, lao động Philippines, Thái Lan, Indonesia và Singapore sang Việt Nam làm việc rất nhiều, khách sạn 4-5 sao và resort nào cũng có. 

Tỷ lệ khách du lịch quay lại hiện nay đã tăng lên chưa thưa ông? Và theo ông, chúng ta cần phải làm gì để cải thiện điều này?

Ông Nguyễn Hữu Thọ: Tỷ lệ khách quay lại đã tăng lên, nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Muốn khách quay lại, ngoài nâng cao sức cạnh tranh và quảng bá qua internet cho tốt; và phải có sản phẩm mới để thu hút khách quay lại.

Nghỉ dưỡng biển là ưu thế của nước ta. Các địa phương có bờ biển nên tập trung xây dựng bản sắc riêng, để đổi khẩu vị cho khách. Để khách hôm nay đi Nha Trang, ngày mai đi Phan Thiêt, ngày mốt đi Quy Nhơn… cũng không cảm thấy nhàm chán. Theo kinh nghiệm của tôi, khách quay lại nhiều nhất vẫn là chủ yếu đi du lịch biển.

Sau đó, phải liên kết được với Tây Nguyên và Tây Bắc để làm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch ẩm thực. Có sinh thái mới quay lại. Bây giờ người ta đã biết, lá cây và nước biển là hai thứ hấp thu năng lượng mặt trời tốt nhất,hấp dẫn khách đến từ những nước có mùa đông lạnh giá kéo dài. 

"Tắm" trong năng lượng mặt trời, sức khỏe con người ta sẽ tốt hơn. Du lịch văn hóa và ẩm thực cũng không kém phần hấp dẫn so với sinh thái.

Ngoài ra, phải có du lịch shopping, phải có mùa sale. Đó là lý do vì sao cứ đến mùa giảm giá là người ta lại đi Singapore. Người ta đến, chưa hẳn là để mua hàng giá rẻ mà nhiều khi chỉ nhằm hưởng thụ cảm giác được đi nhìn ngắm, lựa đồ , thử đồ…

Cần phải có trung tâm hàng hóa Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam bây giờ đã nổi tiếng thế giới. Ví dụ, chúng ta phải có trung tâm hàng lưu niệm Việt Nam, khách nước ngoài luôn sẵn sàng bỏ 5 USD đến 10 USD mua hàng bỏ vào góc lưu niệm để khoe với bạn bè những vùng đất mà mình đã đến.

Muốn khách thương nhân quay lại thì mình phải làm MICE. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa có nhiều trung tâm có sức chứa từ 1.000 đến 3.000 người trở lên. Chúng ta phải có những trung tâm có sức chứa lớn ở các trọng điểm du lịch. 

Ở những nước khác, họ có những khu phức hợp gồm nhiều trung tâm triển lãm lớn liền kề dành cho hội nghị/hội thảo với quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế, kèm theo những khách sạn 4 đến 5 sao bên cạnh.

Muốn thu hút khách trở lại như mình mong muốn, đầu tiên mình phải giữ được khách cũ, thứ hai là phải tăng khách mới. 

Xin cám ơn ông!